Tai nạn lao động, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đang là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong khoảng thời gian ngắn, nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra, ở các thành phố lớn như: đứt dây tời, rơi vật liệu, công nhân sẩy chân rơi từ trên cao xuống...
Hầu hết các vụ tai nạn đều để lại hậu quả đau lòng, nạn nhân đều là người còn trẻ và là lao động chính trong gia đình. Ðiều đáng nói là từ năm 2006, Chương trình quốc gia về an toàn lao động đã được triển khai, nhưng số vụ tai nạn và số vụ vi phạm an toàn lao động vẫn gia tăng. Không thể viện lý do tốc độ đô thị hóa và tốc độ xây dựng đang gia tăng mà buông lỏng kỷ luật an toàn lao động, thiếu các phương tiện, trang thiết bị bảo vệ an toàn cho người lao động. Càng đáng trách hơn là không ít người lao động còn thiếu ý thức tuân thủ kỷ luật để bảo đảm an toàn cho chính mình...
Theo phân tích của các chuyên gia, để bảo đảm môi trường an toàn cho người lao động, khi tính toán kinh phí cho công trình, chủ doanh nghiệp phải dự trù kinh phí cho an toàn lao động theo tỷ lệ 5% kinh phí xây dựng công trình, nhưng do muốn giảm giá thành công trình, nhiều chủ doanh nghiệp đã "quên" khoản chi phí này. Việc tuyển công nhân ở nhiều công trình là do các "cai thầu" phụ trách và chủ yếu là từ nguồn lao động tự do, mang tính thời vụ, hợp đồng lao động nhiều khi chỉ là hợp đồng miệng... cho nên ngay cả người tuyển dụng và người được tuyển dụng cũng không chú ý đến điều kiện để có an toàn lao động trong khi làm việc. Việc tăng ca để bảo đảm tiến độ đôi khi cũng là nguyên nhân của tai nạn lao động. Bên cạnh đó, khâu giám sát và quản lý cũng như biện pháp xử phạt với các đơn vị vi phạm an toàn lao động vẫn chưa tiến hành nghiêm khắc và triệt để. Hiện tượng chủ công trình che đậy hay trốn tránh trách nhiệm khi có tai nạn xảy ra vẫn còn.
Về phía người lao động, nhiều người vì cuộc mưu sinh mà chấp nhận điều kiện lao động thiếu an toàn, hoặc bản thân thiếu ý thức trong việc thực hiện kỷ luật an toàn lao động. Vì thế, bên cạnh những điều kiện khách quan để bảo đảm an toàn lao động, cần phải chú ý tới ý thức và hành vi văn hóa của người tổ chức lao động lẫn người lao động, để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bảo đảm tính mạng và tài sản của người lao động. Ðể làm được việc này, cần có sự kết hợp của các cơ quan chức năng địa phương, của những người quản lý để tăng cường khả năng giám sát tại những công trình đang thi công, kết hợp với việc xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm, tăng cường tuyên truyền pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Ðồng thời, cần có quy định rõ ràng và bắt buộc đối với người sử dụng lao động trong việc bổ túc kiến thức về an toàn lao động và sử dụng các thiết bị bảo đảm an toàn. Nâng cao khả năng tự nhận thức cho người lao động trong khi chấp hành kỷ luật lao động cho mọi người là việc làm cần thiết, đó là bước đi quan trọng để hình thành nét văn hóa - văn minh trong lao động, sản xuất.
(Theo Nhân Dân)