Thứ Bảy, 30/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 16/7/2009 19:1'(GMT+7)

Những khoảng trống khó lấp đầy!


Khi "con cưng" phạm luật

Được ban hành và có hiệu lực từ tháng 7/2005 nhưng có thể khẳng định, đến nay Luật Cạnh tranh rất mờ nhạt trong cuộc sống, chưa thể hiện rõ vai trò trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Vậy nên, các nhà đầu tư, các DN trong và ngoài nước than phiền nhiều về môi trường kinh doanh Việt Nam còn thiếu bình đẳng và lành mạnh là điều hiển nhiên. Con số do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đưa ra mới đây, có lẽ bất kỳ ai biết đến cũng phải giật mình: Sau 4 năm Luật Cạnh tranh đi vào thực thi mới xử một vụ vi phạm; các đối tượng vi phạm hầu hết là "những đứa con cưng" - các Tập đoàn, các Tổng công ty của Nhà nước...

Theo Luật Cạnh tranh, một DN chiếm thị phần từ 30% trở lên được coi là vị trí thống lĩnh trên thị trường và vi phạm Luật. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc có khả năng bóp méo sự phát triển lành mạnh của thị trường, do có thể áp đặt các điều kiện thương mại hay gây cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ cũng như các DN khác và gây thiệt hại cho khách hàng.

Nếu chiểu theo các quy định của Luật thì bất kỳ ai cũng có thể "chỉ mặt đặt tên" các DNNN đang vi phạm Luật Cạnh tranh, thống lĩnh vị thế độc quyền trong môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay như: Điện lực, nước sinh hoạt, đường sắt… không chỉ nắm thị phần khiêm tốn ở mức "min - 30%" mà còn cao hơn thế rất nhiều, thậm chí còn "một mình một chợ" với "quyền sinh, quyền sát" nếu "thượng đế" làm phật lòng. Sự độc quyền đã tạo ra những cách hành xử trái quy luật tất yếu của thị trường trên các sản phẩm điện, nước sinh hoạt là dùng càng nhiều giá càng lũy tiến và không được khuyến khích dùng.

Theo nhận xét một số chuyên gia kinh tế: Gần đây, ta nói là đưa giá điện và giá xăng vận hành theo cơ chế thị trường. Nói thế chưa ổn vì còn độc quyền kinh doanh thì giá không thể theo cơ chế thị trường được, mà Nhà nước vẫn phải kiểm soát, xét duyệt khi cần. Chẳng qua là trước đây, Nhà nước bao cấp, bù giá đối với mặt hàng ấy, nay xoá bỏ bao cấp, để cho giá lên xuống theo tín hiệu của thị trường chứ chưa phải là làm theo cơ chế thị trường. Đã là cơ chế thị trường thì phải có cạnh tranh; giá cả thuận mua vừa bán, thông qua cạnh tranh mà hình thành. Cũng chính vì được độc quyền, được Nhà nước ưu đãi cả về tín dụng, đất đai…, nên nhìn chung các DN thuộc đối tượng này ít chịu sức ép cạnh tranh, cũng không bị thúc bách phải đổi mới công nghệ và quản lý. Vì vậy, hiệu quả kinh tế thấp hơn các khu vực khác, hiệu quả hoạt động không tương ứng với đồng vốn nhà nước đầu tư và sự kỳ vọng của người dân.

Luật vẫn nằm ngoài cuộc sống

Ông Vũ Bá Phú, Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh cho rằng, đúng là nhiều Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty đang nắm thị phần chi phối trong một số ngành nghề được coi là độc quyền, nhưng các DN này có phạm luật hay không chưa thế xác định ngay được, còn phụ thuộc vào việc có xác định được “hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh” hay không... Một trong những điều kiện để xử lý các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh là phải có đơn khởi kiện của các DN hoặc cá nhân.

Như vậy, có thể hiểu, biết là vi phạm rồi nhưng cơ quan Quản lý cạnh tranh không có chức năng phát hiện, phải chờ có đơn khiếu kiện mới vào cuộc. Với cách làm như vậy đúng là không trái với quy định của Luật Cạnh tranh. Nhưng qua đó có thể lý giải tại sao Luật mãi vẫn chưa đi vào cuộc sống. Các DN thì biết rõ là sai Luật nhưng vẫn làm vì sẽ chẳng có ai đâm đơn khiếu kiện để bị xử lý...và Luật vẫn nằm ngoài cuộc sống.

Cũng theo ông Phú: Năm 2008, Cục Quản lý Cạnh tranh cũng đã tham gia giải quyết một số vụ việc liên quan đến pháp luật cạnh tranh. Điển hình nhất là vụ các DN trong Hiệp hội Thép “bắt tay” để giữ giá bán thép không dưới mức 13,7-14 triệu đồng/tấn và vụ Hiệp hội Bảo hiểm thống nhất với DN nâng mức phí bảo hiểm lên 3,95%/năm cho tất cả các đối tượng khách hàng. Theo Luật Cạnh tranh, những DN tham gia “liên minh làm giá” này sẽ bị phạt tối đa 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi. Tuy nhiên, sau đó, vụ thép đã dừng lại do DN chủ động xin rút đơn. Như vậy, sau 4 năm kể từ 1/7/2005, Luật Cạnh tranh ban hành, với vụ Công ty CP xăng dầu Hàng không (Vinapco) không chịu bán xăng máy bay cho Pacific Airlines, thì vụ bảo hiểm mới là vụ thứ hai đang được Cục này hoàn tất hồ sơ để chuyển sang Hội đồng Cạnh tranh xử lý.

Một trong những than phiền của nhiều DN là quá trình điều tra, kết luận, xử lý một vụ việc kéo dài khá lâu, có khi đến hàng năm trời vậy nên vụ việc có khi bị "mờ dần" và DN cũng không đủ thời gian để theo đuổi vụ kiện. Điển hình như vụ kiện, về bảo hiểm đến nay đã gần 1 năm nhưng vẫn chưa có kết luận. Nguyên nhân của sự chậm trễ và số vụ kiện ít trong khi vi phạm thì nhiều được ông Phú lý giải là “các vấn đề vi phạm cạnh tranh, trong đó có nội dung liên quan tới độc quyền còn rất mới mẻ ở Việt Nam; các thủ tục điều tra khá phức tạp và dài dòng nên không phải DN nào cũng muốn đâm đơn khiếu kiện...".

Cần có giải pháp căn cơ

Với thực trạng bất bình đẳng trong môi trường cạnh tranh như hiện nay, và Luật cạnh tranh vẫn còn xa vời so với cuộc sống các chuyên gia cho rằng, cần phải nghiêm túc nhìn nhận và kiểm điểm việc thi hành Luật. Đồng thời, phân tích cặn kẽ tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh của nước ta, làm rõ những trở lực đang kìm hãm việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, đề ra những biện pháp khắc phục phù hợp với đặc điểm từng lĩnh vực. Một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia đồng tình là cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, phải hoạch định và thực hiện lộ trình hạn chế, xoá bỏ độc quyền kinh doanh, đặt các doanh nghiệp nhà nước vào môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng theo pháp luật; đây là bước cải cách lớn có nhiều khó khăn, phức tạp không chỉ nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước mà còn tác động trực tiếp đến sự đổi mới và phát triển của toàn bộ nền kinh tế.

Động thái tạo bước đột phá và được đông đảo dư luận quan tâm đánh giá cao là Bộ Công thương trình Chính phủ đề án xoá bỏ độc quyền, xây dựng thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh điện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và mong muốn của người tiêu dùng. Mặc dù, chưa có được kết quả cuối cùng nhưng người dân và DN vẫn đang kỳ vọng một sự đổi mới trong môi trường cạnh tranh Việt Nam của EVN. Tiếp theo ngành điện sẽ là hàng loạt các ngành nghề khác hiện đang giữ vị thế độc tôn... người dân, doanh nghiệp và dư luận vẫn đang chờ các vị thế độc tôn của các DNNN hiện nay được xóa bỏ bằng công cụ Luật Cạnh tranh./.

Quỳnh Chi, BộTài Chính

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất