(TCTG) - Ngành Thép Việt Nam đang “bội thực” do quá nhiều dự án đầu tư được phê duyệt, khiến cho Quy hoạch Phát triển ngành thép đến 2015 và có xét đến 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa được hai năm đã bị phá vỡ... Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng các doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn đang tiếp tục “lao” vào “mảnh đất” tưởng như màu mỡ này; còn các cơ quan quản lý thì vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết...
Nóng...chảy quy hoạch
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam “Quy hoạch phát triển ngành thép được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 9/2007, mục tiêu đến 2015 năm, Việt Nam sản xuất từ 15 đến 18 triệu tấn thép, đến 2020 khoảng 20 triệu tấn/năm. Như vậy, chỉ cần xây dựng từ 1 đến 2 liên hợp luyện thép là đủ. Vậy nhưng sau gần hai năm, đã có 32 dự án thép nằm ngoài quy hoạch với tổng công suất thiết kế hơn 60 triệu tấn/năm đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nếu những dự án này đi vào hoạt động chỉ cần đạt trên 50% công suất sản xuất thép thì lượng cung đã vượt xa so với khả năng tiêu thụ trong nước. Việc đầu tư ồ ạt như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi. Báo động về nguy cơ khủng hoảng thừa thép trong tương lai và tác động tiêu cực về môi trường sau này”.
Thừa nhận thực trạng bất cập trên, ông Cường còn lo ngại về việc bố trí các quy hoạch của ngành đang lộ rõ sự bất hợp lý. Ông Cường dẫn chứng: “Riêng khu vực Thạch Khê - Hà Tĩnh đã có tới 4 dự án Liên hiệp Luyện Kim công suất từ 2-15 triệu tấn/năm. Đâu là điều không tưởng vì địa phương không thể đáp ứng được các yêu cầu về hạ tầng cơ sở cho 4 dự án lớn này. Thực tế này chỉ tồn tại ở Việt Nam. Trên thế giới, các mỏ quặng phải gắn với liên hợp luyện kim nhưng mỏ Thạch Khê của Việt Nam lại được tách ra lập công ty cổ phần không gắn vào liên hợp nào. Ngoài ra, việc cấp đất cho liên hợp cũng chồng chéo như đất cấp cho dự án Tata-VnSteel vẫn đang trong thời gian lập dự án thì địa phương lại tiếp tục cấp cho dự án Formosa tạo sự mâu thuẫn, tranh chấp khó giải quyết...”. Bên cạnh đó, tại khu vực Quán Toan - Hải Phòng cũng đã có rất nhiều nhà náy luyện kim được bố trí tập trung gần khu dân cư, xen kẽ cả các khu biệt thự... Một vấn đề bức xúc đang đặt ra là khi các nhà máy này đi vào hoạt động, vấn đề giải quyết môi trường trong khu dân cư này sẽ thế nào. Chắc chắn doanh nghiệp sẽ lại mâu thuẫn với người dân sở tại và việc di dời là điều khó tránh khỏi khi vấn vấn đề đảm bảo sức khỏe, môi trường đang được đặt lên hàng đầu. Thực tế này đã diễn ra tại một số khu vực như: Nhà Bè, Thủ Đức (TP.HCM), Biên Hòa I (Đồng Nai)...
Đặc biệt, tình trạnh vượt quyền của các địa phương trong cấp phép cho các dự án thép không có trong quy hoạch đã diễn ra phổ biến trong thời gian qua. Bộ Công thương cho biết, trong số 32 dự án được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư không có trong quy hoạch thì có đến 24 dự án chưa phù hợp với quy định của Luật Xây dựng, ngoài sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự chấp thuận của Bộ Công Thương. Ngoài tình trạng đầu tư sản xuất vẫn còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, các DN chưa quan tâm đến tính liên kết sản phẩm để tạo ra chuỗi giá trị, nên lợi nhuận rơi vào khu vực thương mại thuần túy, làm cho việc quản lý giá cả, thị trường của cơ quan nhà nước gặp khó khăn.
Bên cạnh những bất cập tại các dự án được cấp phép “ngoài luồng” mọc lên như “nấm sau mưa” thì ngay trong các dự án nằm trong quy hoạch cũng tồn tại nhiều bất cập trong triển khai. Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện có đến 80% dự án này triển khai chậm so với kế hoạch đề ra. Cụ thể: Dự án liên doanh cán nóng ESSAR - Tổng Công ty thép Việt Nam (Vietnam Steel) chậm 2 năm, hiện vẫn chưa xác định thời điểm khởi công xây dựng; Liên hợp gang thép Lào Cai mới triển khai phần khai thác mỏ, phần đầu tư nhà máy chậm 1 năm so với cam kết ghi trong giấy phép đầu tư, Dự án Liên hợp thép Quảng Ngãi do Tập đoàn E-United Đài Loan làm chủ đầu tư chậm 2 năm; Nhà máy gang thép Yên Bái, Nhà máy thép tấm cán nóng Vinashin… đều triển khai và thực hiện chậm trên 1 năm so với kế hoạch.
Hạ nhiệt bằng cách nào?
Có thể nói, những bất cập trên là do sự chấp nhận đối tác xây dựng các nhà máy thép có phần dễ dãi và thiếu thông tin cơ bản cần thiết. Cách đây chưa lâu, dự án thép không gỉ, công suất một triệu tấn/năm của nước ngoài được chấp nhận đầu tư, sau mấy năm không nhúc nhích triển khai, buộc phải thu hồi giấy phép. Khi tìm hiểu, mới biết doanh nghiệp này không có thực lực về vốn. Một số dự án khác đăng ký đầu tư, lợi dụng ưu đãi của Nhà nước rồi bán lại dự án cho doanh nghiệp khác kiếm chênh lệch. Những ưu đãi đầu tư của Nhà nước vô hình trung biến thành lợi nhuận cho các doanh nghiệp nước ngoài, còn hậu quả trong nước phải gánh chịu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để xây dựng một liên hợp sản xuất thép không hề đơn giản, không phải có tiền là làm được. Các dự án thép có tính rủi ro rất cao, nếu thất bại, không chỉ chủ đầu tư chịu hậu quả, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong tương lai không xa, ngành công nghiệp thép sẽ phải trả giá đắt nếu không sớm có những cam kết cụ thể đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như xem xét kỹ tính khả thi, khả năng tài chính của từng dự án. Do đó, cần cân nhắc thận trọng địa phương nào đủ điều kiện mới cho đặt trung tâm luyện kim, bên cạnh đó cần sớm ban hành quy chuẩn về công nghệ, thiết bị, cơ sở hạ tầng, tài chính và nhất là môi trường, chứ không thể cho đầu tư sản xuất thép tràn lan.
Để ngành công nghiệp thép phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh công tác cấp chứng nhận đầu tư các dự án thép tại các địa phương, đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư và Luật Xây dựng tránh sự chồng chéo về mặt luật pháp; Bộ Tài chính sử dụng linh hoạt và hữu hiệu công cụ thuế (tài nguyên, môi trường, xuất-nhập khẩu) để bảo hộ hợp lý và kịp thời việc đầu tư và sản xuất trong nước, phù hợp với tiến trình hội nhập của Việt Nam; Bộ Khoa học và Công nghệ cần nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, thiết bị sản xuất thép phù hợp với Quy định tại Quyết định về quy hoạch ngành Thép của Chính phủ.
Trước những thực trạng bất cập của ngành thép trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có những kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết thực trạng trên. Theo đó: Cần rà soát lại những dự án đang xây dựng hoặc sắp xây dựng để kiểm tra cơ sở nguyên liệu có đủ đảm bảo nhà máy hoạt động lâu dài hay không? Nếu không đảm bảo thì cho đình chỉ sớm. Không nên chấp thuận đề nghị của Bộ Công thương ưu tiên xây dựng xí nghiệp gang thép ở những vùng kinh tế khó khăn nếu địa phương không đủ điều kiện cung ứng nguyên liệu ổn định và đảm bảo xử lý môi trường, không đảm bảo tính bền vững. Tạm thời không cấp phép mới cho các dự án luyện kim ngoài quy hoạch, đặc biệt là các dự án sản xuất thép xây dựng thông thương và phải nhập phôi. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các dự án đã cấp phép nếu không thực hiện đúng tiến độ nên thu hồi giấy phép. Đối với các dự án FDI lớn cũng cần theo dõi tiến độ thực hiện, không được phép chuyển đổi chủ dự án và tạo điều kiện cho các công ty có đủ thực lực tham gia hợp tác đầu tư với các đối tác Việt Nam. Mặt khác, xem xét đưa mỏ Thạch Khê gắn với Liên hợp luyện kim đảm bảo tính hợp lý của việc sử dụng tài nguyên quặng sắt; rà oát tổng thể quy hoạch sử dụng tài nguyên cho luyện kim và quản lý chặtc hẽ việc khai thác tài nguyên để tránh lãng phí tài nguyên, hủy hoại môi trường./.
Quỳnh Chi - Hải Ngọc