Thứ Ba, 24/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Tư, 23/11/2011 20:57'(GMT+7)

An toàn thông tin số, nền tảng bền vững của một nước mạnh về Công nghệ thông tin

Trong một ngày làm việc, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ kinh nghiệm về việc bảo đảm ATTT trong hội nhập và phát triển, các vấn đề như phát triển hạ tầng công nghệ an ninh bảo mật, các giải pháp ứng dụng mới nhất, các vấn đề thời sự cấp bách nhằm nâng cao nhận thức và cảnh báo về ATTT…

Trong lộ trình “đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, vấn đề an ninh mạng đang trở nên hiện hữu, ảnh hưởng sâu rộng, tác động đến vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh quốc gia.

Một Báo cáo quan trọng được đông đảo cộng đồng CNTT đón đợi là Báo cáo Công bố kết quả điều tra tình hình ATTT trong các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam 2011 của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA). Báo cáo đã đưa ra những con số thông kê một cách khá toàn diện về tình hình sử dụng cũng như ứng dụng CNTT trong các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam, trong điều kiện tình hình an ninh mạng trên thế giới đang diễn ra rất phức tạp.

An toàn về thông tin mạng góp phần đảm bảo an ninh quốc gia.

Ông Lê Danh Cường - Cục trưởng cục 42, Tổng cục 5, Bộ Công an cho biết, ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công có quy mô với các thủ đoạn tinh vi, tổ chức thu thập dữ liệu quan trọng, chiếm quyền điều khiển, thay đổi nội dung các trang thông tin điện tử... Mục tiêu của các tin tặc không chỉ là các doanh nghiệp nhỏ, có trình độ bảo mật yếu mà còn có cả các công ty CNTT lớn, các cơ quan quan trọng của chính phủ...

Các cuộc tấn công mạng trong năm 2011 cho thấy tội phạm mạng đang tiếp tục nâng cao khả năng triển khai tấn công, bao gồm cả việc “sản phẩm hóa” và bổ sung thêm nhiều tính năng vào các mã độc nhằm tấn công vào những đối tượng cụ thể. Các việc làm này thực chất đã "đụng" đến vấn đề rất nhạy cảm của 1 quốc gia là "chủ quyền số". Bên cạnh đó, với sự phát triển của mạng 3G, dẫn đến nguy cơ mất ATTT tăng gấp đôi.

Hàng loạt yếu tố hạn chế việc bảo an toàn thông tin mạng của các tổ chức, doanh nghiệp VN đã được chỉ ra. Các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan đang phải đương đầu với sự thiếu hụt về nhân lực CNTT và hiểu biết về tội phạm mạng. Cụ thể là thiếu những chuyên gia về an ninh mạng, những chuyên viên phụ trách về an toàn thông tin; thiếu qui trình ứng cứu, khắc phục sự cố, qui định khai thác sử dụng mạng máy tính một cách an toàn, bảo mật. Lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự coi trọng vấn đề an ninh mạng, chưa đầu tư đúng mức cho vấn đề bảo mật. Tại Việt Nam hiện nay cũng chưa có nhiều trường đào tạo chuyên biệt về an toàn thông tin, chưa có nhiều khóa học cung cấp cho học viên đầy đủ các kiến thức chuyên môn, các kỹ năng phòng chống tin tặc từ căn bản đến chuyên sâu. Mặc dù có một số cơ quan xử lý các vấn đề liên quan đến sự cố mạng nhưng chưa có một cơ quan thực sự chuyên trách để đảm bảo an ninh mạng quốc gia. Vấn đề xử lý các loại tội phạm về an ninh mạng từ trước đến nay luôn gặp khó khăn vì thiếu chế tài, luật pháp chưa đủ mạnh để răn đe tin tặc.

Giải pháp trước mắt là phải tăng cường đảm bảo an ninh mạng trong các tổ chức doanh nghiệp, nâng cao ý thức người dùng; tăng cường nhận thức đối với công tác an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân….để chủ động phòng ngừa đối với các hoạt động tấn công mạng, đảm bảo an ninh quốc gia; thành lập các cơ quan chuyên trách về ANM cấp Quốc gia; hoàn thiện pháp lý để xử lý các vấn đề liên quan đến tội phạm công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động tội phạm công nghệ cao.

VNISA nhận định năm 2011 là thời điểm bắt đầu của một giai đoạn mới. Đây là một năm nhiều biến động với các tấn công “có thật”, nguy hiểm thật. Dự báo, năm 2012 vẫn là năm khó khăn về ATTT. Nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy trình ở tầm vĩ mô, gắn liền quy hoạch ATTT số với Đề án nước mạnh về CNTT đòi hỏi có những thực thi các biện pháp hạ tầng kỹ thuật tầm quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng lưu ý: “Trong bối cảnh các nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn trong môi trường mạng có dấu hiệu diễn biến phức tạp, ngày 10/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 879/CT-TTg về việc tăng cường triển khai các hoạt động an toàn thông tin số. Bộ Thông tin – Truyền thông cùng Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đề nghị các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp cùng khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong Chỉ thị”. /.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất