Một ngày nào đó, thế hệ sau tôi đặt câu hỏi “Thế nào là “ngày giáp hạt”? Chúng ta sẽ dõng dạc trả lời: “Ngày ấy vĩnh viễn xa rồi”.
Cây lúa - hạt gạo Việt Nam có được vị trí quan trọng trên thị trường quốc tế hôm nay phải ghi công các nhà khoa học, nhà quản lý và người nông dân đã làm nên những kỳ tích. Đó là việc đưa Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu lương thực thành một cường quốc về xuất khẩu gạo. Ấn tượng lớn nhất mà những kỳ tích trên đồng ruộng đem lại trước hết là vĩnh viễn đẩy lùi cảnh đói kém vào những ngày giáp hạt mà một thời người dân quê tôi từng nếm trải.
Tôi không sinh ra từ đồng ruộng nên không hiểu nhiều về cái khó của người nông dân vào những ngày giáp hạt. Chỉ biết, cha mẹ tôi phải chạy vạy tiền gửi về quê vào những ngày ấy. Một thời, người dân quê tôi trải qua 2 kỳ giáp hạt nằm giữa hai vụ thu hoạch lúa trong năm. Rồi cũng chẳng biết tự lúc nào, chúng tôi không còn nghe đến ngày giáp hạt.
Người già không muốn nhớ và nhắc về ngày giáp hạt; người trẻ thì không hiểu được nó. Nó là cái đói, cái thiếu khi “Lúa trong bồ đã cạn, mà ngoài đồng, bông lúa mới cong hình trái me”. Những ngày ấy, nông dân quê tôi tỏa đi khắp các vùng lân cận để tìm việc làm, tìm thêm chén cơm cho gia đình. Người gắn bó với quê thì đi bắt ốc, cắm câu, quẩn quanh làm mướn. Người thì rời quê, vào làm cho các cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, trở thành công nhân khu công nghiệp…
PGS.TS Dương Văn Chín, trong bài viết nghiên cứu về sự phát triển các vụ lúa ở ĐBSCL cho biết: Từ những năm 60 của thế kỷ 20 trở về trước, khu vực Nam bộ chỉ trồng duy nhất 1 vụ lúa mùa địa phương năng suất thấp, phù hợp với đồng đất, con nước lớn, ròng và thổ nhưỡng. Vụ mùa thường bắt đầu từ tháng 5, tháng 6 (Âm lịch) và kéo dài đến sau Tết Nguyên đán mới thu hoạch. Thuở đó, ngày giáp hạt dài lắm. Đến trước năm 1975, những nhà khoa học ĐBSCL bắt đầu lai tạo và chọn lọc được các giống lúa ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng trên, dưới 90 ngày và lác đác có nơi đã trồng được mỗi năm 2 vụ lúa.
Cùng với một số giống có thời gian sinh trưởng khác do Viện lúa Quốc tế (IRRI) cung cấp, lúa mùa địa phương và các giống lúa mới đã làm nên cuộc "Cách mạng xanh" trên đồng ruộng quê tôi, tạo thành sự đa dạng hoá mùa vụ trong vùng. Sau năm 2000, quê tôi phổ biến làm lúa hai vụ đông xuân và hè thu, cá biệt có nơi ít ảnh hưởng lũ, bà con làm thêm vụ thu đông gọi là lúa vụ 3. Ngày giáp hạt ở quê tôi tự nhiên thu hẹp lại đôi chút, nhưng năng suất còn thấp nên ngày giáp hạt vẫn còn lởn vởn đó đây dưới những mái nhà.
Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu cho những thay đổi diệu kỳ trên cánh đồng quê tôi. Từ vài chục giống lúa ngắn ngày ban đầu, các nhà khoa học, rồi đến chính người nông dân đã tiếp lục lai tạo và công bố hàng trăm, thậm chí hàng ngàn giống lúa cao sản, siêu ngắn ngày và đạt chất lượng xuất khẩu. Chỉ riêng Viện nghiên cứu Lúa được thành lập vào năm 1977 tại huyện Ô Môn, thành phố Cần Thơ ngày nay, trong từng ấy năm đã nổi tiếng với thương hiệu lúa giống OM. 80% giống lúa đang gieo trồng tại ĐBSCL là lúa OM, mới nhất là các giống lúa OM 5472, OM 8923…
Tận dụng khí hậu ấm áp quanh năm và địa bàn sông rạch chằng chịt, quê tôi đã đắp đê bao, làm thủy lợi giữ nước mùa khô, thoát nước mùa lũ, đưa một phần cơ giới vào đồng ruộng. Theo đó, những “con ngựa sắt” - những chiếc máy sạ hàng, máy gặt đập liên hợp từng bước thay sức người. Người nông dân quê tôi giờ khác xưa nhiều lắm, họ học hỏi và còn sáng tạo ra nhiều phát minh ấn tượng về kỹ thuật canh tác, thu hoạch lúa…
Bây giờ thì quê tôi đã phổ biến làm lúa 3 vụ ăn chắc, có nơi bà con còn làm 3 vụ rưỡi mỗi năm. Năng suất lúa cũng đạt những bước tiến kỳ diệu, từ trung bình khoảng 3 - 4 tấn trên diện tích 1ha mỗi vụ, nay đã đạt phổ biến gần 7 tấn mỗi ha. Thời gian giữa 2 vụ thu hoạch ngắn lại, Lúa thu hoạch mỗi vụ cũng nhiều hơn, nên quê tôi tự bao giờ đã lấp đầy những ngày giáp hạt.
Không dừng ở đó. Hạt gạo quê tôi đã vượt biển, tham gia vào thị trường thế giới, đưa Việt Nam vào tốp đầu những nước xuất khẩu gạo. Cách đây không lâu, có ai nghĩ rằng Việt Nam mỗi năm xuất khẩu gần chục triệu tấn gạo. Ví như năm nay, theo ước đoán của các nhà xuất khẩu, hạt gạo Việt Nam sẽ xuất khoảng 7 triệu tấn. Trong đó, những cánh đồng miền Tây góp sức hơn 90%. Người trồng lúa miền Tây càng hớn hở khi hạt lúa được vinh danh là “hạt ngọc Việt Nam” tại hai lần Festival Lúa gạo Việt Nam.
Và một ngày nào đó, thế hệ sau tôi đặt câu hỏi “Thế nào là “ngày giáp hạt”? Chúng ta sẽ dõng dạc trả lời: “Ngày ấy vĩnh viễn xa rồi”./.
(Lệ Hoa/Báo TNVN)