Thứ Ba, 24/9/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 20/11/2011 21:9'(GMT+7)

Thất bại trong sứ mệnh sao Hỏa và những vấn đề của ngành công nghiệp vũ trụ Nga

Tàu thăm dò sao Hỏa Phobos-Grunt của Nga

Tàu thăm dò sao Hỏa Phobos-Grunt của Nga

 Thất bại trong sứ mệnh đưa tàu thăm dò Phobos-Grunt tới sao Hỏa đã chỉ ra những vấn đề của ngành công nghiệp vũ trụ của nước Nga. Quốc gia này, một thời từng đi tiên phong trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ, đang chật vật tìm cách khôi phục vị thế của mình sau một thời gian dài bị chảy máu chất xám và cắt giảm ngân sách.

Tàu không người lái Phobos-Grunt, được phóng lên quỹ đạo ngày 8-11, nhằm thực hiện cuộc thám hiểm liên hành tinh đầu tiên trong thời kỳ hậu Xô-viết, hiện đang bị kẹt lại trong quỹ đạo Trái Đất và có thể sẽ rơi ngược trở lại bầu khí quyển chỉ trong thời gian ngắn sắp tới.

Thất bại này khiến các quan chức Nga bối rối, tuy nhiên đây không phải điều đáng ngạc nhiên đối với nhiều chuyên gia kỳ cựu, những người coi kế hoạch đầy tham vọng tìm cách thu mẫu đất trên mặt trăng Phobos của sao Hỏa chỉ là một giấc mơ viển vông.

Bất chấp nguồn kinh phí đang tăng lên hằng năm và cam kết của Thủ tướng Nga Vladimir Putin về việc sẽ khôi phục lại niềm tự hào của nước Nga trong lĩnh vực này, ngành công nghiệp vũ trụ của Nga đang phải gánh chịu hậu quả từ sự ra đi của cả một thế hệ chuyên gia kỳ cựu, trong nhiều trường hợp còn thêm cả sự lỗi thời của những thiết bị mặt đất và các thiết kế cũ kỹ từ kỷ nguyên Xô-viết.

Nó còn bị ảnh hưởng bởi sự cẩu thả, cơ sở hạ tầng mục nát và khả năng kiểm soát chất lượng không hiệu quả, đang lan tràn ở khắp mọi nơi và được xem là nguyên nhân của những thảm họa xảy ra thường xuyên trong các ngành công nghiệp của nước Nga, từ những vụ nổ mỏ than và đập nước, cho tới những vụ tai nạn máy bay.

Liên bang Xô-viết đã bắt đầu kỷ nguyên vũ trụ từ hơn 50 năm trước đây với vụ phóng vệ tinh Sputnik, nhưng nước Nga đã hoàn toàn vắng mặt khỏi khoảng không gian vũ trụ bên ngoài quỹ đạo của Trái đất trong 20 năm qua, trong khi các tàu thăm dò của nước Mỹ đã du hành tới những vùng xa nhất của hệ Mặt trời. Thậm chí, cả những quốc gia mới tham gia vào lĩnh vực vũ trụ như Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã gửi các con tàu không người lái tới mặt trăng và những nơi xa hơn.

Nước Nga thời hậu Xô-viết chỉ có duy nhất một lần tìm cách thám hiểm tới các hành tinh khác vào năm 1996, và nỗ lực này cũng đã chấm dứt cùng với vụ nổ của tàu Sao Hỏa 96 trong bầu khí quyển. Sau vụ nổ đó, nước Nga đã ngừng các chương trình thám hiểm liên hành tinh trong suốt 15 năm sau đó. Và con tàu thăm dò Phobos-Grunt trị giá 165 triệu USD, được lên kế hoạch từ những năm 1990 của thế kỷ trước, chính là sứ mệnh đánh dấu sự quay lại của nước này.

Và những rắc rối đã phủ bóng đen lên sứ mệnh lẽ ra sẽ trở thành thành tựu lớn nhất trong thế kỷ của chương trình vũ trụ Nga. “Điều đó rất buồn nhưng đó là một kết quả của thời kỳ khó khăn mà chúng ta đã trải qua vào những năm 1990. Chúng ta hầu như bắt đầu từ con số không”, nhà khoa học lãnh đạo chương trình Phobos-Grunt, ông Alexander Zakharov nói.

Cơ quan hàng không vũ trụ Nga, Roskosmos, hầu như tồn tại được là nhờ vào các khoản tiền thu được từ việc bán các chuyến du lịch vũ trụ cũng như cho các nhà du hành vũ trụ nước ngoài thuê chỗ trên các khoang vũ trụ được thiết kế từ thời Xô-viết và phóng thuê các vệ tinh của nước ngoài trên các tên lửa, cũng được thiết kế từ thời Xô-viết. Ngoài ra, kể từ khi Hoa Kỳ chính thức cho ngừng hoạt động các con tàu con thoi của họ mùa hè vừa qua, các con tàu Soyuz của Nga đã trở thành phương tiện duy nhất giúp đưa các đội bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và đã giúp Nga đã thu được thêm khoảng 350 triệu USD mỗi năm từ NASA.

Nhưng nước Nga cũng chẳng có gì đáng tự hào trong việc này. Ông Vladimir Popovkin nói: “Trong khi các nước khác đang phát triển những thứ mới, chúng ta vẫn phải sử dụng những con tàu cũ”. Ông nói, Moscow đã quá ưu tiên cho những chuyên bay có người lái, và phải chuyển sự tập trung vào việc khám phá những vùng không gian xa hơn và quan sát Trái Đất, để mang lại nhiều lợi ích hơn về công nghệ và khoa học.

Mặc dù nước Nga thực hiện khoảng 40% số vụ phóng tàu vũ trụ, nhưng họ chỉ chiếm khoảng 3% thị phần trong giá trị 268 tỷ USD của thị phần ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu năm 2010.

Chuyên gia Rachel Villain của hãng Euroconsult, một nhà tư vấn đã theo dõi ngành công nghiệp vũ trụ trong suốt 25 năm qua cho rằng, điểm yếu lớn nhất của ngành công nghiệp vũ trụ Nga là công nghệ điện tử, có vai trò cực kỳ quan trọng đối với thời gian hoạt động của một vệ tinh. Các thiết bị vũ trụ do Nga chế tạo có độ bền thấp hơn nhiều so với các thiết bị của phương Tây do các linh kiện điện tử kém ổn định hơn. Nguyên nhân là chúng sử dụng các thành phần có chất lượng kém hơn và có khả năng chống bức xạ thấp.

Bà Rachel nói: “Đó chính là lý do tại sao nước Nga có nhiều kinh nghiệm phóng tên lửa như vậy. Trong những năm 1990, vệ tinh của họ chỉ hoạt động được khoảng sáu tháng, so với thời gian hoạt động lên tới 10 năm của các vệ tinh Hoa Kỳ. Bởi vậy, họ phải liên tục đưa những vệ tinh mới lên để thay thế”.

Hiện nay, nước Nga hầu như mua các thiết bị điện tử từ châu Âu. Hồi đầu năm qua, trong một cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn RIA, cựu lãnh đạo Roskosmos Anatoly Perminov cho biết, khoảng 80% thiết bị trên các con tàu vũ trụ của Nga là đồ nhập khẩu.

Những năm bị cắt giảm kinh phí đã khiến ngành công nghiệp vũ trụ Nga mất đi một thế hệ tài năng, trong khi mức lương trung bình khoảng 850 USD/tháng thì không đủ để thu hút nguồn nhân lực mới.

Các chuyên gia cho biết, trong số khoảng 250 nghìn nhân viên làm việc trong ngành công nghiệp, có tới 90% có độ tuổi lớn hơn 60 tuổi hoặc chưa tới 30 tuổi. Ông Igor Marinin, biên tập viên của tờ tạp chí vũ trụ Novosti Kosmonavtiki nói: “Những người ở độ tuổi trung bình, cả một thế hệ kỹ sư, đã ra đi. Đây là thế hệ lẽ ra đang nắm các vị trí quản lý hàng đầu hiện nay. Chúng ta thực sự thiếu thốn kinh nghiệm”.

Cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết, các cơ sở vật chất của ngành công nghiệp vũ trụ cũng bị phân tán khắp nơi, thí dụ như nhà máy chế tạo các tên lửa đẩy Zenit thuộc quyền sở hữu của Ukraine và sân bay vũ trụ Baikonur, cơ sở phóng vũ trụ chính thì nằm tại Kazakhastan. Những đường biên giới mới đã làm tăng cao chi phí, thậm chí còn khiến nhiều công ty nhỏ trong ngành công nghiệp bị phá sản.

Roskosmos còn mất đi một mạng lưới rộng lớn các điểm theo dõi mặt đất và các tàu quan sát từ xa, khiến cho giờ đây các kỹ sư tại trung tâm kiểm soát của Nga chỉ có thể tìm cách liên lạc với con tàu Phobos-Grunt mỗi khi con tàu này bay qua vùng quỹ đạo phía trên nước Nga. Nhà phân tích độc lập Vadim Lukashevich, nói: “Con tàu này bay quanh trái đất 16 vòng mỗi ngày, nhưng chúng ta chỉ có thể thử thiết lập một phiên liên lạc trong suốt thời gian đó”.

Ông Lukashevich cho biết, nếu nước Nga muốn thực hiện các sứ mệnh vũ trụ tầm xa toàn diện, trước hết họ phải triển khai ít nhất là hai đến ba vệ tinh theo dõi/ chuyển tiếp dữ liệu trên quỹ đạo địa tĩnh. Nguyên nhân sự thất bại của vụ phóng tàu thăm dò Sao Hỏa năm 1996 có thể chính là do các trạm rada mặt đất không thể theo dõi được nó. Ông cũng nói rằng cần phải phục hồi lại một đội tàu giám sát-kiểm soát vũ trụ để theo dõi những vụ phóng tàu này. Ông lưu ý: “Trung Quốc có từ ba tới bốn con tàu theo dõi như vậy, trong khi nước Nga không hề có chiếc nào cả”.

Và lễ kỷ niệm 50 năm chuyến bay của nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin, chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ, cũng đang bị đe dọa bị phá hỏng bởi hàng loạt những thất bại đáng xấu hổ.

Nhiều tháng sau khi Nga phóng vệ tinh Elektro-L hồi tháng 1-2011, vệ tinh dự báo thời tiết lớn đầu tiên của nước này trong 17 năm qua, lãnh đạo cơ quan khí tượng học của Nga nói rằng dữ liệu mà vệ tinh này thu được là vô tích sự.

Năm ngoái, người Nga cũng hứa hẹn rằng họ sẽ hoàn tất hệ thống định vị vệ tinh Glonass để cạnh tranh với hệ thống GPS của Mỹ. Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa thất bại cũng đã phá hỏng ba vệ tinh cuối cùng trị giá 160 triệu USD của hệ thống này.

Danh tiếng về các vụ phóng tàu thương mại của Nga cũng đã bị giáng một đòn mạnh với thất bại trong vụ phóng vệ tinh viễn thông trị giá 265 triệu USD do châu Âu chế tạo, dự kiến sẽ phục vụ cho nước Nga trong vòng nửa thập kỷ tới.

Thậm chí khả năng bảo đảm các hoạt động trên trạm vũ trụ quốc tế của nước Nga hiện cũng đang bị nghi ngờ sau vụ nổ của một con tàu chở hàng lên trạm vũ trụ này hồi tháng 8 vừa qua, đã khiến cho các con tàu dự kiến đưa phi hành đoàn mới lên thay thế bị trì hoãn tới tháng này.

Những thất bại liên tiếp đã khiến Thủ tướng Nga V.Putin ra lệnh xem xét lại toàn bộ việc kiểm tra an toàn đối với các tên lửa Nga và Roskosmos cũng đã thông báo về việc thành lập một cơ quan kiểm soát chất lượng độc lập.

Theo thông tin từ Euroconsult, trong năm năm qua, mỗi năm nước Nga đã tăng ngân sách dành cho lĩnh vực vụ trụ thêm khoảng 40%, đạt 5,5 tỷ USD năm 2010. Nhưng các chuyên gia kỳ cự đánh giá rằng nước Nga đang tụt hậu tới cả chục năm trong lĩnh vực này. Ông Grechko nói: “Điều đáng sợ nhất là trong 20 năm mọi thứ dường như đã tiêu tan, vậy nên giờ đây dù có làm gì đi nữa, dù có bỏ ra bao nhiều tiền để cứu vãn đi nữa, cũng chẳng thể làm gì được chỉ trong vòng 20 ngày. Bạn cần ít nhất là 10 năm để xây dựng lại mọi thứ”.

Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất