Thứ Sáu, 4/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 26/4/2011 22:11'(GMT+7)

An toàn thực phẩm đâu chỉ là một “Tháng an toàn VSTP”!

 

Nhịp sống gấp gáp của thời đại công nghiệp khiến những bữa ăn gia đình ít đi và hầu như chỉ được thực hiện vào buổi tối. Và như vậy, bữa ăn nhanh buổi trưa tại những quán cơm “bụi” với những cơm hộp, cơm đĩa văn phòng lại được đa phần người lao động, viên chức nhà nước, học sinh, sinh viên chọn lựa.

Có cầu ắt có cung. Những quán cơm văn phòng, cơm sinh viên mọc lên càng nhiều bên cạnh các khu công nghiệp, trường đại học, đáp ứng nhu cầu phù hợp túi tiền của các thực khách. Mỗi suất cơm như vậy dao động từ khoảng 15.000đ - 25.000đ. Thức ăn đa dạng phong phú: Thực khách có thể chọn lựa từ thịt gà, lợn quay, cá sốt, các món xào… rất bắt mắt và mùi vị hấp dẫn. Nhưng để kiểm tra “đầu vào”của thực phẩm ở các quán ăn như thế này thì không phải ngày nào cũng được giám sát thường xuyên. Với giá cả leo thang như hiện nay, nếu để có được 1 suất cơm như vậy với thực phẩm ngon thì quả là khó khăn.

Không chỉ thức ăn đường phố, mà các đồ ăn sẵn “đặt” cho các đám cưới, bữa tiệc ( như bánh dầy, chim quay, giò chả…) cũng rất sẵn. Khách có thể đặt trước số lượng, nếu không dùng hết mang trả lại, nhà hàng “vui vẻ” nhận, để tủ lạnh, khi có đám khác đặt chỉ cần chiên lại là xong. Chẳng thế mà có những vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra sau các bữa tiệc cưới, liên hoan đã được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin khiến chúng ta không khỏi lo ngại. Có thể do nguồn thực phẩm “đầu vào” không được an toàn tuyệt đối (từ rau xanh có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đảm bảo đúng quy trình ngưng thuốc đủ số ngày trước khi thu hái; đến thịt có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng; và các đồ chế biến sẵn có lượng thuốc bảo quản quá mức cho phép). Cũng có thể do khi chế biến không đun chín kỹ; cũng có thể khi ăn, các thực khách lại thích ăn tái “cho nó ngọt”… Dù do nguyên nhân gì thì các vụ ngộ độc thực phẩm cũng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và tâm lý của người thưởng thức.

Để tránh hiện tượng ngộ độc thực phẩm xảy ra, ngoài việc các cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên, cần có một quy định cụ thể cho các bếp ăn tập thể, các quán ăn đường phố. Có một cách làm của huyện Hoài Đức rất hiệu quả từ nhiều năm nay: Tất cả các bếp ăn tập thể đều hợp đồng nguồn rau xanh với công ty rau sạch. Công ty này đã trồng rau an toàn trên cánh đồng các xã Minh Kkai, Song Phương, Tiền Yên (Hoài Đức). Tất cả các quy trình từ gieo trồng đến chăm sóc thu hái đều được giám sát chặt chẽ. Huyện có một tổ kiểm tra liên ngành (Gồm cán bộ phòng giáo dục, trung tâm y tế dự phòng, thú y, quản lý thị trường…) thường xuyên giám sát việc vệ sinh an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể và các nhà hàng quán ăn. Ngoài việc kiểm tra thường xuyên các dụng cụ chế biến như xoong nồi, dao thớt, bát đĩa, đội kiểm tra liên ngành có một cán bộ của trung tâm y tế dự phòng phụ trách việc xem xét chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn (tại các trường học - theo thực đơn) có hợp lý hay không, cán bộ thú y kiểm tra thực phẩm trước khi chế biến, cán bộ quản lý thị trường kiểm tra xuất xứ các loại phụ gia như mắm, hạt nêm, sữa, hoa quả… Tất cả các thực phẩm trước khi chế biến đều được kiểm tra và cân định lượng. Thực đơn hàng ngày của các cháu đều được công khai trên bảng. Trong tủ lạnh có lưu mẫu thức ăn đến hết ngày, nước uống đều phải lấy từ nguồn nước sạch đóng bình, có xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, các cô nuôi trong bếp ăn còn được đi khám sức khoẻ định kỳ, bảo đảm không có bệnh truyền nhiễm. Nhờ vậy, mô hình nuôi bán trú trong trường học đã có từ nhiều năm nay, nhưng chưa có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Cách làm của huyện Hoài Đức chỉ là một ví dụ cụ thể. Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhiều người trong các bếp ăn tập thể, các quán hàng và đặc biệt là thức ăn đường phố, tất cả chúng ta cần vào cuộc. Hãy nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có xuất xứ rõ ràng hoặc quá bắt mắt. Khi đi mua sắm nên chú ý đến hạn sử dụng của sản phẩm. Không “tiếc của” mà ăn những thức ăn đã kém phẩm chất. Chú trọng ăn chín uống sôi hàng ngày. Các gia đình nên cố gắng tạo điều kiện về thời gian để tổ chức các bữa ăn gia đình, vừa ấm cúng vừa tiết kiệm lại rất yên tâm về chế biến. Ta cũng nên chú ý việc ăn các loại thực phẩm “kỵ” nhau sẽ gây ngộ độc để phòng tránh. Về phía các cơ quan chức năng cũng cần giám sát kiểm tra thường xuyên, có chế tài xử phạt thật cụ thể những nơi kinh doanh ăn uống mà không đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ một tháng, an toàn thực phẩm là niềm hạnh phúc của tất cả mọi người, chúng ta hãy chung tay, từng ngày từng giờ để tạo nên những bữa ăn ngon cho người thân. Không ngộ độc thực phẩm, an toàn trong các bữa ăn là điều mong muốn của tất cả chúng ta./.

Diễm Nguyệt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất