Tuyên bố của văn phòng Thủ tướng Anh nêu rõ cuộc trưng cầu ý dân này
được dựa trên nguyên tắc của cuộc tổng tuyển cử, nghĩa là công dân của
hầu hết các nước EU hiện cư trú tại Anh sẽ không thể tham gia bỏ phiếu.
Cũng theo nguyên tắc này, đối tượng đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu bao
gồm những người Anh từ 18 tuổi trở lên và các công dân của Liên hiệp
Vương quốc Anh đến từ Ireland hoặc Khối Thịnh vượng chung (53 quốc gia
thành viên), hoặc đang sinh sống tại hai quốc gia thuộc EU là Malta và
Cộng hòa Cyprus.
Bên cạnh đó, các công dân thuộc Khối Thịnh vượng chung tại Gibraltar và
các công dân mang quốc tịch Anh sinh sống ở nước ngoài không quá 15 năm
cũng có quyền tham gia bỏ phiếu.
Trước đây, các công dân EU sinh sống tại xứ Scotland cũng được quyền bỏ
phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 và có thể tham gia cuộc bầu cử
chính quyền địa phương tại Anh.
Một nguồn tin trong văn phòng Thủ tướng Cameron cho rằng việc trưng cầu ý
dân là quyết định lớn bởi nó sẽ góp phần định đoạt tương lai của Liên
hiệp Vương quốc Anh. Đó chính là lý do vì sao chính phủ nước này nhận
thấy tầm quan trọng của việc chỉ các công dân Anh, Ireland và Khối thịnh
vượng chung mới là những người có đủ điều kiện để đưa ra quyết định
này.
Quyết định nói trên cũng nhận được sự ủng hộ của nghị sỹ đảng Bảo thủ Liam Fox, một nhân vật theo chủ nghĩa bài châu Âu.
Ông Fox cho rằng đây là một phản ứng phù hợp của Chính phủ Anh, đồng
thời bày tỏ quan điểm việc cho phép các công dân EU tham gia cuộc trưng
cầu ý dân nói trên sẽ làm giảm đi tiếng nói của người Anh, bởi hiện có
tới gần 2,8 triệu người nước ngoài đang sinh sống tại quốc gia này.
Sau khi bất ngờ giành chiến thắng đa số trong cuộc tổng tuyển cử Anh
ngày 7/5 vừa qua, Chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron đang
thúc đẩy tái đàm phán mối quan hệ của Anh với EU và cam kết sẽ tổ chức
trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của nước này như đã hứa.
Tiến trình thương lượng sẽ do Thủ tướng Cameron, Bộ trưởng Tài chính
George Osborne và Ngoại trưởng Philip Hammond đảm trách. Dự kiến, Thủ
tướng Anh sẽ nêu ra những yêu cầu đầu tiên của London để cải tổ EU tại
Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 6 tới.
Cho đến nay, tuyên bố của Thủ tướng Cameron sẽ thực hiện cuộc trưng cầu ý
dân để quyết định việc Anh ở lại hay rời khỏi "ngôi nhà chung châu Âu"
đã vấp phải nhiều phản ứng khác nhau trong khối.
Trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker ngỏ ý "sẵn sàng
tìm kiếm một giải pháp công bằng cho Anh tại EU," thì Đức khẳng định sẽ
không vội vàng thay đổi các hiệp ước EU.
Về phần mình, các bộ trưởng ở Đông Âu lại phản đối việc hạn chế quyền
của người lao động nhập cư và phân biệt đối xử với các công dân của họ.
Theo kế hoạch, dự luật tổ chức trưng cầu ý dân sẽ được trình lên Quốc hội Anh vào ngày 28/5 tới./.
Theo TTXVN