Lại thêm một cuộc “cách mạng sắc màu”
Làn sóng biểu tình do các lực lượng đối lập tổ chức ở Ma-kê-đô-nhi-a núp dưới các khẩu hiệu cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Ni-cô-la Gru-ep-xki “tham nhũng”, “gian lận bầu cử” và “vi phạm nhân quyền” khi “chỉ đạo nghe lén đối với khoảng 20.000 người”, nghĩa là vẫn lặp lại những khẩu hiệu tương tự mà phe đối lập đã từng sử dụng trong các cuộc “cách mạng sắc màu” ở Gru-di-a (năm 2003), U-crai-na (năm 2004 và năm 2013) và các nước vừa trải qua “mùa xuân A-rập” như Tuy-ni-di (năm 2010), Ai Cập (năm 2011), Li-bi (năm 2012), Xy-ri (năm 2012), Vê-nê-du-ê-la (năm 2012) v.v.
Trước đó, vào cuối tháng 4-2015, một nhóm khoảng 40 tay súng người An-ba-ni-a tổ chức đánh chiếm một trụ sở cảnh sát ở ngôi làng Gô-xi-ne (Gosince) phía Bắc Ma-kê-đô-nhi-a, kêu gọi thành lập một Nhà nước An-ba-nia, tương tự như sự kiện người An-ba-ni-a đòi tách Cô-xô-vô ra khỏi Năm Tư năm 1999 đã từng dẫn tới cuộc chiến tranh xâm lược do NATO tiến hành ở quốc gia này với danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền”. Chưa đến 3 tuần sau sự kiện này, ngày 9-5-2015, Ma-kê-đô-nhi-a phải chứng kiến nhiều cuộc đụng độ đẫm máu giữa cảnh sát và một nhóm vũ trang người An-ba-ni-a, một thành phố gần biên giới Xec-bi và Cô-xô-vô.
Trước tình hình rất đáng lo ngại này, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cáo buộc phương Tây tìm cách kích động một cuộc “cách mạng sắc màu” mới ở Ma-kê-đô-nhi-a, tương tự như kịch bản Mai-đan ở U-crai-na đã từn dẫn tới cuộc đảo chính lật độ chính thể của Tổng thống Y-a-nu-cô-vich được coi là “thân Nga” vào tháng 2-2014..
Nhìn lên bản đồ thế giới có thể dễ dàng nhận thấy Ma-kê-đô-nhi-a tiếp giáp với Cô-xô-vô-một đồng minh chiến lược và là tiền đồn của Mỹ ở Ban Căng và là nơi có căn cứ quân sự lớn nhất thế giới của Mỹ. Từ đây, các tổ chức khủng bố và cực đoan người An-ba-ni dễ dàng thâm nhập Ma-kê-đô-nhi-a và hỗ trợ cho các lực lượng đối lập thực hiện kịch bản Mai-đan ở quốc gia này. Vì thế, trong hàng ngũ “những người biểu tình” ở Ma-kê-đô-nhi-a có không ít các phần từ cực đoan đến từ Cô-xô-vô. Chính những phần từ này cũng đã từng có mặt trong các cuộc bạo loạn đãm máu chống chính phủ ở các nước vừa trải qua “Mùa Xuân A-rập”.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, đây là bằng chứng thuyết phục về âm mưu của các nhà tổ chức ở phương Tây muốn mượn tay người khác để thực hiện những kịch bản thảm khốc ở Ma-kê-đô-nhi-a. Từ năm 2014 tới nay, các tổ chức “phi chính phủ” của Mỹ đã mở rộng hoạt động nhằm “thúc đẩy dân chủ” dười hình thức chiến dịch truyền thông lớn nhằm lật đổ Chính phủ Ma-kê-đô-nhi-a do Thủ tướng Ni-cô-la Gru-ep-xki đứng đầu, thông qua hoạt động tài trợ và kích động hoạt động của đảng đối lập ở quốc gia này chống lại chính quyền.
Theo nhận định của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xec-gây La-vrôp, những sự kiện đang diễn ra ở Ma-kê-đô-nhi-a có liên quan đến việc chính phủ nước này từ chối tham gia chiến dịch bao vây cấm vận Nga do Mỹ và một số nước phương Tây tiến hành. Trong đó đáng chú ý nhất là Chính phủ Ma-kê-đô-nhi-a của Thủ tướng Ni-cô-la Gru-ep-xki quyết định tham gia dự án tuyến đường ống chuyển tải khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” của Nga sẽ thay thế dự án “Dòng chảy Phương Nam” đi qua Bun-ga-ri. Đây là lý do nặng ký nhất khiến các tổ chức “phi chính phủ” của Mỹ lặp lại kịch bản Mai-đan để loại bỏ chính phủ của Thủ tướng Ni-cô-la Gru-ep-xki.
Được biết, ngày 7-4-2015, các nước Ma-kê-đô-nhi-a, Hy Lạp, Xec-bi, Hung-ga-ri và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí tham gia dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Trong số này, ngoài Ma-kê-đô-nhi-a, thì Hung-ga-ri cũng đã bị rơi váo vòng xoáy Mai-đan trong năm 2014 nhưng do tinh thần cảnh giác cao độ và cách ứng xử cứng rắn, nên kế hoạch của các lực lượng đối lập thực hiện cuộc “cách mạng sắc màu” ở quốc gia này đã bị phá sản. Còn hiện nay kịch bản Mai-đan đang lặp lại ở Ma-kê-đô-nhi-a, có thể đẩy quốc gia này lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị với hậu quả không khác gì tình hình U-crai-na.
Nhìn lại “bảo bối” của mọi cuộc “cách mạng sắc màu”
Qua nghiên cứu nguyên nhân, diễn biến và kết cục các cuộc “cách mạng sắc màu” trong những năm gần đây ở nhiều quốc gia, trong đó có Ma-kê-đô-nhi-a, nhiều chuyên gia nghiên cứu chính trị quốc tế nhận định rằng kịch bản các biến động chính trị-xã hội đó đều có nhiều điểm chung và được xây dựng trên cơ sở của một học thuyết chính trị ra đời ở Mỹ và được sử dụng làm công cụ để một số thế lực lật đổ chính thể ở những quốc gia đi ngược lại lợi ích của họ. Đó là Học thuyết phản kháng phi bạo lực (Theory of Nonviolent Resistance) mà tác giải là Gen Sap (Gene Sharp)-một nhà hoạt động xã hội Mỹ sáng lập.
Gen Sap còn được biết đến là người sáng lập một tổ chức phi chính phủ nổi tiếng ở Mỹ có tên là Viện An-be Anh-xtanh. Viện này nhận được tài trợ từ Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ, Quỹ Pho và Viện nghiên cứu quốc tế của Đảng Cộng hòa, và có mối quan hệ gắn bó với Trung tâm phân tích chính trị RAND-những tổ chức “phi chính phủ” đã từng đứng đằng sau nhiều cuộc “cách mạng sắc màu” trên thế giới như ở Gru-di-a, U-crai-na, Ai Cập v.v.
Các chuyên gia chính trị và quân sự Mỹ rất quan tâm đến Học thuyết “phản kháng phi bạo lực” của Gen Sap kể từ khi quân đội Liên Xô tiến vào Tiệp Khắc năm 1968. Từ năm 1970, Nhà Trắng theo đuổi tham vọng khống chế tiềm lực quân sự của Liên Xô và bắt đầu nghiên cứu soạn thảo phương pháp phản kháng phi bạo lực. Năm 1983, theo sáng kiến của Gen Sap, ở Bô-xtơn (Mỹ) thành lập Trung tâm quốc tế nghiên cứu về phản kháng phi bạo lực, còn được gọi là Viện An-be Anh-xtanh. Lần đầu tiên, Viện này sử dụng kết quả nghiên cứu của Gen Sap trong các hoạt động nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô ở Trung Âu và Đông Âu. Để thực hiện chiến lược xây dựng trật tự thế giới mới do Tổng thống Mỹ G.H.Bu-sơ đề xuất trong những năm 1989-1993, Chiến lược hành động phi bạo lực chiến lược, gọi tắt là SNA (Strategic Nonviolent Action), được áp dụng trong thực tế tại những khu vực quan trọng nhất theo quan điểm địa-chính trị của Mỹ là Đông Âu, Trung Đông, Châu Á-Thái Bình Dương, Châu Phi và Mỹ La-tinh.
Bản chất và cơ chế của Học thuyết phản kháng phi bạo lực được trình bày trong hai cuốn sách của Gen Sap với tựa đề "Từ chuyên chế đến dân chủ" và "Cuộc đấu tranh giải phóng". Những cuốn sách này trên thực tế là “bảo bối” hướng dẫn hành động cho những ai tham gia hoạt động lật độ chính quyền của một quốc gia.
Theo Gen Sap, có thể lợi dụng sức mạnh của “quần chúng nhân dân” để làm sụp đổ bộ máy quyền lực của nhà nước, làm tan rã các cơ quan quyền lực, kích động các cuộc xung đột trong nội bộ một quốc gia, dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế và nhiều quá trình mang tính chất tàn phá khác có tác dụng làm suy yếu và dẫn tới sự tan rã chế độ chính trị. Trên thực tế, cái gọi là “quần chúng nhân dân” ở đây trước hết là các lực lượng được đào tạo bài bản về công nghệ lật đổ, kể các các phần tử khủng bố, được trà trộn vào đám dông dân chúng bị mê hoặc bởi các khẩu hiệu “đòi dân sinh”, “dân chủ”, “cải cách”, “chống tham nhũng”.
Gen Sap cho rằng, các hoạt động phản kháng phi bạo lực phải được núp dưới khẩu hiệu "xúc tiến dân chủ” và “đấu tranh vì quyền tự do hóa", “chống tham nhũng” v.v nhưng nhất thiết phải lật đổ bộ máy quyền lực hiện hành. Theo Gen Sap, chỉ có lật đổ bộ máy quyền lực thông qua việc làm sụp đổ nền kinh tế, làm tan rã các cơ chế quyền lực, gây bạo loạn và trong trường hợp cần thiết phải can thiệp quân sự từ bên ngoài như ở Nam Tư năm 1999, Li-bi năm 2011, Xy-ri từ năm 2011 tới nay. Đó là tất cả những gì mà Gen Sap gọi là "phản kháng phi bạo lực".
Gen Sap từng nhấn mạnh rằng, phản kháng phi bạo lực hoàn toàn không phải là sự phản kháng của người dân trong khuôn khổ pháp luật, cũng không hoàn toàn phủ nhận bạo lực, càng không phải là việc thiết lập đối thoại và đàm phán mà là phải xoá bỏ luật pháp và nếu cần phải sử dụng cả bạo lực. Trong số 198 phương pháp của cái gọi là "phản kháng phi bạo lực" do Gen Sap đề xuất bao gồm cả bạo lực và các hoạt động tội phạm đã từng bị lên án trên khắp thế giới như làm giả tài liệu, in tiền giả, cướp bóc, giết hại, áp sát, tự thiêu, đột nhập các công trình được bảo vệ, bạo loạn, chiếm đóng và tất nhiên sẽ xảy ra thương vong, thậm chí là thương vong lớn.
Theo học thuyết của Gen Sap, phản kháng phi bạo lực sẽ làm tan rã một quốc gia theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: hình thành các “hoạt động mềm” như mít tinh, biểu tình chống chính phủ với khẩu hiệu như “chống tham nhũng”, “chống gain lận cuộc bầu cử”, “chống cường quyền”, “vì sự công bằng xã hội” v.v. Mục đích trong giai đoạn này là thử khả năng phản kháng có thể huy động trong xã hội, kiểm tra phản ứng của bộ máy cầm quyền, tổ chức các nhóm phản kháng cục bộ từ đó phát triển thành phong trào chống chính phủ trên khắp cả nước. Giai đoạn 2: làm mất uy tín bộ máy quyền lực nhà nước và các cơ quan quyền lực khác, thậm chí lôi kéo và vận động các quan chức và nhân viên chính phủ tham gia các hoạt động phá hoại. Giai đoạn 3: trực tiếp lật đổ chế độ cầm quyền.
Kịch bản phản kháng phi bạo lực tuân theo một quy tắc chung là tìm ra những điểm yếu nhất ở bộ máy cầm quyền hiện hành, thậm chí gán thêm những hạn chế hay khiếm khuyết và làm cho nó trầm trọng thêm. Từ đó, gán tất cả những gì tiêu cực trong xã hội và đất nước cho bộ máy cầm quyền. Đây là một hình thức lật đổ chính phủ kiểu mới hoặc là một hình thức chiến tranh hiện đại nhằm cùng một mục tiêu như chiến tranh trong những thời đại trước là làm tan rã bộ máy quyền lực của đối phương.
Trong cuộc “chiến tranh” đặc biệt này, “người lính” lại chính là công dân của một nước bị mua chuộc và bị lôi kéo vào hoạt động lật đổ chính quyền. Được vũ trang bằng những mục tiêu ảo tưởng, hành động của họ tương tự như những tế bào ung thư sẽ hủy hoại hệ thống chính trị của nhà nước sở tại và rút cuộc phá hoại đất nước.
Vũ khí chủ yếu của loại hình chiến tranh mới này là thông tin. Hiện nay việc sản xuất các băng ghi hình và truyền bá thông tin có thể dễ dàng thực hiện đối với tất cả mọi người thông qua truyền hình và mạng Internet. Vì thế, cuộc chiến này không có chiến tuyến, khó phân biệt đâu là địch, đâu là ta, còn đối phương có mặt ở khắp nơi nên không dễ đối phó.
Hành động phản kháng phi bạo lực đặt nhà cầm quyền nước sở lại lâm vào tình trạng rất khó xử. Nếu sử dụng các lực lượng bảo vệ pháp luật trấn áp người “biểu tình” thì ngay lập tức những hành động đó được ghi hình và tung ra khắp thế giới và các lực lượng đối lập mượn cớ ấy vu cáo “chính phủ đàn áp người dân” và “vi phạm nhân quyền”, từ đó kêu gọi “cộng đồng quốc tế” vào cuộc, thậm chí cả Liên Hợp Quốc.
Nhìn lại các “cách mạng sắc màu” trong những năm gần đây, có thể thấy các biến động chính trị-xã hội đó diễn ra đúng như những gì mô tả trong Học thuyết phản kháng phi bạo lực của Gen Sap. Vì thế, các quốc gia cần hết sức cảnh giác và không thể coi nhẹ các hành động “biểu tình hòa bình” bởi không loại trừ khả năng đằng sau đó có thể là mưu toan của một số thế lực núp dưới chiêu bài này để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” hay nói theo cách của người dân là “mượn gió bẻ măng”./.
Đại tá PGS-TS Đồng Xuân Thọ