Chủ Nhật, 8/12/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 23/8/2022 15:16'(GMT+7)

Ảo tưởng “ngôi vương”, nhiễu nhương danh xưng sắc đẹp

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

NHIỄU LOẠN CÁC CUỘC THI SẮC ĐẸP

Xưa nay, khi nói đến phụ nữ, người ta thường gắn liền với hai từ “phái đẹp”. “Phái đẹp” ở đây không chỉ là tình cảm ưu ái của cộng đồng dành tặng “nửa bầu trời của nhân loại”, mà hơn thế, muốn trao gửi một niềm tin về một giá trị thẩm mỹ cho phụ nữ, đó là cái đẹp. Khi nói theo phạm trù mỹ học, cái đẹp đem lại cho con người cảm giác hài lòng, thỏa mãn về mặt cảm xúc và quan niệm, thì “phái đẹp” cũng mang đến cho cộng đồng, xã hội một tình cảm thân thương, trân quý về vẻ đẹp thanh tao, trang nhã.

Sắc đẹp của người phụ nữ là của tạo hóa ban cho. Đã sinh ra ở trên đời, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, người phụ nữ nào cũng ước muốn mình sở hữu một sắc đẹp về diện mạo, hình thể. Đó là nguyện vọng nhân văn, chính đáng. Nhưng xã hội, công chúng chỉ đánh giá cao những người phụ nữ có vẻ đẹp toàn diện cả về dung nhan, trí tuệ, tâm hồn và nhân cách.

Cách đây vài năm, không ít cuộc thi sắc đẹp được tổ chức “chui” từng trở thành “điểm nóng” của dư luận khi người ta đã gắn những “cái mác” thật oai, thật oách cho nó, song có cuộc thi được ví như “hoa hậu ao làng”! Những ngày gần đây, dư luận xã hội lại ồn ào vì từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước có hơn chục cuộc thi hoa hậu và con số này tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Ngoại trừ một vài cuộc thi sắc đẹp có uy tín như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, thời gian gần đây xuất hiện nhan nhản cái tên cuộc thi nhan sắc “kêu như chuông” như: Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam…

Đấy là chưa kể những cái tên cuộc thi người đẹp tổ chức ở “nội địa” nhưng gắn mác tầm cỡ thế giới như: Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên hợp quốc Việt Nam…

Lại có cả những cuộc thi do ta tổ chức nhưng lại lấy tên “tây toàn tập” như: Miss Fitness Vietnam, Miss Peace Vietnam, Miss Grand Vietnam.

“Ra ngõ gặp hoa hậu”, “2 mét vuông lại gặp một hoa hậu”, “hoa hậu đếm nhiều không đếm xuể”, “chỉ sau một đêm thành hoa hậu”, “Loạn thi hoa hậu: chất lượng đi xuống, lùm xùm lên ngôi”, “ảo tưởng ngôi vương, nhiễu nhương nhan sắc”… là những cụm từ cư dân mạng và truyền thông nói về sự bát nháo, nhiễu loạn của không ít cuộc thi nhan sắc và danh xưng sắc đẹp hiện nay.

ĐỦ THỨ LÙM XÙM, THỊ PHI

Mục đích chính của các cuộc thi nhan sắc đều được quảng bá rầm rộ là tôn vinh vẻ đẹp hình thể, tâm hồn, đức hạnh, tài năng của phụ nữ, nhưng không ít cuộc thi lại dính lùm xùm, thị phi. Điển hình như cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam toàn cầu tổ chức tháng 4/2022 tại thành phố Đà Nẵng với “mưa” danh hiệu, ngoài hoa hậu còn có tới… 6 á hậu.

Hay như cuộc thi với cái tên mỹ miều “Hoa hậu doanh nhân sắc đẹp Việt” có một số ít thí sinh mạnh tay chi cả tỷ đồng để nhận danh hiệu này nọ dù họ không trải qua bất cứ phần thi nào. Thực chất đây là hành vi mua bán danh hiệu không hơn không kém.

Cũng chỉ vì “sức nóng” của các cuộc chay đua nhan sắc nên mới xảy ra chuyện tranh chấp bản quyền ồn ào giữa hai doanh nghiệp khi họ cùng đưa ra cái tên Việt “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam”, nhưng lại khác nhau về tên tiếng Anh (Miss Peace Vietnam và Miss Grand Vietnam).

Mới đây nhất, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã “tuýt còi” một doanh nghiệp khi có ý định tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam 2022 khi chưa được phép. 

Hay hình ảnh gần 40 thí sinh vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 mặc trang phục như bikini đứng nhún nhảy trên xe buýt 2 tầng “diễu hành” trên một con phố chính của thành phố Quy Nhơn (Bình Định) cũng khiến nhiều người đi đường coi là “phản cảm” vì không khác mấy một trò tiêu khiển lố. Điều này không phù hợp với mục đích cuộc thi được quảng bá là “Sắc đẹp vì mục đích cao cả”.

Không chỉ bội thực về số lượng, một số cuộc thi nhan sắc thu hút khoảng đôi ba chục đơn đăng ký cũng khiến nhiều người ngao ngán về chất lượng thí sinh dự thi. Một tiến sĩ mỹ học từng là giám khảo nhiều cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia đã thẳng thắn nhận định, việc tổ chức quá nhiều cuộc thi hoa hậu là nhảm nhí, nhố nhăng, dễ làm méo mó các giá trị chân, thiện, mỹ.

THÀ ÍT MÀ TỐT

Sở dĩ có sự “bùng nổ” các cuộc thi nhan sắc trong thời gian gần đây bởi ngoài lý do Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ cho phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu không giới hạn số lượng trong một năm; còn có căn nguyên sâu xa là do tâm lý xã hội vẫn chạy theo hư danh, háo danh, nhiều người mải mê tìm kiếm danh hiệu sắc đẹp với mong muốn “đổi đời”. Bên cạnh đó, một số công ty đứng ra tổ chức thi hoa hậu coi việc kinh doanh nhan sắc như một nghề, một cách kiếm tiền, thế nên mới có hành vi mua bán giải để thu lợi nhuận. 

Cái đẹp nói chung, vẻ đẹp của người phụ nữ nói riêng lúc nào, ở đâu cũng rất cần được tôn vinh, trân trọng. Nhưng một khi sắc đẹp của người phụ nữ bị đưa ra kinh doanh hay bị phô trương thái quá, kệch cỡm, thì ý nghĩa của nó sẽ suy giảm rất nhiều.

Danh hiệu tự thân đã là một giá trị văn hóa. Danh hiệu càng cao quý thì ý nghĩa văn hóa càng sâu sắc, thiêng liêng. Do vậy, bất cứ danh hiệu nào, trong đó có danh hiệu hoa hậu, hoa khôi, rất cần phải được ứng xử với tư cách là một giá trị văn hóa của cộng đồng, một chuẩn mực của xã hội. Khi cộng đồng thừa nhận, xã hội tôn vinh thì danh hiệu đó sẽ có sức lan tỏa sâu rộng trong công chúng. Ngược lại, lạm dụng quá mức danh hiệu sẽ dẫn đến loạn chuẩn danh hiệu. Khi đó, danh hiệu không những trở nên ít ý nghĩa, kém giá trị, thậm chí phản cảm trong con mắt công chúng, mà còn còn làm đảo lộn giá trị thẩm mỹ, văn hóa xã hội!

Thà ít mà tốt. Thà mỗi năm chỉ tổ chức vài ba cuộc thi nhan sắc đúng tầm, chuẩn mực, bảo đảm chất lượng còn hơn là tổ chức tràn lan các cuộc tranh đua, thi thố sắc đẹp mà thường quan tâm về bề nổi, hình thức, phô trương, nhưng lại không thật sự chú trọng về giá trị nội dung, vẻ đẹp văn hóa đích thực của người phụ nữ Việt Nam./.

Phúc Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất