GÓP PHẦN NUÔI DƯỠNG NIỀM TIN, LAN TỎA NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC
Mong muốn được tiếp cận, nắm bắt những thông tin kịp thời, chính xác, lành mạnh là nhu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Báo chí, với vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu trong đời sống xã hội, luôn góp phần thực hiện sứ mệnh cao cả ấy.
Báo chí ở nước ta là báo chí cách mạng, báo chí phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chứ không dành riêng cho giai cấp, tầng lớp, nhóm người nào trong xã hội. Vì thế, tính chất của báo chí cách mạng đòi hỏi các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo ở nước ta phải giải quyết nhuần nhuyễn, hài hòa mối quan hệ giữa tính chính xác và tính kịp thời; giữa chính trị và văn hóa; giữa yêu cầu bảo đảm định hướng dư luận xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin phong phú, đa dạng của các tầng lớp nhân dân.
Trong chiến tranh, người lính đã trở thành biểu tượng của lòng quả cảm, đức hy sinh, tinh thần dấn thân vì nghĩa lớn, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thời bình xảy ra đại dịch, không chỉ người lính, mà cả thầy thuốc, công an, nhà báo, tình nguyện viên cũng trở thành đội quân trong lực lượng tuyến đầu. Điều này đã được khẳng định trong lời phát động Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 14/8/2021. Nhiều nhà báo - bằng lương tâm, trách nhiệm xã hội cao cả và sự nhạy bén của mình - đã kịp thời cổ vũ, lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, tiếp thêm sức mạnh, truyền cảm hứng và niềm tin tất thắng của dân tộc ta vào “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19.
Người Việt có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trong cuộc chiến đẩy lùi thiên tai dịch họa, báo chí Việt Nam và những người làm báo thêm một lần được tôi luyện về ý chí xông pha vào nơi khó khăn, gian khổ; về tác phong làm việc tận tụy, nỗ lực hết mình để có những thông tin nóng hổi, hình ảnh sinh động, câu chuyện lay động lòng người... giúp công chúng có cái nhìn chân thực về bức tranh hiện thời của đời sống xã hội. Thông tin lúc này đã trở thành một trong nguồn lực quan trọng góp phần giúp đất nước, dân tộc ta vượt khó, hồi sinh.
Có thể không quá lời khi cho rằng, giữa những “ngổn ngang, bát nháo” thông tin về thời cuộc lan truyền, nổi trôi trên trên mạng xã hội, và trừ một vài hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, thì hầu hết các cơ quan báo chí và những người làm báo Việt Nam thời gian qua đã thấm nhuần sâu sắc và nỗ lực làm tròn sứ mệnh cao cả của báo chí; đã chung sức đồng lòng làm cho những giá trị khách quan, công bằng, nhân văn của báo chí thêm tỏa sáng trong đời sống tinh thần xã hội.
Không chủ quan trước sự lên ngôi nhất thời và khả năng tiềm tàng của truyền thông xã hội, nhưng giới báo Việt Nam vẫn đủ tự tin, ưu thế, sức mạnh để lôi cuốn, thu hút công chúng bởi những giá trị đích thực của nền báo chí cách mạng đã có bề dày truyền thống lịch sử gần 100 năm; bởi đội ngũ những người cầm bút yêu nghề, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân và quý trọng công bằng, lẽ phải; bởi ánh sáng soi đường của một thể chế chính trị ưu việt, nhân văn và bởi những tác động tích cực của cuộc cách mạng công nghệ truyền thông mới.
|
Biết tìm kiếm những thông tin giá trị, truyền tải những hình ảnh ý nghĩa, phản ánh các vấn đề xã hội bằng một cái nhìn khách quan, thái độ nhạy bén, trái tim nhiệt huyết, tinh thần công tâm và trí tuệ sáng suốt, báo chí đã và đang thiết thực làm nhiệm vụ gieo trồng, nuôi dưỡng những mầm thiện cho xã hội và bồi đắp, lan tỏa những năng lượng tích cực cho công chúng. Đó chính là “chiếc dây neo” níu giữ tình cảm, niềm tin lâu dài của công chúng đối với báo chí và cũng là khẳng định sức mạnh của báo chí cách mạng Việt Nam.
COI TRỌNG VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI BÁO CHÍ
Thời gian qua, trong khi phần lớn tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương có nhận thức đúng đắn về vai trò, sức mạnh của báo chí và tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên các cơ quan báo chí tìm hiểu, thu thập thông tin và tác nghiệp hiệu quả; thì vẫn còn một số cơ quan chức năng và người có thẩm quyền chưa thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, tính chất đặc thù trong hoạt động báo chí, từ đó có thái độ ứng xử chưa thấu đáo với báo chí.
Dẫu biết rằng, trong đội ngũ nhà báo có một số ít người làm nghề mà “mắt không sáng, lòng không trong” nên ngòi bút bị “bẻ cong” khiến dư luận phiền lòng. Nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ trong hàng vạn người làm báo chân chính đang ngày đêm nỗ lực, lặng lẽ cống hiến hết mình trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng.
Nghề làm báo mới thoạt nhìn bên ngoài tưởng chỉ thấy màu hồng, song thực tế đây là công việc không ít chông gai mà hầu như người làm báo chân chính nào trong nghề cũng thấm thía sâu sắc. Đó là áp lực về thời gian để bảo đảm tính kịp thời, nhanh nhạy vốn là đặc trưng hàng đầu của thông tin trong thời đại “thế giới phẳng”. Đó là áp lực về yêu cầu chính xác, chuẩn mực của câu từ, chữ nghĩa, con số, tư liệu để bảo đảm an toàn về mặt thông tin. Đó là áp lực về chất lượng, hiệu quả thông tin tốt nhất trong điều kiện tác nghiệp có thể gặp nhiều khó khăn khách quan, như: Thời tiết, khí hậu, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và cả những rủi ro từ những “điểm nóng” hiện trường tác nghiệp. Ngoài ra, nhà báo còn có thể đối mặt với nguy cơ đe dọa từ các đối tượng tiêu cực khi thông tin, điều tra về những nhóm lợi ích và mặt trái của xã hội...
Dẫu biết rằng, trong đội ngũ nhà báo có một số ít người làm nghề mà “mắt không sáng, lòng không trong” nên ngòi bút bị “bẻ cong” khiến dư luận phiền lòng. Nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ trong hàng vạn người làm báo chân chính đang ngày đêm nỗ lực, lặng lẽ cống hiến hết mình trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng.
|
Báo chí nước ta đang chịu sức ép không nhỏ của truyền thông xã hội. Cuộc cạnh tranh thông tin giữa báo chí và mạng xã hội diễn ra ngày càng gay gắt, quyết liệt, nhưng không vì thế mà báo chí xa rời những chức năng cơ bản của mình. Có thể tốc độ đưa tin trên báo chí có lúc không nhanh nhạy, kịp thời như truyền thông xã hội; song báo chí có ưu thế vượt trội là khả năng định hướng thông tin, dẫn dắt dư luận và chi phối đời sống tinh thần xã hội bởi những thông tin có nguồn gốc rõ ràng, được thẩm định chặt chẽ và nội dung thấm đẫm các giá trị chân-thiện-mỹ. Đó chính là lý do tồn tại của báo chí, là cội nguồn niềm tin của công chúng, là giá trị tinh thần vĩnh hằng của xã hội.
Điểm qua vài ba áp lực như vậy để thấy tính chất phức tạp và yêu cầu khắt khe của công việc làm báo. Mặt khác, nhắc lại điều này để mỗi người cầm bút thời nay nhận thức thấu đáo hơn, trách nhiệm hơn với nghề nghiệp đã chọn; đồng thời cũng mong muốn xã hội, nhất là cơ quan chức năng và người có thẩm quyền, trách nhiệm ở các cấp, các ngành thêm một lần thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với nghề làm báo. Rất sai lầm khi ai đó nghĩ rằng nghề báo chỉ làm chuyên môn thuần túy, là người “làm công ăn lương” bình thường. Thực sự, nghề báo là nghề lựa chọn con người vô cùng chặt chẽ, khắt khe cả về lập trường, bản lĩnh, trình độ, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và trách nhiệm xã hội. Hơn nữa, làm báo còn là làm chính trị, vì “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam đã khẳng định.
Trong khi Đảng, Nhà nước và nhân dân đòi hỏi nhà báo, cơ quan báo chí phải nâng tầm văn hóa chính trị, văn hóa nghề nghiệp cho xứng tầm với vị thế, vai trò của mình trong xã hội, thì những người ngày đêm gắn bó với nghề chữ nghĩa, vất vả với nghiệp tuyên truyền rất mong muốn xã hội và các cấp, các ngành cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cần coi trọng thực hiện tốt hơn văn hóa ứng xử đối với báo chí. Vì thực hiện văn hóa ứng xử với báo chí thực chất là phục vụ hiệu quả “Diễn đàn của các tầng lớp nhân dân” và làm tốt điều này cũng phù hợp với mục tiêu Đề án Văn hóa công vụ của Chính phủ đã đề ra./.
Đại tá, ThS. Nguyễn Văn Hải