Thứ Ba, 26/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 1/11/2012 19:27'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tội phạm

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu đã phân tích những điểm mới về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm tham nhũng trong năm 2012, dự báo trong năm 2013; đánh giá chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong năm 2012; những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém, bất cập, nguyên nhân, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2013.

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trường Dân - Quảng Nam đề cập: Cần chỉ rõ là tham nhũng ở lĩnh vực nào? Vấn đề khó khăn trong công tác phòng ngừa đấu tranh chống tham nhũng, nêu rõ và nêu cụ thể địa chỉ và những chức danh dễ bị lợi dụng tham nhũng. Nhưng trong quá trình đấu tranh của lực lượng công an, khi phát hiện có vụ tham nhũng thường bị tác động từ các cấp lãnh đạo cũng như chỉ huy, làm cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm công tác điều tra khó xử lý trong quá trình điều tra. Đây là một vấn đề hết sức lưu ý trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4,chúng ta cũng cần phải làm rõ vấn đề này.

Cũng chủ đề này, đại biểu Trương Minh Hoàng - Cà Mau quan tâm một số điểm cụ thể: Vụ việc án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện xử lý ít, thường kéo dài được hưởng án treo, thực tế vừa qua phát hiện xử lý là việc rất khó khăn cho tất cả các đội ngũ phát hiện, thực hiện cho bằng được để khởi tố, để xử lý nhưng thực chất tôi không biết vì sao trong quá trình xử lại hưởng án treo quá nhiều. Nếu ở mức độ nhẹ được hưởng án treo cho một người thì quá tốt, nhưng ở đây có dấu hiệu đó hay không, có việc chạy án không hay do năng lực hay do một yếu tố nào khác?.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá - Trà Vinh đánh giá số vụ việc tham nhũng đã được phát hiện còn chưa tương xứng việc phát hiện và kiến nghị xử lý hình sự về tham nhũng qua thanh tra kiểm toán còn ít. Điều tra xét xử nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài cả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần phải đình chỉ vụ án hoặc thay đổi tội danh khác nhẹ hơn. Đại biểu đề nghị Chính phủ các cơ quan tư pháp cần làm rõ nguyên nhân yếu kém, trách nhiệm yếu kém, sai sót nêu trên có tiêu cực không, có lợi ích nhóm không, có độc lập trong điều tra khởi tố, xét xử không, sự phối hợp trong công tác thi hành án đạt kết quả ra sao, quản lý đối tượng cải tạo không giam giữ, án treo thế nào, công tác thi hành án tử hình theo phương án mới lúc trình dự án có tính đến phương án về nguồn thuốc không? Quốc hội mong muốn rằng năm sau không báo cáo không còn lặp lại nguyên bản yếu kém sai sót như năm trước.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá cũng kiến nghị đề xuất, bổ sung cung cấp giải pháp như sau: Một trong xây dựng pháp luật phải kịp thời, sát thực tế, không chờ nghị định, thông tư, giảm thủ tục hành chính, tạo kẽ hở hành dân. Hai, đã có pháp luật phải được triển khai rộng rãi, kịp thời, đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng, lĩnh vực, vùng miền, công khai, minh bạch. Ba, xử lý pháp luật phải nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không có vùng cấm, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tạo điều kiện bảo vệ, giảm tội người tự nguyện khai báo, tố giác tội tham nhũng trong việc đưa và nhận hối lộ. Bốn, đào tạo cán bộ, trang thiết bị phải ngang tầm với nhiệm vụ được giao.

Trong khi đó, đại biểu Phùng Đức Tiến - Hà Nam đề cập đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Theo Báo cáo của Chính phủ, qua công tác kiểm tra đã phát hiện 11.007 vụ vi phạm pháp luật và phạm tội về môi trường, xử lý 10.710 vụ, đối tượng, khởi tố 337 vụ, 585 bị can. Theo Báo cáo môi trường quốc gia mới đây cho biết chất thải rắn phát sinh ở các khu đô thị, khu công nghiệp và cả vùng nông thôn ngày càng gia tăng và phức tạp, quản lý chất thải rắn không đúng sẽ hủy hoại môi trường và sức khỏe cộng đồng. Chất thải rắn ở các đô thị, khu công nghiệp và cả vùng nông thôn phát sinh trung bình khoảng 10% mỗi năm. Về môi trường làng nghề cũng như theo báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội năm 2011 cho thấy vấn đề ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, người lao động, dân cư, theo báo cáo môi trường năm 2008 tại các làng nghề sản xuất tái chế kim loại tỷ lệ người mắc bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp ngoài ra điếc cũng như ung thư chiếm 60% dân số.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đã chỉ ra một thực trạng nhức nhối là ngày càng có nhiều vụ án đâm chém, giết người do trẻ vị thành niên gây ra. “Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa đề cập tới vấn đề này, trong khi theo tìm hiểu của tôi, năm 2012 có khoảng 6.500 bị cáo ở độ tuổi chưa thành niên, tăng hơn 40% so với năm 2011” – đại biểu Nguyễn Thái Học phân tích.

Đồng tình với nhận định trên, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), để công tác phòng chống tội phạm đạt được hiệu quả, Chính phủ cần phân tích và có giải pháp cụ thể cho từng nhóm tội phạm, chứ không nên chỉ nói chung chung. Nhiều đại biểu Quốc hội có chung quan điểm rằng, trước tình hình tội phạm gia tăng như hiện nay, cần quan tâm tăng cường nguồn lực cả về vật chất và con người cho các lực lượng điều tra, truy tố, xét xử, bởi thực tế hiện nay ở địa phương, lực lượng bảo vệ pháp luật còn thiếu, nên công tác phòng chống tội phạm gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) dẫn chứng về thành công của tổ công tác đặc biệt 141 ở Hà Nội khi cho rằng, nếu có đủ lực lượng và cách làm quyết liệt, sẽ nâng cao được hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm.

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, đa số các đại biểu cho rằng, công tác này đạt hiệu quả chưa cao. Số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng vẫn chưa thể hiện hết tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được rất ít. Số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) dẫn chứng, kết quả thanh tra năm 2012 kiến nghị xử lý hành chính đối với 520 tập thể, 899 cá nhân và đã chuyển sang cơ quan điều tra xử lý hình sự 25 vụ với 41 đối tượng, nhưng con số này vẫn chưa phản ánh đúng với thực trạng tham nhũng đang diễn ra rất tinh vi trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành. Bên cạnh đó, có tình trạng chuyển từ tội nặng sang tội nhẹ. Nhiều vụ tham nhũng chưa được xét xử nghiêm, cấp càng cao xử lý càng ít.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị, mở rộng kê khai tài sản đối với cán bộ có quyền, nhưng phải có cơ chế giám sát chặt chẽ đảm bảo tính minh bạch, công khai; đồng thời phải biết vận dụng sức mạnh toàn dân vào cuộc cùng giám sát phòng ngừa phát hiện đẩy lùi tham nhũng. Cần xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật rõ ràng, rành mạch để kiểm soát việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan tổ chức và các chế tài xử lý...

”Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội cần xem xét thành lập Ủy ban điều tra đặc biệt với những người giữ chức vụ cao có dấu hiệu tham nhũng, làm cơ sở để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm” - Đại biểu Trương Thị Yến Linh thẳng thắn đề nghị.

Liên quan đến công tác thi hành án, nhiều đại biểu lo ngại về tình trạng án treo, thực trạng thi hành án dân sự thấp, thẩm phán vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí là vi phạm pháp luật; cùng với đó là tình trạng đình chỉ, tạm đình chỉ bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, đây là vấn đề cần được các cơ quan tố tụng nhanh chóng giải quyết để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân. Đại biểu này đề nghị các ngành tiến hành tố tụng cần phải tập trung giải quyết dứt điểm số bị can này ngay trong năm 2013, hoặc buộc họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, hoặc tuyên bố họ không phạm tội. Đây là vấn đề vừa mang tính pháp lý, vừa có tính chất đạo lý không thể trì hoãn kéo dài mãi.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất