Trong hai ngày 1 và 2/11, tại thành phố Cần Thơ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phối hợp với Đại sứ quán, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh đồng tổ chức hội thảo trước Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 11 tại khu vực 19 tỉnh, thành phố phía Nam.
Đây là Hội thảo thứ 3 sau Hội thảo khu vực miền Bắc và miền Trung tại hai địa phương Quảng Ninh và Đà Nẵng với cùng chủ đề “Công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương - thực trạng và giải pháp” nhằm cung cấp thông tin thiết thực, sát hợp phục vụ cho Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 11 dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 22/11 tới.
Nhằm phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng các kỳ đối thoại, tại 3 phiên làm việc, Hội thảo sẽ nghe 14 tham luận chính thức của các tỉnh thành phố và các tổ chức quốc tế trình bày, trao đổi, đề cập với nhiều nội dung quan trọng mang tính đặc thù về phòng chống tham nhũng ở địa phương: Thảo luận về các báo cáo giám sát, điều tra xã hội học; các kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm; các bài học rút ra từ thực tế phòng chống tham nhũng ở địa phương đồng thời học tập những kinh nghiệm tốt của quốc tế liên quan đến phòng chống tham nhũng.
Hội thảo đánh giá cao một số tham luận liên quan đến tầm quan trọng của công tác quản trị; chức năng giám sát; cơ chế thực thi và xử phạt; hiệu quả phối hợp của các cơ quan chức năng trong phòng chống tham nhũng; tính minh bạch trong quản lý cũng như môi trường kinh doanh; kinh nghiệm giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến tham nhũng; khuyến khích cơ quan báo chí truyền thông và cộng đồng xã hội cùng tham gia mặt trận phòng chống tham nhũng.
Ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, hội thảo lần này đặc biệt quan tâm lắng nghe tiếng nói từ các địa phương tham gia diễn đàn quan trọng này, từ đó làm cơ sở đưa ra những kiến nghị, đề xuất các giải pháp một cách sát hợp, hữu hiệu cho công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới.
Việt Nam đã tổ chức thành công 10 kỳ Đối thoại về phòng chống tham nhũng với các nhà tài trợ quốc tế. Các kỳ Đối thoại về phòng chống tham nhũng trước đây chú trọng nhiều tới đối thoại về chính sách từ góc độ quản lý vĩ mô theo các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao như: Xây dựng cơ bản, y tế, giáo dục, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản…
Sau mỗi kỳ đối thoại, các khuyến nghị của diễn đàn đã được Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi hoặc ban hành các văn bản mới. Theo đó, đã có những thay đổi đáng ghi nhận về chính sách của mỗi lĩnh vực đối thoại, góp phần không nhỏ vào kết quả phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian qua./.
(TTXVN)