BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ + GỐC ĐẠO ĐỨC + TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC
Đảng ta coi xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu của từng
thời kỳ cách mạng là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu.
Mới đây, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp
đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã thu hút sự quan
tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, tầng lớp nhân dân cả nước. Các ý
kiến bày tỏ đồng tình về việc lựa chọn nhân sự đúng đắn, chính xác cao,
phải bám nắm sâu sát 3 nhóm tiêu chuẩn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
chỉ ra. Đó là: Phẩm chất chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; trí tuệ,
tư duy chiến lược, trình độ, mức độ tín nhiệm. Đây là những nội dung
cốt lõi, cơ bản nhất, là tiền đề quan trọng và bắt buộc phải có đối với
mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây
cũng chính là ba cột trụ để dựng nên bộ máy nhân sự hoàn chỉnh của Đảng
và Nhà nước ta.
Đồng chí Tô Văn Ngọc, Ủy viên thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội chia sẻ, tiêu chuẩn về bản
lĩnh chính trị ở đây chính là tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết
tâm và khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, luôn
đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Bản lĩnh chính trị
thể hiện ở sự yên tâm công tác, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ
chức.
Người có bản lĩnh chính trị sẽ có lập trường kiên định, tư tưởng
vững vàng và bằng ý chí, năng lực của mình vượt qua khó khăn, thách
thức, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành nhiệm
vụ chung của cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Cùng với bản lĩnh chính trị thì phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng
viên cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Phẩm chất đạo đức chính là
các chuẩn mực hành vi làm nên giá trị của một con người. Qua đó, đánh
giá được con người tốt hay xấu.
Người cán bộ, đảng viên, nhất là các Ủy
viên Ban Chấp hành Trung ương cần phải có phẩm chất đạo đức thật sự
trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; thực sự
cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; phải thực sự là người tâm huyết
và có trách nhiệm với công việc, luôn chăm lo đến đời sống mọi mặt của
nhân dân.
Yêu cầu đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên là không tham vọng
quyền lực, không háo danh, không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi
và phải quyết tâm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái
về đạo đức, lối sống.
Bên cạnh bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức thì người cán bộ, đảng
viên cũng phải có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức toàn
diện. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để cán bộ, đảng
viên có thể hoàn thành công việc hiệu quả hơn; quyết định hoặc đề xuất
để tập thể lãnh đạo quyết định kịp thời, sáng suốt, đúng đắn.
Đặc biệt,
trong tình hình hiện nay, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương cần phải thực
sự chủ động phát hiện thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức trong
thực tiễn đồng thời mạnh dạn đề xuất những giải pháp phù hợp.
Ngoài ra
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương cũng cần phải thực sự năng động, đổi
mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải nắm chắc
đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa và tổ
chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước.
Hoàn toàn đồng tình với ý kiến của đồng chí Tô Văn Ngọc, đồng chí Nguyễn Xuân
Tùng, Phó Bí thư Chi bộ 2, Đảng bộ phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội)
nhấn mạnh: Người có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống
tốt nhưng không có tầm nhìn, tư duy chiến lược thì không thể là một cán
bộ cấp chiến lược của Đảng được.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc
tế cũng như biến động không ngừng và bất ngờ về địa chính trị trên thế
giới đòi hỏi mỗi Ủy viên Trung ương phải có kiến thức tổng hợp sâu và
rộng thì mới có khả năng phân tích, dự báo những nguy cơ, thách thức
cũng như cơ hội đối với nước ta để đề ra và thực thi đường lối xây dựng
đất nước, đảm bảo độc lập, tự chủ và chủ nghĩa xã hội.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NHÂN SỰ NGANG TẦM THỜI ĐẠI
Theo đánh giá của Tổng Bí thư, sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển
của đội ngũ cán bộ trong mấy chục năm qua là nhân tố hàng đầu, làm nên
những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc; đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm
lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Đồng chí Tô Văn Ngọc cho rằng, thực tiễn đã chứng minh, những thành quả của
cách mạng nước ta phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh chính trị vững vàng của
các thế hệ lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ. Qua
đó, các thế hệ lãnh đạo đã sáng suốt lãnh đạo toàn dân vượt qua mọi khó
khăn, gian khổ, chiến thắng kẻ thù xâm lược, hoàn thành mục tiêu của các
giai đoạn cách mạng để xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên,
trước những tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, đặc biệt là với
các thủ đoạn tinh vi và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù
địch, phản động, đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu
dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; lập trường tư tưởng không vững vàng
nên hoang mang, dao động, giảm sút ý chí, thậm chí là lạm dụng quyền
lực, chạy bằng cấp, chạy quy hoạch, chạy chức, chạy quyền và nhất là bị
cám dỗ bởi các lợi ích vật chất nên đã vi phạm pháp luật, đã bị khai trừ
khỏi Đảng và vướng vòng lao lý.
Do đó, thực tiễn của thời đại mới đòi hỏi, mỗi
cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, trí
tuệ, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần khơi
dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, sức mạnh
đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh,
hạnh phúc theo tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đồng chí Bùi Thiện, thương binh hạng 3, nguyên Chánh văn phòng UBND quận Hồng
Bàng, Thành phố Hải Phòng cho rằng, bài phát biểu của Tổng Bí thư khẳng định tầm
quan trọng đặc biệt của công tác nhân sự nói chung và nhân sự cho Đại
hội XIV của Đảng nói riêng. Cần phải khẳng định ý nghĩa của công tác này
không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà còn là
công tác có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn
vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.
Tâm đắc với nội dung “gốc đạo đức” của cán bộ trong bài phát biểu của
Tổng Bí thư về công tác nhân sự, đồng chí Bùi Thiện cho rằng, công tác nhân
sự cho Đại hội XIV của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng bởi sai sót trong
công tác nhân sự sẽ dẫn đến việc để lọt vào bộ máy lãnh đạo những người
thiếu tài, thiếu đức hoặc có tài mà thiếu đức, có đức mà kém về trình
độ… Nếu cán bộ làm lãnh đạo mà đức, tài không song toàn thì sẽ không
đóng góp được gì cho Đảng, thậm chí gây hại cho đất nước và nhân dân.
Để làm tốt công tác nhân sự, đồng chí Bùi Thiện cho rằng, thời gian tới, các
cơ quan, tổ chức có liên quan, mà trước hết là Bộ Chính trị, Ban Chấp
hành Trung ương phải xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và
"then chốt” có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ,
sự phát triển, vững mạnh của đất nước.
Ngoài ra, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương phải coi trọng xây
dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu
thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng, nhân dân. Mỗi cán bộ trực
tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách
nhiệm của mình, toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi
ích của Đảng, của đất nước, nhân dân lên trên hết.
Cùng với đó, từng cơ
quan, địa phương phải thường xuyên tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm,
chỉ ra những ưu điểm, kết quả cũng như khuyết điểm, hạn chế của Đại hội
XIII để có thêm cơ sở đề ra phương hướng, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng
nhân sự Đại hội XIV của Đảng.
Có thể thấy, các tầng lớp nhân dân luôn quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng
vào Đại hội XIV sẽ đưa ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn, có tính
đột phá về công tác cán bộ. Từ đó sẽ lựa chọn ra những cán bộ lãnh đạo
“vừa hồng, vừa chuyên”, “đủ tâm, đủ tầm”; đặc biệt, phải là những người
dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám quyết định những quyết sách
để đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới…/.
TTXVN