Phát biểu tại Hội nghị Quốc gia về CNTT-TT Việt Nam 2010 diễn ra ngày 3-12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra những dẫn chứng thuyết phục về việc chênh lệch về tỷ lệ sử dụng máy tính trong các Bộ ngành cũng như địa phương.
Trong khối các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, hiện có năm Bộ (Công thương, Giáo dục - Đào tạo, Tài chính, Ngoại giao, Thông tin - Truyền thông,…) đạt tỷ lệ trên 90% cán bộ công chức trong ngành có máy tính, 100% cán bộ ở cơ quan Bộ có máy tính; có 9 Bộ (Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Tư pháp, Xây dựng, Khoa học - Công nghệ)… đạt tỷ lệ 70 – 98%; và vẫn có 5 Bộ chỉ đạt tỷ lệ dưới 35 đến 60%. Như vậy, sự chênh lệch về tỷ lệ cán bộ công chức có máy tính trong hệ thống cơ quan Nhà nước Trung ương đang ở mức gần ba lần.
Trong khối cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, trong khi Điện Biên là một tỉnh miền núi xa xôi, rất nghèo nhưng tỷ lệ cán bộ công chức có máy tính cũng là 100%, thì ngay bên cạnh Điện Biên, Lai Châu chỉ có tỷ lệ 50%, Tuyên Quang 33%, Thái Nguyên chỉ có 5%. Nghĩa là chênh lệch tới 20 lần.
Ở vùng đồng bằng sông Hồng, Hải Dương có tỷ lệ 100%, nhưng “hàng xóm” là Nam Định chỉ có 64%, Hà Nam 33%, Thái Bình chỉ có 6%. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp 100%, An Giang 24%, Cà Mau 6%, cũng chênh lệch rất lớn. Khu vực Tây Nguyên, Kon Tum 100%, Đác Nông chỉ 6%. Như vậy, giữa các địa phương tỷ lệ cán bộ công chức có máy tính chênh lệch đến 20 lần. Theo Phó Thủ tướng, đã đến lúc chấm dứt việc cán bộ không có máy tính để sử dụng, đó là công cụ tất yếu.
Về đột phá trong quản lý Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Nhà nước, mà cụ thể ở đây là Bộ Thông tin - Truyền thông nên triển khai xây dựng các công viên phần mềm, nâng lương cho các cán bộ quản lý về CNTT, đưa cơ chế hợp tác công tư vào các dự án CNTT lớn cưa Nhà nước, cho phép các doanh nghiệp lớn thành lập các trung tâm đào tạo… Hiện tại mới chỉ có FPT, VNPT có trường đại học, học viện. Các doanh nghiệp khác như Viettel, CMC… cũng nên có.
Với bước đột phá thứ hai, phát triển các doanh nghiệp và các sản phẩm quốc gia, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần sáp nhập những doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn. Những doanh nghiệp lớn cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ về nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm. Nên có chương trình phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp để hỗ trợ nâng những sản phẩm đã có vị trí lên để đưa ra nước ngoài như sản phẩm của Bkav, chip 32 bit… Những sản phẩm mới hình thành và đang có triển vọng thì có thể hỗ trợ thành sản phẩm quốc gia.
Nhóm giải pháp đột phá thứ ba, theo Phó Thủ tướng là về phát triển nhân lực. Hiện tại, chúng ta không biết dự kiến chúng ta cần bao nhiêu nhân lực, vì thế cần đặt hàng các cơ quan nghiên cứu, nên thuê một công ty chuyên nghiên cứu thị trường. Ngoài ra, cần liên kết giữa cung và cầu trong thị trường nhân lực CNTT, sớm hình thành hội đồng hiệu trưởng, các trưởng khoa về CNTT, đẩy mạnh việc cấp chứng chỉ hành nghề theo chuẩn quốc tế trong lĩnh vực CNTT-TT.
Sẽ có một Chỉ thị mới của Bộ Chính trị cho 10 năm tới?
Hội nghị Quốc gia về CNTT-TT Việt Nam 2010 có chủ đề “Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TƯ của Bộ Chính trị trong các cơ quan chính phủ và triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và TT”. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, Hội nghị đã thảo luận và cho ý kiến về các định hướng về ứng dụng CNTT và phát triển CNTT-TT tại Việt Nam trong 10 năm tới.
Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, ông Đỗ Trung Tá, phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT cho biết, tổng số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 11 ước đạt xấp xỉ 163,8 triệu, trong đó có xấp xỉ 16,5 triệu thuê bao cố định. Số thuê bao internet băng rộng trên cả nước ước trên 3,7 triệu thuê bao. Tỷ lệ dân số sử dụng internet của Việt Nam đã trên 30%, cao hơn mức trung bình của thế giới (26,6%), vượt chỉ tiêu mà Chị thị 58 đã đề ra. Hiện nay, 100% các trường từ tiểu học đến đại học đã có kết nối internet. Mạng viễn thông nông thôn cũng được phát triển với những kết quả đáng
khích lệ, có 99,7% số xã đã có máy điện thoại cố định, nhiều nông dân có máy di động. Cả nước hiện 9.649 xã có internet, đạt tỷ lệ 87% số xã.
Ông Đỗ Trung Tá thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT kiến nghị đưa vào văn kiện của Đại hội Đảng XI nội dung “Ứng dụng và phát triển CNTT-TT trong giai đoạn 2011-2020 là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, tạo sự đột phá chiến lược, là nền tảng và động lực cho hiện đại hóa và tri thức hóa nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Đồng thời sau Đại hội Đảng XI, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ ban hành một Nghị quyết chuyên về CNTT-TT nhằm chỉ đạo, định hướng để Việt Nam sớm trở thành một nước mạnh về CNTT-TT.
Sau Hội nghị, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ hoàn chỉnh báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chỉ thị 58 để Chính phủ gửi Bộ Chính trị. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dự kiến, sau Đại hội Đảng XI, Bộ Chính trị cũng sẽ tổng kết về Chỉ thị 58 để đưa ra một văn bản phù hợp trong 10 năm tới. /.
Theo Nhân Dân