Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 14/3/2015 22:3'(GMT+7)

Ba mươi năm hội nhập kinh tế quốc tế: Một vài suy ngẫm và đề xuất hướng tới

1- Có thể nói, thực chất công cuộc đổi mới về kinh tế trong gần 30 năm qua của nước ta bao gồm hai nội dung chủ yếu. Đó là chuyển từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chuyển từ nền kinh tế tự cung, tự cấp sang mở cửa, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Trong gần ba thập niên đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trải qua nhiều thang bậc: Về nội dung, từ chỗ Đảng ta sử dụng khái niệm “mở rộng hợp tác” chuyển thành khái niệm “hội nhập kinh tế quốc tế” (Đại hội VIII của Đảng, năm 1995) rồi “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế” (Đại hội IX, năm 2001), “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” (Đại hội X, năm 2005), và, “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” nói chung (Đại hội XI, năm 2011); Về cấp độ, từ hội nhập kinh tế khu vực nâng thành hội nhập kinh tế toàn cầu khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Về mức độ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đã chuyển dần từ thấp lên cao, từ hẹp sang rộng, phù hợp với khả năng của đất nước và xu thế phát triển của kinh tế khu vực và thế giới.

2- Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương lớn của Đảng, vì thế để góp phần triển khai trên thực tế, đã có rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, đặc biệt Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để đánh giá những mặt được, kiểm điểm những nguyên nhân, hạn chế trong quá trình triển khai và đề xuất phương hướng hội nhập quốc tế trong các năm tới. 

Trong gần 30 năm qua, ngoài những chủ trương cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế được nêu tại các kỳ Đại hội Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành ba nghị quyết chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế, đó là: Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 27-11-2001, của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế; Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 5-2-2007, của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X, về “Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”, Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Các văn kiện này nêu rõ một số quan điểm chỉ đạo công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù cách thể hiện có ít nhiều khác nhau, nhưng một cách khái quát, có thể thấy tám quan điểm chủ yếu. Để chuẩn bị hành trang cho “cuộc viễn du” mới, tiến những bước mới trên con đường hội nhập quốc tế sâu hơn về nội hàm và rộng hơn về phạm vi, chúng ta cần rà soát xem các quan điểm chỉ đạo của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế đã được thực hiện đến đâu? Có những điều gì cần chỉnh sửa hay bổ sung?,... 

Một là, “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần giữ vững độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mặc dù hội nhập kinh tế quốc tế có nghĩa là tuân thủ những “luật chơi” chung, nhưng chúng ta vẫn giữ vững độc lập, tự chủ về chế độ chính trị - xã hội, về đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta hành động theo tinh thần “đường ta, ta cứ đi”, mà chúng ta đã chủ động điều chỉnh hệ thống văn bản pháp quy, thể chế kinh tế phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà ta đang từng bước xây dựng và phát triển cũng như các “luật chơi” quốc tế.

Hai là, “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”. Về phương diện này còn tồn tại nhiều vấn đề, như năng suất, hiệu quả của nền kinh tế chưa cao, cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, sức cạnh tranh còn yếu, thể chế còn nhiều vướng mắc,... Có thể nói, điểm yếu nhất trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta là chưa triển khai trên thực tế một cách mạnh mẽ, căn cơ quan điểm cốt tử này. Nếu trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hơn mà chúng ta không thực hiện nghiêm túc các quan điểm, đường lối chỉ đạo này của Đảng thì sẽ “lợi bất cập hại”. Thiết tưởng, cần sử dụng quá trình hội nhập quốc tế làm động lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ đó nâng cao mạnh mẽ khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. 

Cũng liên quan tới quan điểm chỉ đạo nói trên hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về mối tương quan giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Một số ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp FDI đang lấn lướt doanh nghiệp trong nước, theo đó ta đang mất dần sự độc lập, tự chủ về kinh tế. Có ý kiến khác lại cho rằng, cần đổi mới tư duy về độc lập, tự chủ về kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Thực tế cho thấy, quốc gia nào cũng phải xây dựng cho được nền tảng của nền kinh tế nước mình, đứng vững và đi bằng đôi chân của mình. Hội nhập chỉ là phương tiện góp phần làm cho nền tảng đó vững chắc và hiệu quả hơn chứ không thể thay thế hoàn toàn. 

Ba là, để thực hiện quan điểm “hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân”, trong quá trình hội nhập cần phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, đáng tiếc là trong quá trình thực hiện chưa có sự phân vai rõ rệt. Nhiều địa phương, doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế (hay cả tiến trình công nghiệp hóa) chỉ có thể được thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng doanh nghiệp chứ không thể nhất loạt như nhau ở tất cả các địa phương, doanh nghiệp; hội nhập quốc tế hay tiến hành công nghiệp hóa là câu chuyện của cả nước, được thực hiện trong một không gian kinh tế thống nhất chứ không thể làm theo phong trào.

Đối với các thành phần kinh tế cũng vậy, dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng cần căn cứ vào yêu cầu và khả năng để từng bước hội nhập, không nên đánh đồng. Ở Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì thế, để có thể hội nhập thành công, các doanh nghiệp này cần có sự trợ giúp của Nhà nước, của các hiệp hội ngành, nghề - điều còn khá hạn chế ở nước ta hiện nay. 

Bốn là, đối chiếu với quan điểm hội nhập cần có “kế hoạch và lộ trình hợp lý” có thể thấy, Việt Nam đã và đang từng bước chủ động hội nhập quốc tế; sau mỗi bước hội nhập chúng ta đều xây dựng chương trình hành động, tuy nhiên đôi khi các chương trình hành động này còn xa rời thực tiễn; việc thực thi còn nhiều lúng túng, thậm chí lãng quên, buông lỏng giữa chừng. 

Năm là,“kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh quốc phòng, thông qua hội nhập để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia…giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc”. Mặc dù ở một số nơi còn có những thiếu sót, lúng túng, thậm chí có những hiện tượng đáng ngại, song về cơ bản, quan điểm này đã được quan tâm quán triệt trên thực tế. Tuy nhiên, cũng nổi lên không ít những vấn đề đáng lo ngại cần quan tâm, giải quyết liên quan đến an ninh phi truyền thống, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội,...

Sáu là, quan điểm “hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh” được quán triệt khá nhuần nhuyễn trong quá trình đàm phán, song khi thực hiện trên thực tế lại tỏ ra có sự lúng túng, chẳng hạn như trong việc vận dụng những biện pháp không trái với cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước, hoặc trong quan hệ với các doanh nghiệp FDI còn nặng về tranh thủ, thu hút mà chưa ngăn chặn và xử lý kịp thời, chưa mạnh dạn đấu tranh với những hành vi, biểu hiện gian lận của họ. Đối với các cuộc tranh chấp thương mại, chúng ta cũng chưa đấu tranh thành thạo và chưa có phương thức giải quyết hiệu quả.

Bảy là, đối chiếu với quan điểm trên cơ sở thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế “đẩy nhanh nhịp độ cải cách thể chế, cơ chế, chính sách kinh tế” chúng ta đã làm được không ít việc, song vẫn còn nhiều việc phải làm, như tiếp tục đổi mới thể chế và coi đây là một khâu đột phá, yêu cầu gắn kết việc đổi mới thể chế trong nước với thể chế hội nhập một cách hài hòa, nhuần nhuyễn,...

Tám là, liên quan tới quan điểm “chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế, chủ động đề xuất chính sách, sáng kiến, cơ chế hợp tác” vẫn còn nhiều hạn chế trong tư duy, nhận thức và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhìn chung, những mặt hạn chế cho thấy tính tích cực, chủ động trong hội nhập chưa cao, nội lực còn yếu, tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập. Nếu những điểm này không được khắc phục thì những khó khăn chúng ta phải đối mặt trong giai đoạn hội nhập mới sâu rộng hơn sẽ lớn hơn, không xử lý thỏa đáng được những thách thức mới nảy sinh, và không tận dụng được triệt để các cơ hội mà hội nhập mang lại.

3- Bước vào giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hội nhập quốc tế, chúng ta cần quan tâm một số vấn đề sau: 

Thứ nhất, chúng ta đang tiến hành các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với rất nhiều đối tác lớn, như Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan (gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan), Khối thương mại tự do (EFTA - gồm các nước Thụy Sĩ, Na Uy, Ai-xơ-len, Lích-ten-xtanh); đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó đã kết thúc cơ bản đàm phán với Hàn Quốc và Liên minh Thuế quan; trong khuôn khổ ASEAN, chúng ta đàm phán FTA với EU (ASEAN - EU), trong khuôn khổ ASEAN + 6, đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP),...Cần gắn kết, lồng ghép các cam kết mới theo Cộng đồng ASEAN và các FTA thành một kế hoạch tổng thể có trọng tâm, trọng điểm rõ ràng về mục tiêu, đối tác, khu vực,...

Thứ hai, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cần xoáy mạnh vào nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại nền kinh tế, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thứ ba, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình hội nhập trên những lĩnh vực khác, như chính trị, an ninh - quốc phòng, văn hóa, xã hội... trong một tổng thể, bổ sung, hỗ trợ cho nhau nhằm mục tiêu chung của đất nước trong từng thời kỳ, ở từng khu vực, với mỗi đối tác.

Trên ngưỡng cửa của hành trình mới với nhiều vận hội nhưng cũng kèm theo không ít tác động phụ đòi hỏi chúng ta bổ sung thêm những quan điểm cần thiết về hội nhập quốc tế, đặc biệt là cần tổ chức triển khai, thực hiện một cách thấu đáo quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế trong thực tế cuộc sống./.

Vũ Khoan
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
Nguồn: TCCS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất