Cách đây đúng 60 năm, vào ngày 27/2/1955, nhân dịp Hội nghị Cán bộ y tế
được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội
nghị. Bức thư với những nội dung sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến
lược đã trở thành tài sản vô giá của ngành y tế Việt Nam.
Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi
với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để hiểu rõ hơn về những lời
Bác dạy và 60 năm ngành y tế làm theo lời Bác.
Giỏi về chuyên môn và phải có tâm
-Cho đến hôm nay, ngành y tế Việt Nam đã khắc ghi những đấu ấn vô
cùng quan trọng. Xin Bộ trưởng có thể nói rõ hơn những nội dung mà Bác
Hồ đã căn dặn đối với ngành y tế?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong thư gửi
Hội nghị cán bộ y tế tháng 2/1955, Bác Hồ đã chỉ rõ nhiều vấn đề cần làm
của ngành y tế, nhưng nổi bật là hai nội dung chính là: nâng cao đạo
đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ y tế “lương y phải như từ mẫu” và xây
dựng nền y học của Việt Nam trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại
chúng.
Bác nhấn mạnh việc chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe cho nhân dân là nhiệm
vụ rất vẻ vang, cán bộ y tế cần “thương yêu người bệnh như anh em ruột
thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ
mẫu.”
Như lời Bác căn dặn, nghề thầy thuốc là một nghề cao quý, bởi đây là
nghề chữa bệnh cứu người, cho nên, người thầy thuốc không chỉ phải giỏi
về chuyên môn mà còn phải có tâm, có đức. Y đức là phẩm chất tốt đẹp, là
giá trị cốt lõi của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần
trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người
bệnh như chăm lo cho những người thân yêu trong gia đình của mình.
- Theo Bộ trưởng, những lời dạy, căn dặn của Bác Hồ cho đến nay đã
được ngành y tế và đội ngũ các Thầy thuốc phát huy như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngành y tế đã coi những lời dạy đó của Người làm cốt lõi tư tưởng trong mọi hoạt động.
Thực hiện lời dạy của Bác, các thế hệ thầy thuốc đã, đang nối tiếp
truyền thống, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn
luyện tu dưỡng bản thân, vượt qua nhiều gian nan, vất vả xây dựng nền y
học Việt Nam ngày càng phát triển.
Nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã không quản ngại khó khăn, gian khổ,
hy sinh cả tính mạng của mình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe
nhân dân cả trong thời chiến cũng như thời bình.
Rất nhiều thầy thuốc đã rời bỏ cuộc sống phồn hoa nơi xứ người, về nước
tham gia cách mạng theo lời kêu gọi của Bác Hồ; những người nêu gương
sáng về chuyên môn lẫn đức hạnh, như giáo sư Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di,
Đặng Văn Ngữ, Trần hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Vũ Đình
Tụng, Đặng Văn Chung, Đỗ Đức Vân, Đặng Thùy Trâm… và còn biết bao nhiêu
thầy thuốc, lương y, y sỹ, y tá, hộ lý khác- những “Anh hùng áo trắng”
đã nêu gương sáng cho đời.
Vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân, người thầy thuốc từng giờ, tường
phút, từng giây chiến đấu giành giật với tử thần sinh mạng con người…
Mặc dù, ở đâu đó vẫn còn có tiếng than phiền về tinh thần phục vụ của
một bộ phận nhỏ thầy thuốc- người đã không giữ được mình trước những tác
động của cơ chế thị trường, đã quên lời thề Hippocrates và lời Bác dạy.
Đó chỉ là con số rất nhỏ so với trăm ngàn cán bộ y tế đang ngày đêm thầm
lặn làm việc, không một yêu cầu, đòi hỏi, không một tiếng than thở- bởi
họ hiểu và tự nguyện theo nghiệp làm nghề y - cứu người là lẽ sống của
họ.
Xây dựng nền y học Việt Nam rạng rỡ
-Tổng kết một chặng đường 60 năm, Bộ trưởng có thể điểm lại những những thành tựu và thử thách ngành y tế đã làm được là gì?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Thực hiện lời
dạy của Bác về xây dựng một nền y học Việt Nam- một nền y học khoa học,
dân tộc và đại chúng, trong sáu thập kỷ qua, ngành y tế đã có thể tự hào
báo cáo với Bác về những thành quả đã đạt được.
Với một nước có điều kiện kinh tế như hiện nay, thu nhập bình quân đầu
người ở mức trung bình thấp thì những kết quả đạt được trong lĩnh vực y
tế có thể coi là một kỳ tích.
Thực hiện kỹ thuật "Bắt vít" trong ca phẫu thuật ứng dụng Robot định vị chính xác. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Việt Nam luôn là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch bệnh khi
khống chế thành công dịch SARS và nhiều dịch bệnh nguy hiểm, không để
bùng phát thành dịch lớn như: cúm A/H5N1, H1N1… đã thanh toán được các
bệnh như: bại liệt, phong, uốn ván sơ sinh và các bệnh nhiễm trùng. Các
bệnh truyền nhiễm gây dịch ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật
Bản, lao… đã giảm từ 10 đến 100 lần so với giai đoạn trước đây nhờ thực
hiện thành công Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước được Liên hợp quốc và cộng
đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong việc thực hiện các Mục tiêu
Phát triển Thiên niên kỷ về y tế như giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em
dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong bà mẹ và tử vong trẻ sơ sinh… Tuổi thọ trung
bình của người Việt Nam xếp vào loại cao trong khu vực Đông Nam Á, thậm
chí cao hơn hẳn so với các nước có cùng mức thu nhập.
Công tác chữa bệnh cũng có nhiều kết quả đáng tự hào. Nhiều kỹ thuật cao
lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam như ghép tế bào gốc trong điều trị
ung thư, sử dụng rô-bốt trong mổ nội nhi khoa, phẫu thuật tim hở có nội
soi hỗ trợ trong thay và sửa van tim, vá các dị tật trong tim...
Các bác sỹ Việt Nam cũng có bước thành công đột phá trong kỹ thuật ghép
nội tạng từ người sống và người cho chết não, mang lại triển vọng tốt
đẹp cho chuyên ngành ghép tạng... Nhiều bác sỹ của Việt Nam được bạn bè,
đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao nhờ những kỹ thuật khó, trị bệnh hiểm
nghèo.
Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới có nền Y học cổ truyền phát
triển và Đông Tây y được kết hợp và triển khai rộng khắp từ trung ương
đến trạm y tế xã.
Chất lượng khám, chữa bệnh đang được tiếp tục nâng cao nhờ việc triển
khai hiệu quả đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các cơ sở khám
chữa bệnh tuyến trung ương và tuyến cuối, mạng lưới bệnh viện vệ tinh
tuyến tỉnh.
Đáng lưu ý là đẩy mạnh phong trào học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, và xử lý nghiêm những sai phạm…
Xây dựng nền y tế công bằng
-Xin Bộ trưởng cho biết định hướng phát triển của ngành y tế hướng tới trong thời gian sắp tới là gì?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Bên cạnh những
kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn những tồn tại cần khắc phục để công
tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày một tốt hơn.
Đó là mạng lưới tổ chức y tế địa phương còn phân tán, chức năng nhiệm vụ
của trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã chưa được cập nhật, thay đổi phù
hợp với sự thay đổi về mô hình bệnh tật, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của
người dân. Hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu
cầu, tỷ lệ giường bệnh vẫn còn thấp, phân bố chưa cân đối giữa các vùng
miền.
Nhân
viên y tế tuyên truyền và kiểm tra sức khỏe cho người dân xã biên giới
Trọng Hóa, huyện miền núi Tuyên Hóa, Quảng Bình. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Đặc biệt nhân lực y tế phân bổ không đều giữa các vùng, các tuyến, chất
lượng nguồn nhân lực y tế cũng là một vấn đề cần phải được ưu tiên giải
quyết, đặc biệt ở tuyến cơ sở, vùng sâu vùng xa.
Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa phù hợp, không tương xứng với
thời gian học tập, công sức lao động, môi trường lao động, điều kiện làm
việc vất vả, nhất là ở khu vực miền núi, khó khăn; cơ chế tài chính
chậm đổi mới, chưa phù hợp với sự phát triển thực tế...
Do nhân lực ở tuyến dưới thiếu và yếu nên người bệnh luôn đổ dồn về
tuyến trên và gây nên tình trạng quá tải trầm trọng, không chỉ ảnh hưởng
đến chất lượng dịch vụ y tế, gây bức xúc cho người bệnh mà còn gây áp
lực cho chính những người thầy thuốc.
Tuy nhiên, những kết quả ngành y tế đạt được là to lớn, rất đáng tự hào.
Chúng tôi tin tưởng rằng công cuộc đổi mới đất nước, trong đó có đổi
mới ngành y tế sẽ được thực hiện thành công một cách toàn diện, sâu sắc
và thu được nhiều thành tựu hơn nữa như lời Bác dạy: Xây dựng nền y học
Việt Nam khoa học-dân tộc-đại chúng và phấn đấu xây dựng nền y tế công
bằng-hiệu quả-phát triển./.
Thùy Giang (Vietnam+)