“Nền văn học Việt Nam giống như một vườn hoa đang độ nở rộ…”- dịch
giả người Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu đã từng nhận xét như vậy. Quả thực,
nền văn học Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử với những thành
tựu rực rỡ cả về số lượng các tác phẩm có giá trị và một đội ngũ các nhà
văn, nhà thơ nổi tiếng. Những thành tựu ấy xứng đáng được quảng bá rộng
rãi ra ngoài thế giới và cũng đang hứa hẹn nhiều triển vọng, tuy nhiên
công việc này vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt…
Vẫn “nhập siêu” văn học
Nền văn học Việt Nam vốn là một nền văn học cộng hưởng những tinh hoa của các nền văn học anh em trong khu vực và trên thế giới. Thời gian qua, Việt Nam cũng đã dịch và xuất bản một cách hệ thống những tác phẩm tiêu biểu của các nền văn học trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Điều đó lại dẫn đến hệ quả là tình trạng “nhập siêu” văn học kéo dài và gia tăng. Chưa kể đến tình trạng thiếu chủ động, thiếu chọn lọc dẫn đến những loại hình văn hóa chưa lành mạnh đã bằng nhiều cách xâm nhập vào đời sống các tầng lớp nhân dân, chi phối rõ rệt đến lối sống, ứng xử văn hóa của người dân nước ta”.
Trong “tình thế” chúng ta có một nền văn chương đáng tự hào chưa được quảng bá rộng rãi mà lại tiếp nhận “hơi quá đà” nhiều sản phẩm từ rất nhiều quốc gia, theo nhiều nhà văn, nhà thơ đó là vì chúng ta chưa cân bằng được “cán cân” giữa các tác phẩm chuyển ngữ sang tiếng Việt và từ dịch văn học Việt sang tiếng nước ngoài. Hàng năm, từ nhiều nguồn khác nhau, có hàng trăm đầu sách nước ngoài tràn vào trong nước, tuy nhiên một năm, có khi tới vài năm chúng ta mới có được 1 cuốn sách được dịch và quảng bá chính thống ở một số nước, như vậy là quá ít ỏi so với nền văn học có bề dày như Việt Nam.
Một ví dụ cụ thể với văn học Nga, cho tới nay đã có tới hơn 500 đầu sách của Liên Xô và Nga được dịch, phổ biến ở Việt Nam. Trong khi đó, mới chỉ có 6 cuốn sách của Việt Nam được đưa vào kế hoạch xuất bản bằng tiếng Nga, trong đó có cuốn “Hồn bướm mơ tiên” của nhà văn Khái Hưng, 2 tập thơ và tập Nhật ký Đặng Thùy Trâm là đã xuất bản. Hay như ở Mỹ, trung tâm Joynor mới chỉ xuất bản 12 tác phẩm dịch, chủ yếu lại là những tác phẩm của những người nghiên cứu về Việt Nam học, dạy về chuyên nghành Việt Nam sử dụng để làm tài liệu cho học sinh tìm hiểu… Những tác phẩm văn, thơ chiến tranh của Việt Nam là những thể loại mà người Mỹ rất quan tâm thì cũng chưa được dịch nhiều.
Theo dịch giả Hoàng Thúy Toàn, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam - văn học Nga: “Nguyên nhân của tình trạng “nhập siêu” văn học như thời gian qua là vì chúng ta đang gặp những khó khăn cả về kinh phí và nhân lực, đồng thời chưa có một cơ chế cụ thể cho công tác dịch thuật nên chưa thể đẩy mạnh việc dịch tác phẩm văn học tiếng Việt sang các thứ tiếng, dẫn đến số lượng tác phẩm văn học Việt Nam đã dịch ra các thứ tiếng vẫn còn đang quá ít”.
Cũng theo dịch giả Hoàng Thúy Toàn, thực tế nếu chỉ trông chờ vào nguồn tài trợ của nhà nước để có kinh phí dịch và quảng bá thì rất mơ hồ, các tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài và xuất bản thường là do các tác giả tự tìm nguồn tài trợ ngoài. Vấn đề đáng nói là nếu muốn được tài trợ cũng phải có đề án, và phải chính thức mới được cấp ngân sách. Một khó khăn nữa trong công tác quảng bá là đội ngũ dịch thuật của chúng ta còn “mỏng”. Thực tế cũng có nhiều người giỏi ngoại ngữ, có thể làm tốt nhưng chưa có chính sách “chiêu mộ”, đãi ngộ cụ thể nên chưa tập hợp được để làm.
Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, còn một khó khăn nữa trong công tác dịch thuật là vấn đề ngôn ngữ. “Nếu tiếng Việt với chúng ta là một điều tự hào về khả năng phô diễn kỳ diệu thế giới nội tâm cực kỳ điêu luyện và tinh tế bao nhiêu thì với các dịch giả nước ngoài càng khó khăn bấy nhiêu. Bởi công việc thực tế của các dịch giả chính là chuyển dịch thế giới tâm hồn này sang thế giới tâm hồn khác, chuyển dịch nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, đó là điều không hề dễ dàng”.
Cần chiến lược quảng bá
Trong vòng từ 15 đến 20 năm nay, với chính sách hội nhập thiết thực, nước ta đã mở rộng văn hóa nói chung và văn học nói riêng, giới thiệu được nhiều tác phẩm văn học ra các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, châu Mỹ La Tinh, Thụy Điển, Phần Lan… Điều này cho thấy, để có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam vượt ra khỏi “gianh giới quốc gia” cần phải có chiến lược quảng bá cụ thể. Mà nói như dịch giả người Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu: “Để có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài, cần thiết phải giải quyết 3 vấn đề: Một là phải có tác phẩm hay, hai là phải có dịch giả giỏi và ba là phải có… tiền”.
Về đội ngũ dịch thuật, hiện nay Hội Nhà văn Việt Nam có Trung tâm Dịch thuật đã đi vào hoạt động. Vấn đề đặt ra sắp tới là cần phải tạo mọi điều kiện, tìm kiếm cơ hội để cơ quan này hoạt động theo hướng chuyên nghiệp cao, thực sự là đầu mối tham mưu và tác nghiệp quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Bên cạnh các công tác chuyên môn, việc duy trì tổ chức Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam 3 năm gần đây đã như một nhân tố làm thức dậy nhiều tiềm năng văn học và đem lại những hiệu quả đáng kể ban đầu trong việc quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới. Cụ thể là lần tổ chức thứ 3 này đã có tới 40 quốc gia và trên 151 tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học quốc tế tham dự.
Ngoài các chương trình cụ thể và vấn đề kinh phí, nhân lực, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, chúng ta còn phải tính đến các yếu tố sở thích, thị hiếu, thị trường, các thủ tục về sở hữu trí tuệ… Đó là một chuỗi các công việc cụ thể, mang tính “bếp núc” nhưng không thể bỏ qua trong công tác quảng bá văn học Việt Nam ra quốc tế.
Theo Báo Tin tức