Khi giám khảo “vừa đá bóng, vừa thổi còi”…
Năm 2017, hai vị lãnh đạo đứng đầu hai tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp: Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã cùng phải xin rút tên khỏi giải thưởng khi giữ cương vị là người đứng đầu các Hội nghề nghiệp, chủ tịch giám khảo mà lại có tác phẩm dự thi và đoạt giải thưởng. Dẫu cả hai vị đều cho rằng không hề vi phạm quy chế khi chấm giải, quy trình chấm được thực hiện rất khách quan, công tâm, người có tác phẩm không được chấm điểm cho tác phẩm có tên mình là tác giả hoặc trong thành phần sáng tạo tác phẩm. Thế nhưng sẽ vẫn có những ý kiến hoài nghi, cho rằng các vị này có vai vế, chức vụ to nhất Hội rồi thì họ có không chấm, những thành viên giám khảo khác cũng sẽ chấm điểm cao bởi chuyện nể nang. Và chắc cũng chẳng có vị giám khảo nào lại dại dột chấm loại tác phẩm của trưởng ban tổ chức, chủ tịch hội hay của ông chủ tịch giám khảo để rồi “mất cửa làm ăn”, không được mời tiếp tục làm giám khảo sau này nữa…
Việc trả lại giải thưởng lần này, tiếng là tự nguyện, nhưng thực chất là vì hội viên của hai hội có tiếng nói phản ứng và đưa lên công luận trao đổi. Còn biết bao những giải thưởng của các hội nghề nghiệp trung ương và địa phương cũng trong tình cảnh tương tự nhưng vì không ai dám lên tiếng nên rơi vào im lặng và giải thưởng được giám khảo ẵm một cách trót lọt. Mặc dù rất có thể cơn sóng bất bình hoài nghi còn mạnh mẽ, dữ dội hơn, thậm chí không ít những hội viên không đăng ký tham gia bất kỳ cuộc thi hay xét thưởng chỉ vì mất niềm tin đối với việc bình xét kiểu này.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Hỏa Tiễn - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Trưởng ban Sáng tác triển lãm cho biết: “Bản thân tôi khi đã tham gia lãnh đạo, tôi không bao giờ gửi ảnh dự thi vì sẽ gây ra suy nghĩ không tích cực trong anh em hội viên… Và chính thành viên ban giám khảo cũng sẽ ngần ngại, nể nang khi bỏ phiếu cho tôi và dĩ nhiên việc bình chọn cũng sẽ thiếu đi tính khách quan. Trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ phải ngồi lại để cùng trao đổi chấn chỉnh kịp thời trong công tác hoạt động của Hội, tạo ra môi trường trong sáng cho các nghệ sĩ có niềm tin sáng tạo và cống hiến”.
Có lẽ một trong những điều “tạo sóng” đối với dư luận chính là chất lượng của những tác phẩm được trao giải. Rất nhiều những ý kiến tỏ ra không phục khi nhận định về những tác phẩm được trao giải năm 2016 của hai vị chủ tịch hội nghề nghiệp.
Cần một hội đồng giám khảo “sạch”
Tình trạng giám khảo “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, giám khảo thiếu tính khách quan khi có tác phẩm dự thi là một thực trạng tồn tại trong các cuộc thi, xét tặng giải thưởng văn học nghệ thuật từ nhiều năm qua. Động cơ gì để dẫn tới việc giám khảo cứ “cố đấm ăn xôi”, nhét tác phẩm dự thi bất chấp cả sự cười chê của đồng nghiệp, của hội viên? Nhiều ý kiến cho rằng nguồn cơn sâu xa chính là: một số người muốn tận dụng những giải thưởng ở các hội văn học nghệ thuật để có cơ hội được đề xuất tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước…
Nhìn nhận về hiện tượng này, TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: “Theo tôi các hội văn học nghệ thuật cần phải thay đổi, phải đưa ra một nguyên tắc chung, ai có tác phẩm dự thi thì nhất thiết phải không được ngồi trong hội đồng chấm giải. Chừng nào còn tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi thì còn gây bức xúc cho các hội viên và còn cãi nhau dài dài”. NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thẳng thắn nhận định: “Đã là chủ tịch hội, chủ tịch hội đồng nghệ thuật thì không nên có tác phẩm tham dự xét giải. Ngay cả khi tác phẩm, vở diễn của mình được đề xuất thì cũng nên có cách từ chối. Phải có một cuộc cách mạng để nghệ sĩ tin tưởng vào lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật và các hội đồng nghệ thuật trong các cuộc thi và xét tặng giải thưởng”.
Sau câu chuyện ì xèo về giải thưởng, cá nhân các ông Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đều đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng này bằng việc kiến nghị với Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật trung ương thành lập một hội đồng nghệ thuật thẩm định riêng cho kỳ xét tặng hay chấm giải, nên có quy chế mới quy định cụ thể thành viên giám khảo không được có tác phẩm dự thi để thay thế cho việc chấp nhận có tác phẩm dự thi nhưng không được chấm điểm…
Thiết nghĩ, trước khi có những quy định cụ thể hay có một hội đồng nghệ thuật thẩm định riêng cho từng kỳ xét tặng và trao giải, thì mỗi cá nhân các vị giám khảo cũng cần tự lập cho mình một ba-ri-e bằng việc tránh có tác phẩm tham gia. Chắc chắn, nếu ban giám khảo “sạch”, không có một mối tư lợi nào trong xét tặng giải thưởng thì sẽ bước đầu tạo dựng niềm tin đối với những người có tác phẩm dự thi.
Mong rằng Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật trung ương sẽ sớm ngồi lại với các hội nghề nghiệp để đưa ra những quy định và nguyên tắc cụ thể sao cho phù hợp với thực tiễn, để thật sự nâng cao chất lượng, uy tín cho hệ thống giải thưởng của các Hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.
Cảnh trong vở Hoàng Thúc Lý Long Tường (một trong hai tác phẩm được trao giải có tên NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong thành phần sáng tạo).