Đời sống được nâng lên, người dân càng có điều kiện thể hiện tấm lòng thành kính đối với cộng đồng thông qua hình tượng đặc biệt là thần linh, tiên tổ. Tuy thế nhưng đôi lúc, đôi nơi, sự thể hiện đó có phần thái quá, thiếu đi cái gốc là “tấm lòng thành”.
Linh vật có vị trí đặc biệt trong văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam, thể hiện lòng thành kính, tri ân của người sau đối với tổ tiên, những bậc tiên hiền. Mấy chục năm trở lại đây, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống được nâng lên, người dân càng có điều kiện thể hiện tấm lòng thành kính đối với cộng đồng thông qua hình tượng đặc biệt là thần linh, tiên tổ. Tuy thế nhưng đôi lúc, đôi nơi, sự thể hiện đó có phần thái quá, thiếu đi cái gốc là “tấm lòng thành”.
Sự quá đà này có thể thấy qua việc trùng tu đình đền, miếu mạo, những hoành phi, câu đối, những linh vật, linh thú được dâng lên trước cửa thiêng. Đình làng mở rộng, làng làm sau to hơn làng làm trước như một sự thi thố. Hội làng, hội đình, lễ chùa, lễ đền đôi khi còn được “điểm trang” bằng những nghi lễ kỳ quặc, phẩm oản “siêu to” và cũng “siêu lãng phí”. Nạn “sư tử đá” vẫn còn chiếm giữ mặt tiền ở nhiều di tích… Vẫn biết đó là lòng thành, nhưng khi mọi sự đã trở nên thái quá thì sẽ sinh ra phản cảm!
Sau 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các di tích, nhiều linh vật ngoại lai được dẹp bỏ, nhận thức của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, vẫn phải tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục người dân để giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc trước cửa thiêng. Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, nguy cơ tái diễn tình trạng linh vật ngoại lai xâm chiếm di tích lúc nào cũng có thể xảy ra. Bởi những linh thú như sư tử đá chỉ là biểu hiện dễ thấy của rất nhiều loại linh vật ngoại lai được người dân cung tiến vào di tích.
Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, linh vật gồm ba nhóm: Linh khí (là những đồ vật thiêng như nghi trượng, bát bửu, võng lọng cho đến phẩm, oản…), linh thú (gồm lân, nghê, sư tử, chó, voi…) và linh tượng (gồm những loại tượng thánh, phật, hộ pháp…). Như vậy trong thời gian qua, ngành văn hóa mới chỉ tập trung loại bỏ những linh thú ngoại lai ở các di tích, còn đồ vật người dân cung tiến vào di tích không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, phần nhiều vẫn chưa được xử lý. Có thể kể đến những loại vật chất khai khoáng như đá, quặng có hình thù kỳ dị mà người ta gán ghép đủ những câu chuyện mê tín, dị đoan; hay những loại đồ gốm sứ xuất xứ từ nước ngoài đề những bài thơ, đoạn văn nội dung không phù hợp với nơi tôn nghiêm... Tất cả những thứ “trang sức” này làm giảm giá trị của di tích, cho thấy sự thiển cận, mê tín, thiếu hiểu biết của người cung tiến, người quản lý di tích.
Cung tiến vật chất, công sức là biểu hiện của lòng thành đối với cộng đồng mà đã được "biểu tượng hóa" thành những thánh thần, tiền nhân. Người tặng cũng như người nhận luôn đề cao tinh thần tự nguyện, vô tư trong sáng. Điều đáng nói là những vật phẩm dâng lên trước cửa thiêng cần được cân nhắc đến nhiều yếu tố, trong đó phải đề cao sự trang trọng, thành kính, coi trọng tính hài hòa, phù hợp với văn hóa, với cộng đồng. Cha ông ta luôn đề cao đức giản dị, sự gần gũi, trọng tình hơn trọng tài, phẩm lễ có đạt được những yếu tố như vậy thì mới thỏa lòng người, linh vật khi ấy mới thật là linh thiêng./.
Nguyên Phong (Báo QĐND)