Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 22/10/2017 11:11'(GMT+7)

Cần cơ chế phù hợp để bảo tồn văn hóa dân tộc Dao

Trình diễn Lễ cấp sắc người Dao tại Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất. (Ảnh: Minh Anh/QĐND)

Trình diễn Lễ cấp sắc người Dao tại Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất. (Ảnh: Minh Anh/QĐND)

Những nguy cơ mai một

Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc đã phác họa nên một bức tranh đặc sắc, đa dạng sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc Dao. Thế nhưng, có mặt tại ngày hội, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Bên này biểu diễn nghệ thuật truyền thống, bên kia tái hiện các tập tục của đồng bào Dao. Thế nhưng, nhìn đi nhìn lại vẫn là mấy gương mặt nghệ nhân, mấy già làng, trưởng bản đã quá quen thuộc. Có chăng một vài gương mặt trẻ mới thì khi được hỏi, người này ở đoàn văn công nọ, cô gái khác lại là diễn viên của đoàn nghệ thuật kia. Số bạn trẻ là con em đồng bào Dao tham gia biểu diễn, giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc mình thật là hiếm hoi.

Trao đổi với chúng tôi, chị Triệu Thị Ninh, 23 tuổi, người Dao quần chẹt ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho rằng: "Bây giờ, nhiều bạn trẻ dân tộc Dao khi đi ra xã hội, đi học, không còn giữ được bản sắc dân tộc mình. Thậm chí có người còn không nói được ngôn ngữ dân tộc mình. Ở địa phương chúng tôi, các lễ hội hiện nay cũng chủ yếu là do đàn ông và người lớn tuổi tham gia. Các làn điệu dân ca thì chỉ các mẹ, các bà lớn tuổi nhớ được. Vì thế, tôi nghĩ rằng, việc có những hoạt động thiết thực, khuyến khích các bạn trẻ tham gia giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc mình là cần thiết".

Những người trẻ không mấy tâm huyết với bản sắc văn hóa dân tộc mình, bị ảnh hưởng bởi các luồng văn hóa bên ngoài, phai nhạt bản sắc dân tộc chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến văn hóa dân tộc Dao đứng trước nguy cơ mai một. Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thừa nhận thực tế đó. Tại nhiều địa phương, đồng bào dân tộc Dao sinh sống xen kẽ với các dân tộc khác, thế hệ trẻ lớn lên, không biết, không nói được chính tiếng mẹ đẻ của mình...

Trong bối cảnh chung hiện nay, khi việc tiếp cận ngày càng rộng rãi với các phương tiện nghe nhìn, cộng với sự giao thoa và tiếp biến giá trị văn hóa của các dân tộc, những giá trị mang tính bản sắc dù bền vững cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, nếu bảo tồn không tốt sẽ có nguy cơ mai một. Thực tế cho thấy, nhiều nét đẹp trong các sinh hoạt nghi lễ, cưới hỏi, tang ma… đã biến đổi, thậm chí biến dạng. Trong một đám cưới truyền thống của người Dao, cô dâu đã mặc váy nhiều tầng, chú rể thay vì mặc bộ đồ truyền thống đã mặc com lê,  thắt cà vạt. Trong đám cưới người Dao ngày nay, các bạn trẻ cũng không còn hát các làn điệu páo dung, giao duyên… mà thay vào đó là nhạc trẻ, nhạc sàn…

Ngay cả những cuốn sách cổ của người Dao, một trong những kênh lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống bền vững nhất cũng đứng trước nguy cơ mai một. Các cuốn sách là nguồn sử liệu quý để gìn giữ các yếu tố bản sắc văn hóa của dân tộc Dao, thế nhưng, qua thời gian, nhiều cuốn đã hư hỏng. Một số ít gia đình là trưởng họ hay thầy mo, thầy cúng còn lưu giữ được. Số người biết chữ người Dao cũng ngày một ít, chính vì thế bản thân người Dao hiện nay không nhiều người ý thức được các giá trị của những cuốn sách này và để mất dần.

Việc tiếp thu và giao thoa các nét đẹp văn hóa giữa các dân tộc trong xu thế hiện nay là tất yếu, song nếu không có tầm nhìn xa hơn để định hướng việc tiếp thu có chọn lọc và giữ gìn bản sắc dân tộc mình thì nguy cơ mai một những nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Dao đã và đang hiện hữu.

Bốn vấn đề cốt lõi

Ông Triệu Bình, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội đánh giá: Ngày nay, những nghệ nhân, người am hiểu, cử hành được những nghi lễ trong đời sống văn hóa người Dao ngày càng ít đi. Một bộ phận lớp trẻ người Dao lại thờ ơ với văn hóa truyền thống, một phần không được truyền dạy một cách hệ thống nên dần dần bị mai một. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao đang đặt ra yêu cầu cấp bách cả về phương diện nghiên cứu lý luận lẫn thực tiễn.

Muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao cũng như các dân tộc thiểu số khác, cần chú trọng một số phương diện, như: Ngôn ngữ, tập tục và trang phục. Nếu như trang phục là yếu tố thể hiện bên ngoài, thì tập tục và ngôn ngữ chính là yếu tố kết nối cộng đồng. Về điều này, PGS, TS Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Có bốn vấn đề cốt lõi trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa người Dao. Đầu tiên phải là ngôn ngữ và hệ thống chữ viết; hai là trang phục truyền thống; ba là định hướng giới trẻ người Dao quan tâm hơn đến việc lựa chọn các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình; bốn là cần chú trọng đến sự liên kết, gắn bó giữa các thế hệ trong gia đình, dòng tộc và lớn hơn là cả cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của chính dân tộc mình.

Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cho rằng, đồng bào Dao có một cơ chế bảo tồn di sản văn hóa truyền thống khá bền chặt. Đó là mô hình vòng tròn đồng tâm bao gồm các yếu tố, thứ nhất là trưởng làng, thứ hai là các già làng, thầy cúng và thứ ba là người dân trong làng, bản. Bên cạnh đó là các chế tài bảo vệ di sản văn hóa truyền thống như dư luận làng, luật tục làng. Chính vì thế, muốn bảo tồn di sản văn hóa người Dao cần có các chính sách cụ thể hướng vào những cơ chế đặc thù của đồng bào Dao, phù hợp với thực tiễn đời sống đồng bào.

Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, sự giao thoa của văn hóa các dân tộc, muốn làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, trước hết cần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của chủ thể các giá trị văn hóa chính là đồng bào Dao, đặc biệt là những người trẻ. Bên cạnh đó, cần xây dựng các thiết chế, quy ước văn hóa từ gia đình đến thôn bản để vừa bảo tồn, vừa phát huy các yếu tố văn hóa tích cực của đồng bào Dao trong cuộc sống; Phát huy yếu tố tích cực của những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Dao để tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình; có các chính sách phát triển kinh tế xã hội, nâng cao trình độ dân trí gắn liền với bảo tồn các giá trị văn hóa tộc người. Có như vậy, việc gìn giữ và phát huy các yếu tố văn hóa của đồng bào Dao mới thực sự hiệu quả và bền vững./.

Đồng bào dân tộc Dao còn có các tên gọi khác là Mán, Đông, Trại, Dìu Miền…, có số dân đông thứ 9 trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, với hơn 751.000 người (năm 2009), cư trú ở 61/63 tỉnh, thành phố. Đồng bào Dao tập trung đông ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, như: Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ… Người Dao có ngôn ngữ và chữ viết riêng. Một số nét đặc sắc trong văn hóa người Dao như: Nghi lễ cấp sắc, lễ cưới, hát páo dung…

Minh Anh (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất