Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 14/11/2017 16:13'(GMT+7)

Quốc phục Việt Nam – Vấn đề cần quan tâm!

Thiếu nữ với trang phục áo dài truyền thống – Tranh sơn dầu Hoàng Hoa Mai

Thiếu nữ với trang phục áo dài truyền thống – Tranh sơn dầu Hoàng Hoa Mai

Cùng với sự vận động và phát triển về các quan hệ phong phú của xã hội, một lĩnh vực của văn hóa Việt không ngừng hoàn thiện đó là các trang phục truyền thống. Nói đến trang phục Việt thì phong phú lắm, mỗi dân tộc có trang phục riêng từ miền núi đến trung du, đồng bằng và cư dân biển. Với 54 dân tộc anh em cùng sống trên mảnh đất hình chữ S, họ đã tạo dựng nên nhiều màu sắc văn hóa trang phục khác nhau có hình dáng, hoa văn họa tiết và chất liệu cũng rất khác nhau.

Song trong bài viết này, chỉ đề cập đến một vấn đề trang phục mang tính phổ biến, được sử dụng, lưu hành trong nhân dân ở nhiều thập kỷ qua và được công chúng tôn vinh, gìn giữ, rộng khắp mà ngày nay nó còn nguyên giá trị như một di sản quốc phục Việt. Gần đây chúng ta cũng đã định hình được quốc hoa và tiếp đó nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra những ý kiến bàn về quốc phục. Ở nhiều nước trên thế giới, người ta đã có quốc phục như Pháp, Ấn Độ, Indonesia, các nước trong khối Ả Rập,… Nhiều nước đã phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Triều Tiên,… họ vẫn phải bảo lưu trang phục cổ truyền và sử dụng vào các ngày lễ hội truyền thống. Vì thế mà du khách gần xa trên thế giới, họ chỉ nhìn vào trang phục biết đó là người nước nào rồi.

Ở nước ta, là một nước đang phát triển, nhưng các nghi thức lễ hội truyền thống vật thể và phi vật thể vẫn phải giữ gìn, phát huy tác dụng, đó là sắc thái riêng có của người Việt, trong đó có trang phục. Vì thế, bài viết này chỉ đề cập đến trạng phục nam, nữ mang tính chung nhất của người Việt Nam đã sử dụng lâu đời và bền vững mang tính phổ biến của cộng đồng dân cư từ Bắc, Trung, Nam. Để bàn về vấn đề quốc phục, không thể không nói đến một nguyên lý triết học “Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”. Đúng vậy, phương thức sản xuất xã hội và nhất là nền văn hóa lúa nước, nó không những quy định mà còn tác động liên tục đến sản phẩm lao động của con người trong đó có văn hóa mặc. Trang phục là một sản phẩm văn hóa vừa có tính vật thể, vừa có tính phi vật thể do con người sáng tạo ra để phục vụ con người và nó phải thích ứng với cách thức lao động sản xuất mà trước hết nó bị tác động bởi cách thức thao tác sản xuất nông nghiệp cùng người Việt trong nhiều thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, những trang phục ấy có thuộc tính đơn giản mềm mại, thanh lịch dễ sử dụng và mang sắc thái thẩm mỹ cao. Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều về phương pháp luận như là “trang phục truyền thống”, “trang phục dân tộc” và có ý kiến mổ xẻ khái niệm về tà áo dài nữ, áo the, khăn xếp, tứ thân, hai vạt của nam giới để nói là chưa có đủ điều kiện để làm quốc phục. Cứ bàn cãi mãi như thế khó có lời kết và dẫn đến lập luận vô cùng mà không thấy địa chỉ của điểm đến nẳm ở đâu. Nếu chúng ta tạm thời loại bỏ tính cục bộ về không gian và thời gian mang tính cực đoan thì việc tìm quốc phục sẽ có kết quả tương đối sẽ được công chúng chấp nhận. 


Thiếu nữ bên hoa sen với trang phục áo dài truyền thống – Tranh sơn dầu Tô Ngọc Vân 

Quốc phục trước hết phải là sản phẩm trang phục cho con người sử dụng trong xã hội, được thể hiện mấy tiêu chí sau: i) Là trang phục được tuyển chọn làm quốc phục nó đã được phổ biến rộng rãi trên ba miền nam bắc Việt Nam và không giống về hình dáng, kiểu cách, chất liệu bất kỳ một nước nào trên thế giới. ii) Trang phục đó phải được nhân dân ta tôn vinh yêu quý sử dụng lâu đời và nhất là trong nghi thức lễ hội truyền thống từ trung ương đến địa phương, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. iii) Chất liệu để làm quốc phục phải là bằng chất liệu lụa tơ tằm truyền thống và có thể là chất liệu mới tương tự. iv) Trang phục truyền thống đó phải có kiểu dáng, cấu trúc mỹ thuật tạo hình hợp lý, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt, màu sắc trang nhã, họa tiết lịch sự văn minh và do nhân dân ta sáng tạo ra.

Nếu trang phục truyền thống mà bao hàm các yếu tố trên thì có thể tìm ra được “quốc phục”. Không thể hoàn mỹ vì mọi sự vật và hiện tượng đều phản ánh tính tương đối có khuyết, có ưu, có tính ít phổ biến và có tính phổ biến, ta có thể tìm được tính phổ biến để ứng dụng.

Vấn đề này được cụ thể như thế nào cho việc định hướng quốc phục nam và nữ đi vào cuộc sống, khi mà đã loại trừ những trang phục không tiêu biểu theo tiêu chí trên. Vì vậy chỉ còn áo the nam, áo dài nữ hiện nay xã hội ta đang sử dụng rộng rãi.

Như đã phân tích trên của các tiêu chí, nam giới có thể sử dụng áo the, chất liệu lụa truyền thống, màu đen hoặc thâm đen, xanh thẳm,… tùy theo người sử dụng mà có trang trí họa tiết, hoa văn cách điệu, hình tròn, hình vuông trong có chữ “Thọ”, “Tâm”, “Đức”,… Đối với nữ nên sử dụng áo dài truyền thống có nhiều màu khác nhau, tùy theo sở thích của người sử dụng, chất liệu tơ tằm hoặc chất liệu bền đẹp khác, có họa tiết hoa văn, nếu người sử dụng áo thích dùng loại hoa gì, kể cả bông lúa, chùm nho, hoa hồng, hoa cúc, hoa sen cách điệu, áo dài mang tính quốc phục, tránh hở hang phản cảm, phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Từ nguyên lý của triết học duy vật lịch sử nói trên, suy cho cùng cách thức sản xuất nông nghiệp Việt nó phản ánh sinh hoạt, lao động xã hội trong đó có trang phục của con người. Vì vậy về mặt cấu trúc tạo hình phục trang bao giờ cũng thích ứng với một nền văn hóa hình thái kinh tế chung mà ở Việt Nam là văn hóa lúa nước do đó cấu trúc hình dáng trang phục rất gọn nhẹ, đơn giản, mềm mại, thẩm mỹ thích hợp dễ sử dụng nhưng nghệ thuật tạo hình lại rất khoa học và mang sắc thái văn hóa Việt. Bằng những chất liệu lụa tơ tằm, bản thân nó đã vốn có hơi thở máu thịt của nền nông nghiệp Việt và được các nghệ nhân làng nghề khoác cho nó nhiều màu sắc dung dị, uyển chuyển. Với những màu trắng, ngà, màu vàng rơm hay là màu xanh, tím, đỏ, đen than,… khi con người đã tạo cho nó những tà áo, nam, nữ bay trong gió, âm thanh phát ra rất thanh nhã, thướt tha nhẹ nhàng như những làn gió nhẹ lướt qua cánh đồng lúa. Cách thức tạo hình của chiếc áo dài cho nữ, áo the cho nam, không những thể hiện những săc thái riêng cho con người mà còn  riêng của văn hóa trang phục Việt. Ở nước ta có nhiều dân tộc anh em sinh sống và mỗi dân tộc đều có riêng trang phục truyền thống của mình nên việc lựa chọn trang phục có ý nghĩa tiêu biểu để làm quốc phục là rất cần thiết. Có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu xã hội, sử học, văn hóa, mỹ thuật, âm nhạc dân tộc học và cả những nhà tạo mẫu quần áo đều đưa ra những khái niệm không đồng nhất về trang phục lễ hội, trang phục dân tộc, trang phục truyền thống và họ cho rằng hiện nay chưa có loại trang phục nào tiêu biểu để chọn làm quốc phục. Lại có ý kiến có thể tạo ra một trang phục mới trên cơ sở trang phục truyền thống để làm quốc phục song đó là không thể, nếu vậy thì phải qua hằng nhiều thập kỷ trải nghiệm, tuy vậy chưa chắc là chọn được quốc phục.

Nhiều ý kiến còn gay gắt hơn, quá sớm để chọn ra trang phục nào dùng làm quốc phục khi mà chúng ta đang tiếp cận một cách sâu rộng đa phương hóa của thời kỳ hội nhập quốc tế. Thế nhưng, lạ kỳ thay có nhiều người làm khoa học xã hội, khi nói đến lịch sử Việt Nam thì họ đều nói rất say sưa nào là địa linh nhân kiệt, nào là ngàn năm văn vật văn hiến, song bàn đến văn hóa mặc, văn vật trang phục lại không chấp nhận cái nào làm quốc phục.

 
Trang phục truyền thống với áo the, khăn xếp cho nam và áo dài cho nữ - Ảnh tư liệu

Trong thực tế áo dài nữ Việt Nam hoàn toàn không đồng dạng với áo dài nữ của các nước như Trung Hoa, Ấn Độ và một số nước trên thế giới là ở chỗ, từ cổ áo, nách áo, kích thước, cúc áo, thân áo, chất liệu vải,… đều khác hẳn các nước kể cả áo the của nam giới. Sự khác nhau ấy của trang phục Việt với các nước cũng là một căn cứ so sánh để chọn làm quốc phục xét về mặt mỹ thuật tạo hình, không những đẹp, cân đối phù hợp với cách thức sinh hoạt cá nhân mà còn phù hợp với sinh hoạt trong cộng đồng. Sự thật là tà áo dài nữ, áo the nam giới cũng đã trải nghiệm nghi thức giao tiếp đối với khách nước ngoài, đại lễ truyền thống tâm linh hướng thiện đó thôi! Người Việt bất cứ ở đâu trong hay ngoài nước, đất khách quê người, họ vẫn mặc bộ quần áo ấy trong ngày hội và trong tâm thức sâu thẳm đó là niềm tự hào văn hóa mặc truyền thống Việt Nam.

Trong thực tế những ngày lễ hội, kể cả tập thể, cộng đồng, dòng họ, gia đình, tiệc cưới,… người ta thường thấy nữ mặc bộ quần áo dài, đầu đội mũ tân thời, chân đi guốc, nam giới mặc áo the, quần trắng, đầu đội khăn xếp, chân đi giày,… hình thức này đã đi vào nghi thức lâu lắm rồi cho đến ngày nay như một di sản văn hóa truyền thống Việt không thể thiếu được!

Để tìm một mẫu hình, một biểu tượng, biểu trưng rồi thỏa mãn cho nhiều người, nhiều tầng lớp thật là khó vì như quốc hoa ta mới chọn, đâu có đạt được tính bao trùm về đặc trưng riêng có ở Việt Nam.

Ở nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, họ có nhiều hoa sen và trong số đó nhiều nước cũng đã sử dụng hoa sen để làm biểu tượng riêng cho chính đất nước họ. Vì thế chúng ta không chọn quá đơn giản nhưng cũng không cầu toàn để chọn một trang phục truyền thống làm quốc phục. Mỗi một sự vật hay một hiện tượng (vật thể và phi vật thể) để chọn làm biểu tượng, biểu trưng cho quốc gia đều có ưu và có khiếm khuyết song trong đó yếu tố nào là chủ đạo, bao trùm, phổ biến, lâu bền, nhân văn được con người trong xã hội quý trọng và tôn vinh thì có thể bảo tồn sử dụng một cách tự giác tích cực. Chỉ nói về áo dài nữ Việt Nam, người ta cảm nhận được cấu trúc tạo hình không ở nơi nào có được kể cả các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản,… Mỗi khi thiếu nữ mặc chiếc áo dài lại tăng thêm sức hấp dẫn đến lạ kỳ. Những đường cong, đường lượn của nếp may cộng với màu sắc rực rỡ, êm dịu đã tạo thêm giá trị thẩm mỹ duyên dáng của người thiếu nữ trong ngày hội, ngày vui của dòng họ, gia đình. Cách tạo hình cổ áo dài nữ giống như cánh hoa hồng cách điệu gắn liền với bộ ngực mà tà áo dài góp phần trang nhã hài hòa trong tổng thể cấu trúc nghệ thuật của người thiếu nữ Việt Nam. Và vì vậy trong các tác phẩm mỹ thuật thiếu nữ của Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị,… đã phản ánh một cách rất sinh động, thẩm mỹ của thiếu nữ trong bộ áo dài truyền thống.

Mấy thập kỷ nay, nhà nước đã cho phép tổ chức nhiều cuộc hội thảo bàn về quốc phục nhưng chưa có tiếng nói chung và cũng chưa có hồi kết, còn bỏ ngỏ theo năm tháng. Vấn đề mà công chúng đặt ra là nhiều nước trên thế giới họ đã có quốc phục sao một nước như Việt Nam ta đã có bề dày lịch sử hằng nhiều thiên niên kỷ, một nước được gọi là văn vật, văn hiến mà sao không chọn ra được quốc phục để trình làng với thiên hạ?

Khi đã chọn được quốc phục, cũng không có nghĩa là dùng nó thường ngày mà tùy theo tình hình cụ thể để ứng dụng cho hợp lý. Trang phục ấy phải vừa có tính tiên tiến, cách tân, đổi mới nhưng cơ bản vẫn giữ được tính truyền thống trang phục Việt được nhân dân ta đang dùng, coi đó là một di sản văn hóa vừa đậm nét văn hóa vật thể và vừa phi vật thể mà xã hội ta trân trọng, tôn vinh sử dụng từ lâu đời nay.

Họa sĩ  Hoàng Hoa Mai
Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất