Thứ Năm, 28/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Bảy, 20/12/2014 9:56'(GMT+7)

Bà Rịa-Vũng Tàu: Bệnh sốt xuất huyết giảm mạnh, bệnh tay chân miệng tăng cao

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên toàn tỉnh là hơn 2.070 ca, trong đó thành phố Vũng Tàu vẫn là địa phương có số người mắc nhiều nhất với gần 1.200 ca, chiếm 77% số ca mắc toàn tỉnh. Bệnh tay chân miệng, với hơn 4.300 ca, ngành y tế tỉnh cũng đã giám sát và xử lý 192 ổ dịch. Thành phố Vũng Tàu có số ca mắc tay chân miệng cao với gần 2.900 ca.

Theo nhận định của ngành y tế tỉnh, phần lớn các ổ dịch tay chân miệng tập trung ở các phường có số lượng dân nhập cư đông, không ổn định như phường 5, 6, 10, 11, 12, Rạch Dừa (thành phố Vũng Tàu). Hiện nay, thành phố Vũng Tàu cũng là địa phương có tuyp vi-rút EV71 lưu hành - đây là tuyp vi-rút tay chân miệng có mức độ lây lan nhanh và mạnh gây nên sự bùng phát nhanh chóng của các ổ dịch.

Năm 2014, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng. Đối với sốt xuất huyết, ngành đã khống chế, giảm số ca mắc. Bên cạnh việc tổ chức các chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng, ngành y tế tập trung tìm giải pháp xử lý triệt để lăng quăng muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết trong hệ thống thoát nước có lắp đặt hố ga ngăn mùi tại khu vực đô thị trong tỉnh như đổ hóa chất, dẫn nước biển vào các hố ga ngăn mùi nhằm diệt lăng quăng…Ngành y tế tỉnh cũng đã tăng cường giám sát, xử lý ổ dịch tại cộng đồng, bảo đảm đầy đủ vật tư, hóa chất khử trùng, diệt muỗi, trang bị bảo hộ cá nhân, máy phun…

Đối với bệnh tay chân miệng, trước tình hình số ca mắc tăng cao, Sở Y tế yêu cầu đơn vị y tế tại các phường, xã, thị trấn cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục - đào tạo và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh tại các trường học, nhất là các trường mầm non. Tất cả các trường công lập, dân lập, nhà trẻ cần được theo dõi chặt chẽ, giám sát hướng dẫn để khống chế không cho bệnh lan rộng; vận động toàn dân thường xuyên rửa tay cho trẻ và người chăm sóc, khử khuẩn tại gia đình. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tỉnh cần chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong do bệnh tay chân miệng./.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất