Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Ba, 16/12/2014 21:14'(GMT+7)

Tham vấn và chia sẻ kinh nghiệm về tự chủ bệnh viện

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngày 16/12, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo tham vấn về tự chủ bệnh viện. 

Đây là cơ hội để các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện tự chủ bệnh viện, cung ứng dịch vụ, chất lượng, công bằng bệnh viện, quản trị và giám sát quản lý bệnh viện.

Các tham luận tại Hội thảo cho biết, từ năm 1989 trở về trước, khi Việt Nam chưa thực hiện đổi mới, Nhà nước cung cấp hầu như toàn bộ tài chính cho hoạt động của các bệnh viện công; người dân được cung cấp các dịch vụ y tế, được khám chữa bệnh, cấp thuốc không phải trả tiền. 

Bệnh viện được ngân sách nhà nước cấp kinh phí, vật tư, chi tiêu theo chế độ do nhà nước quy định, nếu chi không hết phải nộp lại ngân sách Nhà nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, do kinh tế xã hội phát triển, thu nhập tăng và có sự phân tầng trong thu nhập, Nhà nước không thể bao cấp toàn bộ chi phí như trước đây nên Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã cho phép các bệnh viện công được thu một phần viện phí.

Từ đó nguồn tài chính cho hoạt động của các cơ sở y tế công đã có sự thay đổi cơ bản từ chỗ chỉ có nguồn ngân sách nhà nước đến nay ngoài ngân sách, các bệnh viện công còn được thu phí, lệ phí, được tổ chức các hoạt động dịch vụ để có kinh phí bảo đảm cho các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Hoạt động của các bệnh viện chuyển từ việc thực hiện các nhiệm vụ nhà nước giao đến nay phải chủ động cung ứng các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội để tồn tại và phát triển. 

Chính vì vậy, yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của các bệnh viện công để phù hợp với tình hình thực tế là hết sức cần thiết. 

Thực hiện chương trình cải cách hành chính công nói chung, cải cách tài chính công nói riêng, tháng 4/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên, sau gần 8 năm thực hiện, 76 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã được giao tự chủ theo Nghị định 43; trong đó có 14,7% số đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên; 80% tự đảm bảo một phần chi phí và 6,7% do ngân sách đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên. 

Riêng đối với 39 bệnh viện thuộc Bộ Y tế thì có 8 đơn vị tự bảo đảm chi phí, 26 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên và 5 đơn vị vẫn do ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên. 

Sau thời gian triển khai Nghị định 43, bộ mặt nhiều bệnh viện công lập đã có thay đổi đáng kể. 

Nhờ có quyền tự chủ, các bệnh viện có điều kiện thực hiện cơ cấu lại bộ máy, định hướng phát triển nguồn nhân lực và nhất là huy động vốn, mua sắm trang thiết bị hiện đại; có cơ chế đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho người dân được khám chữa bệnh bằng kỹ thuật cao; đồng thời thu nhập của cán bộ y tế cũng tăng lên, tạo tâm lý ổn định và hài lòng đối với cán bộ y tế... 

Tuy nhiên việc triển khai Nghị định 43 cũng đặt ra một số hạn chế cần khắc phục như: Các bệnh viện thực hiện tự chủ đã "hút" người bệnh ra khỏi hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, khuyến khích người bệnh bỏ qua việc điều trị ở tuyến dưới; đồng thời cũng có hiện tượng tuy không phổ biến là lạm dụng chỉ định sử dụng xét nghiệm, trang thiết bị kỹ thuật cao gây tốn kém cho người bệnh...

Tại Hội thảo, đại diện Khoa Chính sách và Quản lý y tế, Trường Đại học Keio (Nhật Bản) cho biết, qua việc triển khai tự chủ và trách nhiệm của các bệnh viện ở Nhật cho thấy bài học tiên quyết cho các quốc gia có thu nhập trung bình thấp là cần có sự bình đẳng giữa khu vực công và tư; trả số tiền tương tự cho dịch vụ tương tự trong cả khu vực công và tư qua biểu phí; cần quy định chặt chẽ thanh toán thêm và cấm thanh toán các khoản mục không nằm trong biểu phí; sử dụng các bác sỹ, các nhà quản lý có trình độ cao...

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề phát triển bệnh viện tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm tự chủ của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản trong hiện tự chủ bệnh viện./.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất