Thứ Bảy, 23/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Chủ Nhật, 7/6/2015 11:38'(GMT+7)

Bà Rịa-Vũng Tàu: Phòng chống đuối nước trẻ em cần sự quan tâm của các cấp, các ngành

Cách đây gần nửa tháng, người dân trên địa bàn khu phố Tân Ngọc, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến thi thể 4 cháu bé tử vong do đuối nước ven bờ rạch suối Sao đổ ra sông Thị Vải. Đó là các em: Huỳnh Tiểu Vy (sinh năm 2001), Võ Thị Bé Trang (sinh năm 2007), Huỳnh Anh Đông và Vũ Nguyễn Hồng Ân (cùng sinh năm 2005).

 Cũng một vụ việc đau lòng khác xảy ra vào ngày 24/4, một nhóm học sinh chơi tại một hố nước do Công ty Ba Son khai thác cát tạo nên; trong đó, hai em là Trần Thị Kiều Trinh và Phạm Thị Hoài Vân cùng sinh năm 2003, ngụ thôn Láng Cát, xã Tân Hải, huyện Tân Thành bị trượt chân xuống hố, gây tử vong do đuối nước.

Đây chỉ là hai trong số 5 vụ trẻ em bị đuối nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra từ đầu năm tới nay. Mặc dù vậy, nhiều gia đình vẫn thờ ơ với việc phòng, chống đuối nước cho trẻ. Các khu vực xảy ra các vụ tai nạn đuối nước kể trên như rạch suối Sao và các hố sâu do khai thác cát tạo nên đều không có biển báo nguy hiểm, không có người quản lý.

Theo người dân, hiện trên địa bàn huyện Tân Thành và nhiều địa phương trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có rất ít bãi tắm đạt chuẩn. Bởi vậy, chỗ nào có hồ, hố, rạch sông, suối, trẻ em thường rủ nhau đi tắm, bắt cá mỗi dịp hè đến; trong đó, nhiều trẻ không biết bơi và phần lớn là do các em nhỏ chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng bơi, ứng cứu người gặp nạn... Cùng với đó, những trường hợp bị đuối nước xảy ra, đa phần gia đình không biết các em đi chơi hoặc đi tắm ở sông, suối, dẫn đến nguy cơ tai nạn đuối nước xảy ra cao.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 52 em tử vong do đuối nước; trong đó 70-80% các em bị đuối nước do trượt chân xuống hố sâu hoặc đi tắm ở các nơi là bãi tắm tự phát.

 

 Ông Lê Đức Trí, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Hiện phòng cũng đã phối hợp với một số đơn vị như Sở Giáo dục và Đào tạo mở các lớp dạy bơi dành cho các em, cũng như tập huấn nhiều lớp phòng chống đuối nước cho cán bộ, cộng tác viên. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là ý thức từ các em và sự giáo dục, quản lý của các bậc phụ huynh.

Những năm qua, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ, trong đó có đuối nước đã được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quan tâm. Cụ thể, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí mở các lớp dạy bơi, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cho trẻ em tại các trường học trên địa bàn tỉnh, góp phần đáng kể trong rèn luyện kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ. Không chỉ tỉnh đầu tư kinh phí, mà các địa phương, các sở, ngành cũng đã có sự quan tâm, vào cuộc trong hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Hằng năm, vào dịp đầu mùa hè, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền phòng, chống đuối nước trên hệ thống báo, đài truyền thanh - truyền hình của địa phương và hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, với những nơi có bể bơi như các trung tâm của huyện, thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, Đoàn Thanh niên vận động xã hội hóa tổ chức dạy bơi cho trẻ. Với địa phương không có bể bơi, Đoàn Thanh niên tiến hành khảo sát tìm địa điểm an toàn để tổ chức dạy trẻ tập bơi. Năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 1.044 trẻ được dạy bơi; 287 lớp tập huấn cho các cán bộ, cộng tác viên.

Tuy vậy, với địa hình lắm suối, sông, hồ sâu và bãi biển trải dài như Bà Rịa-Vũng Tàu, các hoạt động kể trên chưa đủ mạnh để trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho trẻ em và người dân về phòng, chống đuối nước. Cùng với đó, số lượng lớp dạy bơi được tổ chức hằng năm còn ít, chưa thể đáp ứng nhu cầu học bơi của trẻ. Bên cạnh đó, mỗi lớp học bơi kéo dài trong vòng 15-20 ngày, cũng chỉ giúp trẻ chập chững biết bơi, trong khi đó, thực tế có những trường hợp bơi thành thạo vẫn có thể bị đuối nước nếu không nắm được các kỹ năng khác, như: cách thở; cách cứu người đang bị đuối nước; cách nhận biết, tránh vùng nước, vùng sóng nguy hiểm; cách thoát khỏi hố sâu…

Thiết nghĩ, để phòng, chống đuối nước cho trẻ hiệu quả, cần phải có chương trình giáo dục, rèn luyện kỹ năng thường xuyên; trong đó, cách tốt nhất là đưa việc dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước vào hệ thống trường học. Nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay, chỉ có một vài trường tổ chức dạy bơi cho trẻ. Việc dạy bơi cho trẻ nếu tiến hành được ở hệ thống bể bơi cho trẻ là đảm bảo an toàn nhất, nhưng nhiều địa phương chưa có bể bơi để thực hiện điều này. Do vậy, vấn đề phòng, chống đuối nước cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành cả về nhân lực và vật lực./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất