Thứ Bảy, 23/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Tư, 27/5/2015 20:58'(GMT+7)

Việt Nam cần chuyển hướng tiếp cận trong chính sách dân số

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Thông tin trên là những nội dung được tập trung thảo luận tại Hội thảo “Tình hình dân số và phát triển bền vững ở Việt Nam - nhìn từ kinh nghiệm quốc tế” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/5.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Bạch Dương, Trợ lý Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang trải qua giai đoạn đặc biệt và duy nhất trong lịch sử với tỷ lệ dân số trẻ đông, tỷ lệ người cao tuổi cao. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp để Việt Nam có thể giải quyết được những thách thức và tận dụng các cơ hội này để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo sức mạnh tổng thể để phát triển đất nước.

Theo ông Lê Bạch Dương, Việt Nam có mức sinh giảm liên tục và duy trì bền vững với trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam có 2,1 con nhưng hiện tuổi thọ lại tăng, dẫn đến không bao lâu nữa dân số Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Mặc dù độ tuổi từ 15-24 chiếm gần 40% cả nước, cao nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam nhưng cần tận dụng triệt để lực lượng lao động này thông qua việc đầu tư về sức khỏe, giáo dục và hướng nghiệp phù hợp với sự phát triển của đất nước. Ông Lê Bạch Dương nhấn mạnh, nếu không giải quyết được vấn đề này thì từ dân số vàng sẽ dần chuyển sang dân số già, gây áp lực nặng nề cho quốc gia.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, hiện một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... có những xu hướng tương đồng với Việt Nam như mức sinh và mức chết giảm; tăng trưởng dân số giảm dần; xu hướng biến đổi cơ cấu tuổi, tỷ lệ người cao tuổi tăng, tăng tỷ lệ phụ thuộc và số người trong lực lượng lao động suy giảm.

Riêng Hàn Quốc đã có những chính sách tăng tỷ lệ sinh nhưng lại khá muộn so với diễn biến thực tế của nước này. Do vậy, năm 2013 mức sinh tại Hàn Quốc chỉ đạt 1,2 con/phụ nữ gây ra nhiều thiệt hại, trong đó có giảm khoảng 3,5-4,5% ngân sách quốc gia hàng năm kèm theo nhiều hệ lụy khác.

Các chuyên gia Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết Việt Nam cần chuyển hướng tiếp cận trong chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản, ngăn ngừa kịp thời những thay đổi bất thường trong mô hình hôn nhân và nuôi con.

Ông Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), cho biết để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần có một quy mô dân số, cơ cấu dân số phù hợp. Vì vậy, vấn đề truyền thông giáo dục về dân số và kế hoạch hóa gia đình là rất cần thiết, cần có những buổi tập huấn, hội thảo phù hợp nhằm thúc đẩy công tác dân số, sức khỏe sinh sản phát triển bền vững hơn, góp phần phát triển đất nước./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất