Thời thị trường, thời của xã hội dịch vụ, mọi nhu cầu của trẻ em được mời chào, đáp ứng có vẻ dồi dào, tiện lợi. Nhưng thực tế chẳng phải nơi nào, dịch vụ nào cũng tiện, cũng lợi, cũng ngon lành, chắc chắn như mọi lời mời đảm bảo.
Nửa cuối tháng Năm, còn một, hai tuần học, kiểm tra và tổng kết cuối năm học nhưng những tờ rơi quảng cáo đủ các thứ dịch vụ vui chơi, tham quan, học tập hè đã tới tấp ấn vào tay từng em học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở. Những tờ rơi còn được bỏ vào giỏ xe máy khi tạm dừng ở ngã tư, ngã ba, được nhét qua khe cửa mỗi nhà… Thời thị trường, thời của xã hội dịch vụ, mọi nhu cầu của trẻ em được mời chào, đáp ứng có vẻ dồi dào, tiện lợi. Nhưng thực tế chẳng phải nơi nào, dịch vụ nào cũng tiện, cũng lợi, cũng ngon lành, chắc chắn như mọi lời mời đảm bảo.
Chọn lựa trong hàng chục “trung tâm”, “điểm đến” hè học tập kỹ năng và vui chơi cho thiếu nhi, tôi đi cùng đám con cháu đến một trung tâm gần nhà. Hóa ra đó chỉ là hai phòng chung cư chật hẹp, có máy lạnh hẳn hoi đấy nhưng chỉ lỏng chỏng mấy bộ bàn ghế, trên tường chi chít những bức ảnh, chương trình vui chơi, tham quan đây đó với chi phí cao hơn hẳn so với các tour du lịch.
Đến một câu lạc bộ khác theo giới thiệu là dạy tiếng Anh, dạy đàn và múa nhưng tìm hiểu rõ ra mới biết các cô giáo tiếng Anh vốn là cô giáo trong biên chế một trường tiểu học và một vài chị sinh viên, tất cả đều chưa thạo tiếng Anh. Còn đàn và máy vi tính, một dãy hơn chục chiếc đàn oóc-gan mà chỉ một người dạy, cả chục chiếc máy vi tính đều đã cũ xếp dày sin sít như một quán nét ế ẩm…
Chất lượng dạy và trang bị để dạy không tương xứng với quảng cáo đã đành mà còn đặc biệt tốn kém. Phần lớn những đứa trẻ được gia đình bỏ ra từ 1 đến 2 triệu đồng để học bơi mà mất cả tháng vẫn không thể nổi người, ngẩng đầu được lên trên mặt nước. Vài triệu tiền học mà tiếng Anh vẫn không nhích được hơn vài câu chào, vài bài hát, đàn thì chủ yếu dạy truyền tay đánh mấy bài đơn giản… Đã vậy, các cháu đến những nơi này ham chơi hơn ham học, túm tụm đánh bài, chơi trò chơi trên máy, rủ nhau và rủ cả cô giáo đi ăn kem, ăn chè.
Tất nhiên, ở Hà Nội cũng như nhiều thành phố, thị xã cũng có nhiều trung tâm tổ chức dạy dỗ, kèm cặp, tổ chức tham quan, trại hè tử tế, có hiệu quả thực sự nhưng học phí, chi phí thì quá khác biệt, gấp 5, gấp 10 những cơ sở dịch vụ hè “bình dân”. Đó là lý do rất ít gia đình có tiền lo cho con cháu vào các trung tâm này. Các cháu nghỉ hè ai trông mà tiền không thể lo nổi, các điểm dịch vụ hè cho trẻ em dạng bình dân ra đời và tồn tại vì thế.
Tiếc là nhiều năm gần đây phong trào đoàn viên thanh niên phụ trách, tổ chức cho thiếu nhi sinh hoạt hè ở các đô thị đã đi xuống, có nhiều nơi mất hẳn. Việc sinh hoạt hè ở các khu phố hầu như nhường phần cho các ông bà về hưu. Mong các ông bà đã già yếu, quản được các cháu là điều hơi xa vời, huống chi các cụ lại không thể dạy hát múa, ngoại ngữ, hội họa và các kỹ năng mới. Thế nên ở tổ dân phố, ở phường thường chỉ thấy có được một buổi phát phần thưởng của quỹ khuyến học cho học sinh giỏi vào ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 đầu kỳ nghỉ hè và một buổi liên hoan trung thu trông trăng… trong phòng họp.
Hè năm nay mọi chuyện có khá hơn? Thấy những ngày sách, hội sách, đường sách mà mừng, thấy những nhóm thanh niên, sinh viên tình nguyện đến với các thôn làng vùng sâu mà hy vọng. Mong chi các khu phố cũng được các anh, các chị quan tâm, mong mọi thứ dịch vụ hè được nâng cấp, giá phải chăng, đừng chụp giật, ăn đong./.
Nguyễn Mạnh (QĐND)