Trong ngày thứ năm của chiến dịch đóng cửa Bangkok đã xảy ra nhiều vụ nổ
tại các điểm của người biểu tình, trong khi Phong trào biểu tình chia
thành nhóm nhỏ tuần hành trên các đường phố nhằm kêu gọi thêm sự ủng hộ.
Đoàn biểu tình do ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu đã bị một trái bom tự
tạo ném vào khiến hàng chục người bị thương. Tuy nhiên, ông Suthep không
hề hấn gì trong vụ này. Đây là lần đầu tiên xảy ra vụ tấn công trực
diện vào thủ lĩnh biểu tình.
Vụ việc xảy ra khi đoàn người ủng hộ xếp thành hai hàng dài để đón ông
Suthep đi qua. Quả bom phát nổ được ném ra từ một ngôi nhà hoang bên
cạnh và cách vị trí của ông Suthep khoảng 50m. Cảnh sát đã xuất hiện
ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhưng không được phép vào hiện trường mà
phải đợi tới khi có sự xuất hiện của quân đội.
Trước đó, truyền thông Thái Lan đưa tin những người biểu tình chống
chính phủ tại khu tổ hợp cơ quan chính phủ ở phía Bắc Bangkok đã bị
khoảng 200 người áo đỏ tấn công.
Cảnh sát cũng đã được điều động tới khu vực này. Tuy nhiên, một nhân
viên bảo vệ an ninh ở điểm biểu tình này đã cho phóng viên biết khu vực
này vẫn an toàn. Những người áo đỏ chỉ xuất hiện để xem xét tình hình và
đã rút lui.
Một nhóm biểu tình thuộc Mạng lưới sinh viên và nhân dân vì cải cách
Thái Lan đã tấn công Ngân hàng xuất nhập khẩu Thái Lan và Ngân hàng phát
triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, buộc các nhân viên phải nghỉ làm giữa
chừng. Cho tới nay, chiến dịch đóng cửa Bangkok đã khiến gần 150 chi
nhánh của các ngân hàng thương mại tại Bangkok phải đóng cửa.
Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về
những vụ tấn công xảy ra mặc dù các binh sĩ Thái Lan đã được triển khai ở
một số điểm biểu tình để phối hợp với cảnh sát nhằm bảo đảm an ninh. Bộ
Quốc phòng Thái Lan đã có lệnh cấm binh sĩ mặc quân phục tham gia biểu
tình và phải giữ lập trường trung lập.
Phó Thủ tướng phục trách an ninh Pracha Promnok cũng đã lên tiếng nhắc
nhở các công chức viên chức không nên tham gia biểu tình hoặc trợ giúp
người biểu tình bởi những hành động này là vi phạm luật pháp và có thể
bị mang ra xét xử. Thủ lĩnh biểu tình Suthep và hàng chục nhân vật khác
đã bị buộc tội nổi loạn và nếu công chức, viên chức tham gia các cuộc
biểu tình do ông ta khởi xướng cũng sẽ bị buộc tội như vậy.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã tổ chức một cuộc họp báo với phóng viên
nước ngoài, trong đó bà nói rằng cách dễ nhất để hạ bệ bà là thông qua
lá phiếu bầu cử bởi các giải pháp vi hiến đều không thể giải quyết được
vấn đề. Phong trào biểu tình vẫn liên tục kêu gọi bà Yingluck từ chức để
mở đường cho việc thành lập Hội đồng nhân dân nhằm cải cách đất nước.
Bà Yingluck giải thích rằng bà đã trao lại quyền lực cho người dân bằng
cách giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử. Hiện bà đang thực hiện đúng
theo quy định của hiến pháp là một thủ tướng tạm quyền cho tới khi có
được một chính quyền mới.
Bà Thủ tướng kêu gọi các bên cần ngồi lại với nhau để tìm ra cách giải
quyết vì đề xuất của người biểu tình là không thể thực hiện được theo
hiến pháp. Một cuộc đảo chính nếu diễn ra cũng không giải quyết được vấn
đề hiện nay.
Kết quả một cuộc thăm dò gần 2.000 người ở Bangkok cho thấy, chỉ có gần
20% tiết lộ từng tham gia các cuộc biểu tình đóng cửa Bangkok, trong khi
hơn 80% số còn lại khẳng định chưa từng ủng hộ phong trào phản đối
Chính phủ của ông Suthep.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan dường như vẫn chưa tìm ra được
cách giải quyết khi cả hai phía luôn muốn bảo vệ quan điểm của mình.
Đảng Dân chủ đã kêu gọi Thủ tướng Yingluck từ chức để chịu trách nhiệm
vì có liên quan tới chương trình trợ giá gạo. Tuy nhiên, đáp lại lời kêu
gọi này, bà Yingluck đã khẳng định rằng cuộc bầu cử ngày 2/2/2014 là
giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Thái Lan./.
(Vietnam+)