Những năm qua, việc “dồn điền, đổi thửa” ở Bắc Giang đã có một số kết quả bước đầu, góp phần tạo điều kiện chuyển đổi mô hình canh tác, phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, xây dựng nông thôn mới. Để đẩy mạnh hơn nữa việc”dồn điền, đổi thửa”, tỉnh Bắc Giang đã xác định phương hướng, mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2016 thực hiện “dồn điền, đổi thửa” đạt từ 6.000ha đến 8.000ha và đến năm 2020 đạt từ 15.000ha đến 20.000ha ở những địa bàn có điều kiện thuận lợi. Mỗi huyện, thành phố xây dựng được từ 3- 5 điểm sản xuất tập trung theo mô hình “cánh đồng mẫu”. Việc “dồn điền, đổi thửa”, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung phải bảo đảm tạo sự phát triển kinh tế và bảo đảm ổn định Chính trị- xã hội, an ninh trật tự; tổ chức thực hiện phải công khai, dân chủ, mimh bạch, bảo đảm hài hòa các lợi ích.
Trong quá trình thực hiện việc”dồn điền, đổi thửa” phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật đất đai và các văn bản pháp luật hiện hành. Có các chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được người sản xuất trực tiếp nông nghiệp sử dụng có hiệu quả cao nhất, đồng thời gắn việc “dồn điền, đổi thửa” đất sản xuất nông nghiệp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch lại đồng ruộng, giao thông, thủy lợi, nội đồng, tạo thuận lợi cho việc xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng thu nhập cao, dưa cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Ngay sau khi thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, tiến hành đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Lấy thôn, xóm, bản là địa bàn triển khai thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, tỉnh đã có phương án bù trừ diện tích tính theo hệ số ở các vị trí xa, gần, tốt, xấu để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên và phương án chỉ được triển khai khi các hộ gia đình, cá nhân đã thảo luận dân chủ, công khai, tự nguyện. Các thắc mắc, kiến nghị, khiếu nại của hộ gia đình, cá nhân được xem xét, giải quyết kịp thời, tạo đồng thuận trong tổ chức thực hiện. MTTQ, Hội nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh các cấp chủ động tham gia ý kiến với cấp ủy, chính quyền và tích cực vận động đoàn viên, hội viên của tổ chức mình tham gia thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, tổ chức các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.
Để hoàn thành mục tiêu “dồn điền đổi thửa” đã đề ra đến năm 2016 và đến năm 2020, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo mỗi huyện, thành phố lựa chọn từ 1 đến 2 xã làm điểm”dồn điền, đổi thửa”; mỗi xã lựa chọn một số thôn làm trước, sau đó rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng...
Thái Hòa