Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 17/11/2013 9:23'(GMT+7)

NHNN xử phạt 201 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, cá nhân

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Trong năm 2012 và 9 tháng năm 2013, NHNN đã tiến hành 2.166 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trên cơ sở những sai phạm được phát hiện, NHNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 201 TCTD, doanh nghiệp, cá nhân, tổng số tiền xử phạt là 6.265,5 triệu đồng. Đồng thời đã đưa ra khoảng 14.000 kiến nghị, yêu cầu TCTD khắc phục tồn tại, sai phạm, tập trung vào các lĩnh vực: quản trị, điều hành, kiểm toán nội bộ; hạch toán kế toán; hoạt động tín dụng, bảo lãnh, thu chi tài chính; an toàn kho quỹ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, hoạt động cho vay đầu tư góp vốn, cho vay hỗ trợ lãi suất, về an toàn hoạt động của TCTD; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trần lãi suất huy động, quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng...

Nhiều vụ việc nổi cộm, vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở các TCTD được NHNN phát hiện và chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Do đặc thù và tính nhạy cảm của hoạt động ngân hàng, trong quá trình xử lý NHNN lấy việc bảo đảm sự an toàn, ổn định của từng TCTD và toàn bộ hệ thống các TCTD làm mục tiêu ưu tiên, đồng thời bảo đảm đối tượng vi phạm, người gây ra tổn thất kinh tế cho TCTD phải có trách nhiệm bù đắp những tổn thất cho TCTD để bảo vệ tiền gửi của nhân dân và tài sản của Nhà nước. Về nguyên tắc, các hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, NHNN đã tập trung xử lý kiên quyết các vi phạm pháp luật, rủi ro, yếu kém gắn với việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, cụ thể: Áp dụng các biện pháp giám sát đặc biệt đối với ngân hàng; bắt buộc ngân hàng phải khắc phục, chấn chỉnh những sai phạm, rủi ro, yếu kém đã được nêu trong kết luận thanh tra. Một trong những nguyên tắc xử lý ngân hàng yếu kém là người trực tiếp gây ra và các cổ đông lớn gây tổn thất cho ngân hàng phải có trách nhiệm bù đắp tổn thất cho ngân hàng để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, tài sản của Nhà nước và nhà đầu tư, thậm chí phải mang tài sản cá nhân vào ngân hàng để thực hiện nghĩa vụ dân sự; Yêu cầu các ngân hàng xây dựng phương án cơ cấu lại phù hợp với quy định của pháp luật, Quyết định số 254/QĐ-TTg và phải khắc phục được những sai phạm, rủi ro, yếu kém của ngân hàng được NHNN phát hiện qua thanh tra, giám sát.

Thống đốc cho rằng, với sự đổi mới về phương thức tổ chức và chỉ đạo thực hiện, công tác thanh tra, giám sát đã mang lại sự cải thiện rõ rệt về chất lượng và hiệu quả góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, từng bước lập lại kỷ cương trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đồng thời hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại các TCTD. Những phát hiện và kiến nghị của Thanh tra, giám sát ngân hàng góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện các quy định, chính sách quản lý đối với lĩnh vực ngân hàng./.

Theo VOVnews


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất