Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 18/11/2013 15:26'(GMT+7)

Tăng cường nhận thức về quản lý trong khắc phục nợ xấu

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Ngày 18/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Báo Lao động tổ chức Hội thảo “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014-2015”.

Đây là diễn đàn trao đổi của các chuyên gia, quan chức ngành Ngân hàng về những chính sách tiền tệ thời gian qua, vai trò của chính sách tiền tệ, những thách thức và khuyến nghị, giải pháp tiền tệ, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và ngân hàng…

Gần 3 năm qua, nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn như lạm phát cao, sản xuất kinh doanh đình trệ, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, sức mua của thị trường giảm, thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng... Đáng chú ý, có những thời điểm, mặt bằng lãi suất cho vay "leo thang" lên 22-24%/năm, Việt Nam đồng mất giá, dự trữ ngoại hối mỏng, hiệu quả đầu tư công thấp, nhập siêu cao, khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng yếu khiến một số ngân hàng thương mại có nguy cơ rơi vào rủi ro.

Trong khi đó, thị trường thế giới phức tạp khi một số nền kinh tế lớn trên thế giới bị khủng hoảng nợ, bất ổn chính trị xảy ra ở nhiều nơi... cũng tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nước. Những thực tế này đòi hỏi chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt.

Cùng với việc kết hợp với các công cụ của chính sách tài khóa, như giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vay, chính sách tiền tệ đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong quá trình tái cơ cấu, phân bổ dòng vốn vào khu vực kinh tế thực, khu vực ngành nghề cần ưu tiên.

Từ "đỉnh" 18%/năm với lãi suất huy động năm 2011, khiến lãi suất cho vay cao tới 23-25%/năm, đến nay, trần lãi suất huy động đã giảm về mức 7%/năm và chỉ áp dụng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 9%/năm, những khoản vay thông thường cũng không còn phải chịu mức lãi suất cho vay "khủng", mà được điều chỉnh xuống mức hợp lý hơn, quanh ngưỡng 10-12%/năm, khiến tỷ trọng những khoảng cho vay có lãi suất đến 13%/năm chiếm hơn 70% tổng dư nợ cho vay trên toàn hệ thống.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng không quá "nóng" như trước, mà đã trở về trạng thái cân bằng và ổn định hơn khi tín dụng cho nền kinh tế tăng gần 7% so với đầu năm. Mặc dù tín dụng tăng chậm hơn so với giai đoạn trước đây, nhưng chất lượng tín dụng được cải thiện, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Việc điều hành lãi suất theo hướng dẫn dắt thị trường, đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với những diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ.

Cùng với các chính sách cho lãi suất, tỷ giá và thị trường vàng không còn căng thẳng. Nếu như năm 2010 và 2011, Ngân hàng Nhà nước liên tục phải điều chỉnh tăng tỷ giá để đến cuối năm 2011, tỷ giá tăng 10,01% so với cùng kỳ năm 2010 và đứng ở mức 20.828 VND/USD và trong hơn một năm trở lại đây, tỷ giá khá ổn định. Các trường hợp vay vốn bằng ngoại tệ cũng bị thu hẹp theo hướng khách hàng chỉ được vay ngoại tệ nếu có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay, những trường hợp khác phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

Đến cuối năm 2012, giá USD mua vào tại các ngân hàng giảm 1% so với cuối năm trước, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và tự do được thu hẹp, tỷ lệ đô la hóa giảm mạnh. Các tổ chức kinh tế và cá nhân đẩy mạnh bán ngoại tệ cho các ngân hàng, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước mua một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Với xu hướng này, từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ không tăng quá 2% như cam kết của Ngân hàng Nhà nước. Thị trường vàng cũng không còn bị "sốt", nhu cầu vàng trong dân đã bão hòa, nên khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới dần được thu hẹp.

Về chính sách tiền tệ trong thời gian tới, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, nền kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều áp lực lớn trong ngắn hạn, nên đà tăng trưởng nhanh sẽ không thể trở lại trong 1-2 năm tới, nếu nóng vội muốn tăng trưởng nhanh, nguy cơ lạm phát cao có thể quay lại. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp (mức 7%/năm), tạo điều kiện duy trì lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ kiến nghị Chính phủ về phát triển đồng bộ các thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán, bất động sản, mua bán nợ… nhằm giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng.

Hội thảo đã nghe những ý kiến tham luận của các chuyên gia thuộc Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách - Trường Đại học quốc gia như TS. Lê Hữu Nghĩa, TS. Cao Sỹ Kiêm, TS. Vũ Đình Ánh, TS. Trần Du Lịch, TS. Nguyễn Đức Thành... trình bày về những vấn đề: Nhìn lại kinh tế năm 2013, những thách thức dự báo 2014; Chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và thị thường; Lựa chọn chính sách kinh tế 2014; Định hướng điều hành kinh tế của Chính phủ năm 2014; Chính sách quản lý vàng và tỷ giá của NHNN, những khuyến nghị cho 2014...

Ông Sumit Dutta, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo, cho rằng: Mặc dù tại Việt Nam có những đánh giá chưa khả quan về nền kinh tế trong năm 2013. Tuy nhiên, tôi cho rằng những đánh giá từ bên ngoài (Các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư, tập đoàn lớn của nước ngoài…) đã có những tín hiệu tích cực.

Cũng theo ông Sumit Dutta, những khó khăn trong năm 2013 xuất phát từ nguyên nhân sai lầm của những năm trước như: Đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng. Cùng những biến động khiến cho nền kinh tế có nhiều khó khăn.

Ông Sumit Dutta chỉ rõ: Việt Nam có nền tảng kinh tế chắc chắn do dân số trẻ, tỉ lệ dân số biết chữ cao, tỉ lệ nghèo giảm nhanh, tốc độ đô thị hóa nhanh, đồng tiền Việt Nam ít mất giá hơn những đồng tiền trong khu vực…
Đặc biệt, với con số 56% tỉ lệ đầu tư vào sản xuất qua 9 tháng đầu năm 2013 là một điều tích cực. Nguồn tiền này chủ yếu đến từ các nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Như Tập đoàn Samsung vừa đầu tư một dự án lớn vào tỉnh Thái Nguyên. Việt Nam sẽ là nơi sản xuất 50% sản phẩm của Samsung trên toàn thế giới.

Ông Sumit Dutta cũng đưa ra những đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam như: Lạm phát Việt Nam chỉ 1 con số, lãi suất ngân hàng đang xuống thấp, đầu tư FDI đang có hướng gia tăng trong năm 2013 và có thể cả sang năm 2014.

Ông Sumit Dutta đưa ra khuyến nghị:  Bên cạnh cạnh việc thành lập cơ quan xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý việc tái cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng. Đặc biệt vấn đề nợ xấu cần cải thiện như thế nào.

Để khắc phục vấn đề nợ xấu cần tăng cường quản lý các công ty trong ngân hàng, tăng cường nhận thức vấn đề quản lý rủi ro.

Dự đoán tình hình kinh tế năm 2014-2015, vị Tổng giám đốc ngân hàng HSBC cho rằng GDP năm 2014 là khoản 5,4 %, năm 2015 là 5,8 %, lạm phát vẫn đạt 1 con số trong giai đoạn 2014-2015, cán cân thương mại tăng trường tốt.

Duy Hưng


 

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất