Thứ Hai, 25/11/2024
Môi trường
Thứ Tư, 1/2/2012 15:25'(GMT+7)

Bắc Kạn hoàn thành vượt chỉ tiêu trồng rừng

Trồng rừng sản xuất sẽ là một trong những hướng đi mũi nhọn của tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới

Trồng rừng sản xuất sẽ là một trong những hướng đi mũi nhọn của tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới

Thoát nghèo nhờ… rừng

“Thôn tôi trước kia nghèo lắm, quanh năm thiếu đói nhưng bây giờ bà con trong thôn đã có cuộc sống khấm khá…”. Lời bộc bạch chân tình của chị Triệu Thị Xuân, Trưởng thôn Khuổi Tranh, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn nhân dịp đầu xuân như một minh chứng khẳng định thêm tính đúng đắn của con đường sinh kế gắn bó với rừng.

Cũng như các thôn vùng cao khác trên địa bàn tỉnh, thôn Khuổi Tranh có diện tích đất tự nhiên lớn. Ngay từ năm 2001 khi Nhà nước có chủ trương khuyến khích nhân dân trồng rừng theo dự án PAM, một số hộ trong thôn Khuổi Tranh đã mạnh dạn nhận đất lâm nghiệp về trồng rừng.

Một trong những gia đình có diện tích trồng rừng lớn nhất nhì thôn có thể kể tới là hộ ông Đinh Kim Chức, hiện ông sở hữu tới hơn 10 ha rừng, chủ yếu là keo lá chàm và mỡ đang  trong thời kỳ khai thác, tổng thu nhập mỗi năm ước tính lên tới hàng trăm triệu đồng.

Ông Chức cho hay, trồng rừng theo dự án không chỉ được cung cấp cây giống, được hỗ trợ tiền mua gạo mà còn được toàn quyền khai thác rừng trồng, lợi đủ đường.

Điều này hoàn toàn khác với trước kia, khi nhận thức của người dân về trồng rừng còn hạn chế, nhiều hộ chỉ làm qua loa, chiếu lệ, trồng rừng cốt chỉ để được nhận gạo hỗ trợ, hậu quả là chất lượng rừng không cao, đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo.

Nay, phong trào trồng rừng tại Khuổi Tranh đã phát triển mạnh, khoảng hai phần ba diện tích rừng tại thôn đã được phủ xanh bằng những diện tích rừng có giá trị về kinh tế, gia đình nào chí ít cũng có vài ba ha, nhiều thì hàng chục ha.

Thấy được lợi ích rõ rệt từ việc trồng rừng, nhiều gia đình trong thôn đã chủ động tham gia. Ngay cả khi không có dự án trồng rừng nào được triển khai tại thôn nhưng các hộ có đất vẫn tự bỏ tiền mua cây giống.

Những cố gắng đã được tiếp sức, vì bắt đầu từ năm nay, Khuổi Tranh sẽ được tiếp cận với dự án 147.  Toàn thôn hiện đã đăng ký gần 9 ha để trồng rừng vì họ hiểu rằng rừng không chỉ giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà còn là cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, và vươn lên làm giàu.

Không chỉ riêng Khuổi Tranh mà tại nhiều thôn, xã thuộc các huyện Bạch Thông, Chợ Mới, Ngân Sơn, Ba Bể của Bắc Kạn, người dân đã thực sự nhận thấy được giá trị của rừng.

Doanh nghiệp cũng hăng hái tham gia 

Phong trào trồng rừng không chỉ phát triển mạnh tới các thôn, xã mà còn có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp trồng rừng.

Ngay từ khi được thành lập, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn đã thúc đẩy phong trào trồng rừng sản xuất trên địa bàn thông qua việc vận động nhân dân trồng rừng theo quy hoạch, vận động bà con đầu tư phân bón để trồng rừng, vay vốn giúp bà con…

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về vốn và nhân sự trong giai đoạn đầu nhưng nhờ chính sách nhóm họp các lâm trường hoạt động kém hiệu quả  trước đây thành một đơn vị để thực hiện công tác trồng rừng theo chủ trương của tỉnh, Công ty đã từng bước vượt qua khó khăn và ngày càng phát triển. Hiện đơn vị đã trồng được hàng nghìn ha rừng sản xuất đang đến kỳ cho thu hoạch tại nhiều xã thuộc huyện Bạch Thông, Chợ Mới.

UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành cơ chế chính sách nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, gồm Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Điện và gỗ Bình Minh, Công ty Hoàng Long, Công ty Lâm Sơn, và Công ty TNHH D&G.

Điểm đáng lưu ý là gỗ rừng sản xuất trên địa bàn hiện nay chủ yếu được bán cho các công ty ngoài tỉnh để băm dăm xuất khẩu nên chi phí vận chuyển cao, giá thành thấp, đầu ra không ổn định. Do đó, cùng với việc thu hút đầu tư trồng rừng sản xuất, Bắc Kạn đặc biệt khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến gỗ ngay tại địa phương nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con các dân tộc trên địa bàn.

Với định hướng kinh tế rừng là mũi nhọn, trồng rừng phải gắn với phát triển công nghiệp chế biến gỗ, thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tăng cường khâu thiết kế, khuyến lâm, tổ chức mạng lưới vườn ươm rộng khắp, đồng thời cung cấp tiền công trồng, chăm sóc rừng để động viên bà con.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, đầu tư giống tốt để gieo ươm; chỉ đạo các địa phương thành lập ban quản lý dự án trồng rừng, trong đó cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã đều phải coi trồng rừng là một nhiệm vụ trọng tâm và thiết yếu.

Theo Văn Lạ/Thiennhien.net
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất