Thứ Hai, 14/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 3/10/2013 22:43'(GMT+7)

Bạc Liêu thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử

Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Bạc Liêu được công nhận Di tích lịch sử quốc gia

Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Bạc Liêu được công nhận Di tích lịch sử quốc gia

Tỉnh Bạc Liêu được tái lập vào ngày 01/01/1997, với rất nhiều khó khăn của một tỉnh mới chia tách, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ, quân và dân Bạc Liêu từng bước vượt qua khó khăn thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó có công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của các ngành, các cấp và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Để làm tốt công tác biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các ngành từ tỉnh đến cơ sở thực sự có hiệu quả và thiết thực, ngay sau khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập, ngày 01 tháng 06 năm 1998, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 57, về việc thành lập Ban Chỉ đạo Biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các ngành cấp tỉnh và Quyết định thành lập Ban biên tập viết lịch sử Đảng bộ tập I giai đoạn (1927 - 1975); tập II giai đoạn (1975 - 2000); chỉ đạo các huyện, thành ủy và các ngành (có biên soạn lịch sử truyền thống của đơn vị) cũng thành lập ban chỉ đạo, tổ biên tập lịch sử, truyền thống của đơn vị mình.

Sau khi tiếp thu Chỉ thị 15, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai quán triệt nội dung Chỉ thị 15 cho cán bộ chủ chốt trong tỉnh và cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử. Chỉ đạo các cơ quan trong khối thông tin đại chúng, các bản tin chuyên ngành cấp tỉnh mở thêm chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về các nội dung Chỉ thị 15 và đăng tin, bài về truyền thống, lịch sử cách mạng, truyền thống văn hóa dân tộc nói chung, về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương nói riêng… Riêng Bản tin Bạc Liêu Xưa và Nay của Hội khoa học lịch sử tỉnh xuất bản mỗi quý 1000 bản, để tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về văn hoá, lịch sử, truyền thống đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các ngành, các cấp thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử các ngày lễ, ngày truyền thống cách mạng, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và địa phương với nhiều hình thức phong phú và thiết thực như thi viết, thuyết trình, kể chuyện... Chỉ tính riêng, trong 4 năm từ 2007 - 2011, các ngành, các cấp của tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức thực hiện gần 40 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống.

Các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ nhằm nâng cao lòng tự hào về quê hương, đất nước; củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, ra sức thi đua trong lao động, học tập và công tác thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nhà không ngừng phát triển.Vì thế, những kết quả đạt được nêu trên bắt nguồn từ sự nhận thức sâu sắc của các cấp uỷ đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp trong tỉnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống trong giai đoạn hiện nay. Nhiều cấp ủy quan tâm lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết với công tác lịch sử Đảng; đầu tư kinh phí, trang thiết bị và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quan trọng này…

Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ từ đó chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của ngành. Phần lớn các công trình lịch sử được biên soạn trong thời gian qua chủ yếu dựa vào những sử liệu gián tiếp, việc thẩm định, đánh giá đôi lúc còn đơn giản do đó tính khách quan và mức độ chính xác không cao; thời gian thực hiện dài… Nhiều cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống từ tỉnh đến cơ sở chưa được đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp sử học; nhiều đồng chí thực hiện còn theo kinh nghiệm cá nhân, phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm... làm ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử. Các nhân chứng liên quan đến một số sự kiện lịch sử của địa phương thời kì kháng chiến chống Pháp, Mỹ còn rất ít; công tác lưu trữ tài liệu chưa được chú trọng; chế độ, chính sách đãi ngộ; kinh phí, cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng nói chung còn hạn chế, chưa đồng bộ…làm ảnh hưởng tiến độ và chất lượng công trình.

Để công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử thời gian tới được thực hiện tốt hơn nữa, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần phải coi trọng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị tư tưởng ở mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức Đảng nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào, ý chí tự lực, tự cường của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Những giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình lịch sử được nghiên cứu, biên soạn sẽ góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ từ đó nâng cao quyết tâm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Lê Văn Dững - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất