Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 23/9/2013 20:51'(GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới: kinh nghiệm từ huy động nguồn lực

Xây dựng NTM, đời sống văn hóa được nâng lên. Trong ảnh: Lễ rước linh vị tổ tiên và tế lễ tại Lễ hội ở Điện Quang

Xây dựng NTM, đời sống văn hóa được nâng lên. Trong ảnh: Lễ rước linh vị tổ tiên và tế lễ tại Lễ hội ở Điện Quang

Điện Quang là một trong ba xã vùng Gò Nổi thuộc huyện Điện Bàn, có tổng diện tích tự nhiên: 1.461 ha, diện tích canh tác: 547 ha, dân số: 10.645 người, nhân dân sống chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp, trong đó trồng trọt là chính.

Năm 2011, Điện Quang được chọn là một trong 6 xã của huyện xây dựng điểm nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015. Căn cứ vào vào Bộ tiêu chí quốc gia và tham khảo ý kiến của các tổ chức đoàn thể, xã đã tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng, lập đề án xây dựng NTM đưa ra nhân dân thảo luận, trình UBND huyện phê duyệt. So với Bộ tiêu chí quốc gia, lúc đó Điện Quang đã đạt chuẩn 12/19 tiêu chí. Tuy nhiên, có nhiều tiêu chí chứa đựng yếu tố không bền vững nếu không được củng cố và phát triển. Đặc biệt, những tiêu chí chưa đạt lại chủ yếu thuộc vào nhóm cần đầu tư nhiều nguồn vốn và có nhiều vấn đề nhạy cảm trong công tác chỉ đạo, quản lý và huy động nguồn lực, như: xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng về giáo dục, văn hóa...

Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, song Điện Quang đã tận dụng được nhiều cơ hội từ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; sự quan tâm của tỉnh và huyện, vận dụng linh hoạt vào địa phương, huy động cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn và các thành phần kinh tế vào cuộc. Trong quá trình triển khai, Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý chương trình đã có nhiều hoạt động thiết thực đem lại lợi ích cho nhân dân, nên luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ tối đa của nhân dân trong xã, của các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn xã và con em của địa phương đang sinh sống, lao động, học tập ở xa quê. Đến tháng 7-2013, Điện Quang đã đạt 16/19 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí đạt cao hơn quy định của Bộ tiêu chí quốc gia từ 10-20%.

Một trong những nguyên nhân quan trọng, có tính mấu chốt dẫn đến thành công trên là việc tập trung huy động các nguồn lực phục vụ chương trình xây dựng NTM, trong đó nguồn lực về tài chính có ý nghĩa quan trọng.

Vận dụng chủ trương của Đảng và Chính phủ về xã hội hóa các nguồn lực xây dựng NTM, bao gồm: nguồn lực về tài nguyên, nguồn lực về con người, nguồn lực về tài chính, Đảng ủy Điện Quang chủ trương tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước, của huyện và tỉnh, gắn với các dự án có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn, đồng thời tăng cường các nguồn lực xã hội hóa. Trong đó, nguồn lực của Nhà nuớc được xác định là quan trọng, nhưng nguồn lực của xã hội mới là quyếl định. Từ đó, Đảng bộ Điện Quang nêu quyết tâm: Huy động mọi nguồn lực để phục vụ Chương trình, trong đó, mỗi người dân trong xã là một chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, để thực hiện quyết tâm này là điều không thể dễ dàng. Đất đai, con người có thể huy động được, nhưng ngưồn lực tài chính lấy ở đâu? Ban Chỉ đạo lại trở về với câu hỏi: Xây dựng NTM bắt đầu từ đâu? và làm như thế nào? Từng thành viên trong Ban Chỉ đạo đã phải suy tư, trăn trở, tìm lời giải cho bài toán hóc búa này. Trong thực tế, nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho Chương trình là rất lớn nhưng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và huyện lại rất hạn hẹp (bình quân mỗi năm 1,8 tỷ đồng). Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, trong nhiều nội dung quy hoạch, nguồn vốn đối ứng của nhân dân quá cao, cụ thể như xây dựng giao thông nội đồng (55%-45%), kênh mương thuỷ lợi (80% - 20%) và  không được quyết toán khối lượng đất đắp mặt nền đường... Bình thường, nông dân cũng đã phải đóng góp nhiều khoản kinh phí trong sản xuât nông nghiệp và các loại phí dịch vụ khác.

Trong cái khó, “ló cái khôn”, tiếp thu ý kiến đóng góp của đảng viên và người dân, Đảng ủy xã Điện Quang đã đi đến chủ trương: Đẩy mạnh xã hội hóa chương trình xây dựng NTM, trên nguyên tắc “tiếp cận dựa vào nội lực do cộng đồng địa phương làm chủ”. Đảng ủy đã giao cho Ban Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tất cả các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và cá nhân trong xã phát huy tinh thần làm chủ, tự lực, tự cường, tình yêu quê hương, ủng hộ, giúp đỡ phong trào xây dựng NTM. Thông qua công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo mở rộng các hình thức huy động vốn như liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và nước ngoài đóng trên địa bàn xã, kể cả trên địa bàn huyện, đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; vận động bà con đồng hương xa quê tham gia cùng với địa phương... Ban Chỉ đạo cắt cử người đến từng doanh nghiệp, từng cơ sở sản xuất, từng hộ gia đình, kể cả nơi xa xôi có con em của xã thành đạt đang công tác để vận động, tuyên truyền, nêu rõ hơn mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM, cũng như cách làm của địa phương để các doanh nghiệp và bà con tin tưởng. Quá trình vận động, thu chi đều được tổ chức quản lý và có các tổ cộng đồng nhân dân giám sát chặt chẽ. Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý Chương trình cam kết sử dụng đúng nguồn vốn vào từng mục đích cụ thể, kiên quyết không để thất thoát, lãng phí hoặc chi phí sai mục đích. Tất cả mọi hoạt động tài chính đều được công khai minh bạch, được sử dụng tối đa với tinh thần “mỗi một đồng vốn là một “viên gạch” đóng góp cho chương trình xây dựng NTM của xã”.

Chủ trương và cách làm đó đã khơi dậy tình cảm và niềm tin của nhân dân trong xã. Khi dân hiểu, dân tin thì mọi khó khăn đều được tháo gỡ, phong trào trở nên thuận lợi, nội lực được phát huy. Bên cạnh những hộ hiến đất, hiến ruộng vườn, sân nhà, vật liệu xây dựng... là rất nhiều các đối tượng tham gia đóng góp tài chính xây dựng các công trình phúc lợi như đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, trạm điện, thủy lợi nội đồng... và đầu tư vào phát triển sản xuất.

Những hoạt động tiêu biểu, đem lại hiệu quả thiết thực được kể đến là:

Công tác liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và nước ngoài đóng trên địa bàn được đẩy mạnh, với các hình thức đầu tư trực tiếp, hoặc gián tiếp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, Ban Chỉ đạo đã tranh thủ được nguồn vốn đầu tư xây dựng trên 12 km giao thông nội đồng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 1 ha từ 10-15% so với trước đây.

Với nguồn vốn ban đầu được bà con đồng hương xa quê đóng góp trên 1 tỷ đồng, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là thành viên sáng lập đã hình thành tổ chức Quỹ Tín dụng nhân dân Gò Nổi trên địa bàn xã. Do hoạt động có hiệu quả, được bà con tín nhiệm nên Quỹ nhanh chóng huy động được nguồn vốn trên 14 tỷ đồng tiền gửi từ các doanh nghiệp và nhân dân trong và ngoài xã, mỗi năm giải quyết cho vay phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh trên 10 tỷ đồng.

Để thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng uỷ - UBND xã chủ trương giao cho HTX nông nghiệp, xây dựng đề án và triển khai thực hiện: Bảo hiểm chăn nuôi bò, đảm bảo an toàn trong chăn nuôi cho nông dân; HTX được UBND huyện hỗ trợ, cộng với vốn của HTX 1,2 tỷ đồng, đã xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, vừa có nguồn thu cho xã viên, tích lũy cho HTX, vừa kiểm soát được dịch bệnh, kích thích chăn nuôi phát triển bền vững. Nhờ đó, giá trị chăn nuôi tăng lên, hàng năm chiếm gần 50% trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp.

Do tác động của khoa học công nghệ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cũng được thay đổi theo xu hướng tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm dần. Để giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho các hộ nông dân, đảm bảo cho nông dân “ly nông không ly hương”, năm 2011, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM đã vận động một doanh nghiệp là con em của xã đang hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh (ông Mai Bá Mạnh) đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng Xí nghiệp may thêu Mạnh Tiến, giải quyết việc làm cho 300 lao động của địa phương, có mức thu nhập bình quân mỗi người từ 3,5-4,5 triệu đồng/tháng. Cùng với Công ty Seo Nam (100% vốn nước ngoài hoạt đông từ năm 2006), thường xuyên tạo việc làm cho 350 lao động có mức thu nhập bình quân mỗi người từ 3,5 - 4 triệu đông/tháng. Nhờ đó, cơ cấu lao động trong nông nghiệp hiện nay của Điện Quang chỉ còn 38,5%; thu nhập bình quân đầu người trong toàn xã từ 15 triệu đồng năm 2010 lên 23 triệu đồng/người/năm  vào năm 2012, đạt tiêu chí Quốc gia.

Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh cũng được quan tâm. Kết hợp nguồn vốn nhà nước hỗ trợ với vốn lồng ghép các chương trình dự án, vốn doanh nghiệp và nhân dân đóng góp, Điện Quang đã đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Trong ba năm, đã xây dựng hoàn thiện 2,4 km kênh chính, 4,4 km kênh mương cấp 1, một trạm bơm với tổng kinh phí: 14,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 102 triệu đồng.

Trong xây dựng kết cấu hạ tầng cho giáo dục, Ban Chỉ đạo đã vận động 2 doanh nghiệp (Agribank Quảng Nam và Qũy Phòng tránh thiên tai miền Trung) tài trợ cùng với ngân sách đối ứng của UBND huyện và đóng góp của nhân dân đã đầu tư xây dựng 2 trường học, với tổng kinh phí 11 tỷ đồng (4 trường bậc học đạt chuẩn Quốc gia, trong đó 2 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2).

Tổng vốn đầu tư trong 3 năm của Điện Quang cho chương trình xây dựng NTM là: 115 tỷ đồng. Trong đó:

-        Vốn Chương trình NTM: 3,8 tỷ đồng

-        Vốn doanh nhgiệp: 20 tỷ đồng

-        Vốn lồng ghép: 45,5 tỷ đồng

-        Vốn tín dụng: 26,5 tỷ đồng

-        Vốn nhân dân đóng góp: 19,5 tỷ đồng.

Đồng vốn đầu tư vào Chương trình thực sự đem lại hiệu quả thiết thực. Vì thế, nhân dân càng tin tưởng và hiểu được giá trị và ý nghĩa của việc xây dựng NTM. Đó cũng là ý nghĩa tạo nên sự đồng thuận trong Đảng bộ và nhân dân, là sức mạnh thu hút khả năng đóng góp công sức, trí tuê của xã hội phục vụ chương trình. Nhận thức của người dân không còn lệch lạc như trước đây, cho rằng: xây dựng NTM là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, coi nhẹ các nội dung khác, nên chỉ trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước. Thông qua sự hưởng thụ các kết quả đạt được của Chương trình, người dân càng hăng say lao động sản xuất và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho quê hương. Truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, yêu quê hương, tinh thần cần cù chịu khó trong lao động sản xuất được phát huy.

Xây dựng NTM đã làm cho diện mạo một vùng quê vốn nghèo khó được thay đổi rõ rệt. Bức tranh nông thôn được khởi sắc. Kinh tế - xã hội phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; chất lượng Gia đình văn hoá, Tộc họ văn hoá, các lễ hội văn hóa từng bước được khôi phục và nâng lên; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Năm 2012 Điện Quang được công nhận là Xã Văn hoá, Đảng bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Điện Quang phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành tất cả các mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Phương Vinh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất