Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 25/9/2013 9:20'(GMT+7)

Nhận diện đúng những nguyên nhân hạn chế, yếu kém của nền kinh tế

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đỗ Văn)

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đỗ Văn)

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa tổ chức, ông Vương Đình Huệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: Thời gian qua, Việt Nam đã đạt những thành tựu tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, với những khó khăn, thách thức đan xen, nền kinh tế Việt Nam đang phải ứng phó với nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có sự yếu kém của nền kinh tế tồn tại từ nhiều năm.

Dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nên những yếu kém, tồn tại ngày càng bộc lộ rõ hơn. Kinh tế vĩ mô đã ổn định nhưng chưa thật bền vững; nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XI đề ra dự kiến không đạt kế hoạch; nguy cơ tụt hậu ngày càng xa của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực; việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được yêu cầu; các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa môi trường còn nhiều bất cập...

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Những kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được cho phép chúng ta xác định tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng, trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong hai năm còn lại của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015. Vấn đề đặt ra cần được Hội thảo giải quyết và đưa ra giải pháp là: Những vấn đề nổi lên cần quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, điều chỉnh cho mục tiêu tổng quát trong năm 2014-2015; biện pháp cho chính sách tài khoá, tiền tệ nhằm phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư toàn xã hội trong trong 2 năm tới; các đột phá chiến lược để đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng...

Ông Vương Đình Huệ khẳng định: Những ý kiến đóng góp của các học giả, nhà quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế tại Hội thảo sẽ được Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan chức năng tổng hợp, xây dựng cơ chế cung cấp thông tin, tham mưu với các cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước trong quá trình điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Trên tinh thần đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung trao đổi thẳng thắn, khoa học về những nguyên nhân của kết quả và hạn chế, nêu lên những giải pháp, đồng thời đánh giá, làm rõ bối cảnh trong nước và quốc tế cũng như tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về kinh tế - xã hội.... Các nội dung tham luận và thảo luận đã tập trung vào những yêu cầu đặt ra của Hội thảo, đó là:

Một là, tại sao nền kinh tế của ta ra khỏi khủng hoảng chậm hơn các nước trong khu vực? Những điểm trong mô hình kinh tế của chúng ta tỏ ra không phù hợp với môi trường kinh tế quốc tế hiện nay? Điều gì đã khiến chúng ta giảm sức cạnh tranh? Những biện pháp giúp phục hồi kinh tế đã bám sát thực tiễn, phù hợp với điều kiện hiện thời của đất nước hay chưa?

Hai là, liệu có cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, hệ thống khuyến khích mới để xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, năng động, hiện đại, có khả năng cạnh tranh quốc tế, hay chúng ta vẫn giữ nguyên như hiện nay và chỉ cần điều chỉnh một vài chỗ?

Ba là, cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay và những khó khăn kinh tế trong nước lúc này có đòi hỏi sự dịch chuyển mạnh mẽ về chính sách ngành hay không? Nếu có thì đến mức nào? xem xét những ngành nào đã chống chọi tốt nhất với những khó khăn vừa qua, những ngành nào đã bị ảnh hưởng tiêu cực nhất để giúp chúng ta rút ra những tầm nhìn mới về lựa chọn những ngành Việt Nam chúng ta có lợi thế cạnh tranh thực sự.

Bốn là,
đánh giá thực hiện 3 đột phá chiến lược; thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết Trung ương 3 (khoá XI). Chỉ ra những hạn chế, yếu kém và những nguyên nhân chủ quan, khách quan, đặc biệt là những vấn đề mang tính cấu trúc, cùng với những bất cập về thể chế, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; về nguồn nhân lực... Đâu là 3 giải pháp có hiệu lực đột phá nhất giúp nền kinh tế trỗi dậy từ hiện trạng khó khăn hiện nay?

Năm là, kinh nghiệm phân cấp kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đã cho chúng ta thấy những bài học gì, mức độ phù hợp đến đâu? Phương thức và liều lượng phân cấp ở khâu nào còn yếu? Vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa và duy trì ổn định xã hội? Mô hình nông thôn mới đã có hiệu quả trên thực tế như thế nào? Quy mô kinh tế Nhà nước, nhất là vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, cần thiết đến mức nào, duy trì đến đâu?

 
Hội thảo đưa ra nhiều giải pháp, điều chỉnh mang tính chiến lược cho nửa sau của kế hoạch 5 năm 2011-2015 và những năm tiếp theo.

Phát biểu tại Hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thực tế hơn 2 năm qua, tình hình thế giới diễn biến khá phức tạp đã tác động tiêu cực, trực tiếp hoặc gián tiếp, đối với kinh tế nước ta. Trong nước, những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế được tích tụ từ nhiều năm cùng với những mặt trái của gói kích thích kinh tế đã cộng hưởng tạo ra hiệu ứng lạm phát tăng cao, bất ổn vĩ mô kéo dài hơn dự kiến, thị trường bất động sản suy giảm mạnh, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, dừng hoạt động, thị trường thu hẹp, hàng tồn kho lớn... Những nhân tố trên đã làm suy giảm tăng trưởng, suy yếu sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp cũng như của toàn bộ nền kinh tế và trực tiếp tạo ra nguy cơ bất ổn xã hội.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các cấp, các ngành đã thực hiện nhiều biện pháp, cả cấp bách tình thế, cả dài hạn, để ổn định tình hình kinh tế-xã hội. Đến nay, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tỷ lệ nhập siêu thấp, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng trưởng đáng kể. Nền kinh tế đang dần phục hồi đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, kết quả ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đòi hỏi những nền tảng vững chắc hơn, các cân đối lớn chưa bền vững, nợ xấu còn cao, việc sắp xếp lại hoạt động và nâng cao hiệu quả của nhiều tổ chức tín dụng còn chậm, lãi suất đã giảm nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu; hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế giảm so với các nước trong khu vực, kết quả triển khai 3 đột phá chiến lược chậm, hiệu quả của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn hạn chế.

Nhận thức sâu sắc những khó khăn của nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đang quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nhằm xây dựng một nền kinh tế năng động, hiện đại và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Do đó, việc lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nhà khoa học thông qua những hình thức thảo luận cởi mở như Hội thảo này là rất quan trọng và cần thiết, để nhận diện đúng những nguyên nhân hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, trên cơ sở đó đề xuất những điều chỉnh mang tính chiến lược cho nửa sau của kế hoạch 5 năm 2011-2015 và những năm tiếp theo./.

Quỳnh Chi
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất