Thứ Bảy, 23/11/2024
Lý Luận
Thứ Sáu, 20/4/2018 10:33'(GMT+7)

Bài 1: Thực thi quyền lực của người đứng đầu trong điều kiện nhất thể hóa

 

Về "nhất thể hoá" hai chức danh bí thư cấp uỷ hoặc phó bí thư cấp uỷ (thường là phó bí thư thường trực) đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân cùng cấp đã được thực hiện từ lâu. Về lý luận, hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, các kỳ họp đều diễn ra sau các kỳ họp thường kỳ của cấp uỷ (1 năm 2 kỳ họp); mặt khác, cấp uỷ và hội đồng nhân dân đều làm việc theo cơ chế tập thể. Việc "nhất thể hoá" hai chức danh này giúp cấp uỷ nắm và lãnh đạo trực tiếp hội đồng nhân dân về các định hướng, chủ trương lớn của cấp uỷ được đưa ra hội đồng nhân dân bàn nên chủ trương của cấp uỷ, nghị quyết của hội đồng nhân dân đi vào thực tế nhanh và hiệu quả.

 

Còn "nhất thể hoá" hai chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cùng cấp mới có chủ trương thực hiện từ Nghị quyết Trung 5 khoá IX nên còn nhiều vấn đề cần phải làm sáng tỏ, nhất là trình độ, năng lực và việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.

 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn và nhằm tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới công tác cán bộ, một số tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện thí điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã (phường, thị trấn) từ rất sớm (xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, tháng 6-2000; xã Mỹ Khánh, Phường Bình Đức, xã Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, năm 2002…).

 

Đặc biệt, từ khi Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 02-02-2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở; để thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị khoá X đã ban hành Thông báo số 223-TB/TW (ngày 24-02-2009), Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW (ngày 06-3-2009) về thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW nêu trên. Các địa phương đã chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ việc “nhất thể hóa” hai chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở một số xã, phường, thị trấn: các tỉnh ủy, thành ủy đã tổ chức hội nghị để nghiên cứu, quán triệt nội dung các văn bản; xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo của cấp mình và lựa chọn một số địa phương có đủ điều kiện để thực hiện thí điểm theo tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Đa số các địa phương triển khai thực hiện thí điểm từ tháng 4-2009. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm do đồng chí phó bí thư thường trực cấp ủy làm trưởng ban; thành lập các tổ công tác do đồng chí ủy viên ban thường vụ làm tổ trưởng, có đại diện lãnh đạo và một số cán bộ, chuyên viên các ban xây dựng Đảng, một số cơ quan chuyên môn liên quan thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tham gia để giúp cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương thực hiện thí điểm trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Đến cuối năm 2016 đã có 16 quận, huyện (04 quận, 12 huyện) thực hiện chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân; 638 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân. Vừa qua, một số xã, phường, thị trấn đã xin thôi mô hình này, chủ yếu là do cán bộ chưa đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

 

Mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cùng cấp đã phát huy ưu điểm nổi bật như: 

 

- Đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy; vừa là người trực tiếp tiếp thu các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp ủy cấp trên, vừa là người trực tiếp chỉ đạo ủy ban nhân dân, hệ thống chính trị ở cơ sở tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương. Vì vậy, các nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn; tạo sự thống nhất, phù hợp giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của ủy ban nhân dân. Mô hình này đã tạo được sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giảm bớt khâu trung gian, đẩy nhanh việc thực hiện các chủ trương, đương lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ trọng tâm của cơ sở và giải quyết nhanh hơn các nhu cầu của nhân dân. Khi có vấn đề nảy sinh, bí thư đồng thời là chủ tịch quyết định xử lý và chịu trách nhiệm. Tạo điều kiện thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ nhờ cấp ủy viên, đảng ủy được cung cấp thông tin kịp thời, được đóng góp ý kiến, chất vấn trực tiếp với người đứng đầu cơ quan trong thực hiện các công việc ở cơ sở. 

 

- Vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và ủy ban nhân dân tập trung vào một người, do vậy tạo sự thống nhất cao trong mọi hoạt động, bảo đảm mọi công việc, thông tin đến cấp ủy là đến ủy ban nhân dân, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm giữa đồng chí bí thư cấp ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân; khắc phục tình trạng thường xảy ra trên thực tế là ở một số nơi thường mất đoàn kết giữa đồng chí bí thư cấp ủy và đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân. Tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; bớt cồng kềnh, chồng chéo về tổ chức, góp phần cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên... 

 

- Góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng, giúp cấp ủy trực tiếp nhận thông tin về việc điều hành của ủy ban nhân dân được chính xác, kịp thời, tạo điều kiện để tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác, từng bước khắc phục hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa cán bộ khối ủy ban nhân dân với cán bộ khối đảng, đoàn thể; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cấp phó. Nâng cao vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng. Bí thư đồng thời là chủ tịch trực tiếp nhận, xử lý các thông tin, nắm bắt được dư luận, tâm tư, kiến nghị, đề xuất, yêu cầu của dân qua nhiều kênh thông tin. Bí thư có nhiều thông tin về mọi mặt của đời sống ở địa phương, có thực quyền hơn, quyền lực tập trung thống nhất. Từ đó, nâng cao vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ, nhất là với ủy ban nhân dân cùng cấp.

 

- Cán bộ cơ sở buộc phải nâng cao trình độ, năng lực công tác, tinh thần tập thể và trách nhiệm. Vì người đứng đầu đảm nhiệm 2 chức danh, khối lượng công việc lớn, trách nhiệm cao cần phải có cấp phó và đội ngũ cán bộ cơ sở thực sự có trình độ, tâm huyết. Người giúp việc cho bí thư - chủ tịch phải là người có năng lực để có thể tham mưu, giúp người đứng đầu nắm và xử lý tình huống đa dạng, phức tạp, toàn diện hàng ngày. Do đó, hầu hết bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân đã quyết tâm rèn luyện, phấn đấu và trưởng hành, nâng cao trình độ, năng lực, khả năng tư duy toàn diện, tính quyết đoán, tự chịu trách nhiệm trước tập thể; bộ máy gọn nhẹ, tinh giản biên chế, tiết kiệm được một phần ngân sách, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Góp phần cải cách hành chính trong Đảng, bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

 

Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cùng cấp còn hạn chế, yếu kém chủ yếu sau:

 

- Một số cấp ủy và cán bộ chủ chốt ở các cấp chưa nhận thức sâu sắc chủ trương thực hiện thí điểm nên trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn chậm và thiếu kiên quyết. 

 

- Năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở nhìn chung còn hạn chế so với yêu cầu; nguồn cán bộ có đủ năng lực, trình độ, khả năng đảm nhiệm được nhiệm vụ của hai chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp cơ sở không nhiều, chưa có quy hoạch cán bộ đồng thời giữ hai chức danh, vì vậy, việc lựa chọn cán bộ vào vị trí này gặp khó khăn. Một số xã, phường, thị trấn sau khi thực hiện thí điểm, cán bộ không hoàn thành được nhiệm vụ, tín nhiệm thấp buộc phải báo cáo cấp trên xin dừng thí điểm.

 

- Một số nơi thực hiện thí điểm nhưng chưa kịp thời bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy; chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân một cách đồng bộ nên quá trình thực hiện nhiệm vụ nhiều đồng chí còn lúng túng.

 

- Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân thường phải giải quyết nhiều công việc cụ thể của chính quyền; phải tham gia nhiều cuộc họp do cấp ủy, ủy ban nhân dân cấp trên triệu tập, do vậy, thời gian chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện còn ít, dẫn đến có nơi xảy ra tình trạng quan liêu, bỏ sót việc, ảnh hưởng đến vai trò, chức năng lãnh đạo của cấp ủy. Một số nơi, xảy ra tình trạng những việc quan trọng của địa phương phải được cấp uỷ thảo luận thống nhất trước khi thực hiện, nhưng không được đưa ra cấp ủy bàn bạc mà người đứng đầu đã tổ chức thực hiện.

 

- Chưa có cơ chế hữu hữu, phù hợp và chưa thực hiện được việc giám sát và kiểm soát quyền lực khi thực hiện "nhất thể hoá" hai chức danh. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn thấp chưa động viên, khuyến khích được cán bộ khi thực hiện "nhất thể hoá" hai chức danh.

 

- Một số nơi, đã xuất hiện tình trạng độc đoán, chuyên quyền và vi phạm nguyên tắc trong lãnh đạo, điều hành công việc. Khối lượng công việc nhiều, khó thực hiện hài hòa công tác Đảng và công việc chính quyền. Quỹ thời gian giải quyết công việc cụ thể chiếm phần lớn nên ít quan tâm dành cho việc suy nghĩ, đề xuất những chủ trương, kế hoạch lớn, dễ quan liêu, chưa tập trung thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo với trách nhiệm là người đứng đầu cấp uỷ và trong công tác kiểm tra, giám sát. Dễ dẫn tới độc đoán, mất dân chủ nếu bố trí cán bộ không phù hợp. Khi quyền lực tập trung trong tay một người sẽ dẫn tới chủ quan, tự mãn. Thực tế, không ít cán bộ chưa xác định rõ khi nào ở “vai bí thư” để giải quyết theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và khi nào ở “vai chủ tịch" để giải quyết theo nguyên tắc thủ trưởng quyết định. Nếu chọn người không đúng, không có quy chế làm việc rõ ràng và thực hiện không tốt dễ dẫn đến mất dân chủ, độc đoán gia trưởng. Trong khi thiếu cán bộ có khả năng giữ cả hai chức vụ nói trên. 

 

Để đánh giá về mô hình "nhất thể hoá" hai chức danh, nhất là bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cùng cấp, xin trích dẫn bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh nhân dịp về thăm tỉnh trong năm 2016. Đồng chí đã lưu ý tỉnh không được chủ quan mà phải vừa làm vừa nghiên cứu, rà soát, rút kinh nghiệm, nhất là trong thực hiện "nhất thể hóa" hai chức danh phải có cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu không được để phát sinh tiêu cực, hậu quả. “Đất nước đã thực hiện đổi mới kinh tế nên giờ phải thực hiện đổi mới hệ thống chính trị để bắt nhịp với nhau, xây dựng đất nước phát triển. Trung ương Đảng đồng ý chủ trương Quảng Ninh tiếp tục thực hiện đổi mới hệ thống chính trị từ việc thực hiện Nghị quyết 19 và Đề án 25 của tỉnh nhưng phải làm chắc chắn, thận trọng, bài bản. Trung ương Đảng tin tưởng Quảng Ninh sẽ làm được và đặt niềm tin ở Quảng Ninh”. Hơn nữa, Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017) đã nêu rõ: "Cơ bản thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện bí thư cấp uỷ là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện"

(Còn tiếp)./.
 

'

Nguồn: Cao Văn Thống*, TS. Trần Duy Hưng/Tạp chí Cộng sản điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất