Thứ Bảy, 23/11/2024
Lý Luận
Thứ Ba, 17/4/2018 16:25'(GMT+7)

Những vấn đề đặt ra đối với công tác lý luận hiện nay

'

 

 

1. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải quyết tâm, nỗ lực, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn” (1). Tình hình đó cũng đòi hỏi công tác lý luận của Đảng cần được tiếp tục đổi mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, để xác định được các nội dung, yêu cầu và giải pháp nhằm đổi mới công tác lý luận, cần thiết phải làm rõ những vấn đề gì đang đặt ra cho lĩnh vực này.

 

Vấn đề chất lượng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực thực tiễn

 

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trình Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ” (2). Sự bất cập mà Báo cáo Chính trị chỉ ra chính là hạn chế về chất lượng của công tác lý luận, thể hiện ở việc chưa nghiên cứu, tổng kết kịp thời để làm rõ một số vấn đề đặt ra trong thực tế công cuộc đổi mới. Hạn chế về chất lượng công tác lý luận, nhất là hạn chế, bất cập trong tổng kết thực tiễn, là hệ quả tất yếu của những hạn chế về nội dung, phương pháp nghiên cứu lý luận, cách thức đặt hàng, quản lý hoạt động nghiên cứu, từ những hạn chế chất lượng các công trình, đề tài nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và cả chất lượng của nhiều hội nghị, hội thảo khoa học lý luận.

 

Vấn đề nghiên cứu, tiếp nhận có chọn lọc các thành tựu lý luận, các học thuyết khoa học, các bài học kinh nghiệm về phát triển của nhân loại

 

Có một thời kỳ dài, do mặc cảm về ý thức hệ và yêu cầu khắc nghiệt của chiến tranh, hầu như chúng ta đóng cửa với những phát triển lý luận chính trị của thế giới nếu không phải là chủ nghĩa Mác - Lênin. Việc nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi những quan điểm chính thống của các nhà nghiên cứu Xô Viết. Trong thời kỳ đổi mới, với tinh thần mở cửa hội nhập quốc tế, chúng ta đã có nhiều đổi mới về nhận thức trong vấn đề nghiên cứu, chắt lọc những thành tựu nghiên cứu, tổng kết lý luận của nhân loại, nhất là những vấn đề về kinh tế. Đây là xu hướng khách quan, khoa học, theo đúng phương pháp luận mác xít.

 

Trong điều kiện ngày nay, khi mà cuộc các mạng khoa học - công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa diễn ra vô cùng nhanh chóng, tác động hằng ngày, hằng giờ đến mọi quốc gia, dân tộc, vấn đề nghiên cứu, tiếp nhận có chọn lọc các thành tựu lý luận, các học thuyết khoa học, các bài học kinh nghiệm về phát triển của nhân loại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Đó là phương pháp thông minh để phát triển, hay như cách nói khác, “đứng trên vai” của người khác để thực hiện thành công mục tiêu cộng sản chân chính. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề nghiên cứu, tiếp thu chọn lọc tinh hoa về lý luận của nhân loại hầu như còn chậm, chưa cập nhật kịp thời nhiều thành tựu nghiên cứu, bài học phát triển của thế giới, chưa theo kịp tiến trình hội nhập quốc tế về kinh tế, chính trị và nhiều lĩnh vực khác của chính chúng ta.

 

Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ nghiên cứu lý luận

 

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, thực tế đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi to lớn, kéo theo những thay đổi về vị trí lao động, việc làm. Từ vị trí trong top đầu của ưu tiên lựa chọn công việc, ngày nay, công tác nghiên cứu, giảng dạy về lý luận hầu như đã xuống vị trí rất thấp, thay vào đó là các ưu tiên cho ngành nghề, công việc liên quan đến kinh doanh, kinh tế. Tình trạng chung hiện nay cho thấy, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về lý luận của Việt Nam thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ đầu đàn, chuyên gia trình độ cao. Cùng với sự thiếu hụt về số lượng, tư tưởng của cán bộ lý luận cũng có vấn đề. Một bộ phận cán bộ nghiên cứu giảng dạy lý luận chính trị nhưng không tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, còn nghi ngờ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Đào tạo ban đầu ở trình độ đại học về các môn chính trị cũng có vấn đề, do các chuyên ngành lý luận chính trị không còn sức hấp dẫn đối với thanh niên. Chương trình giảng dạy về chủ nghĩa Mác - Lênin ở các trường đại học, cao đẳng đã bị thu hẹp lại. Việc tuyển sinh đi đào tạo ở nước ngoài về lĩnh vực lý luận chính trị chưa chặt chẽ, chưa thống nhất trong cả hệ thống, phụ thuộc nhiều vào học bổng của nước ngoài. Việc tuyển dụng sinh viên các chuyên ngành lý luận chính trị ra trường vào các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy cũng còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

 

Việc sử dụng và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận cũng gặp những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Việc sử dụng cán bộ nghiên cứu lý luận khi đã hết tuổi lao động theo luật lao động không rõ ràng, không thống nhất về điều kiện, chế độ. Các điều kiện làm việc của cán bộ lý luận còn nhiều hạn chế, nhất là cơ sở hạ tầng thông tin khoa học, chế độ nhuận bút...

 

Vấn đề cơ chế, chính sách và các điều kiện đảm bảo cho công tác lý luận của Đảng mang lại hiệu quả mong đợi

 

Nghiên cứu lý luận là một khoa học đặc thù. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu khoa học về lý luận lại diễn ra trong điều kiện các tiến trình xã hội liên tục vận động, vì thế, việc đưa ra đánh giá về tính chất của thực tiễn xã hội là vô cùng khó khăn. Khi nói về tính chất, đặc điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong bức thư gửi cho K.Smith, Ph.Ăngghen đã cho rằng, “đó là vấn đề khó khăn nhất trong tất cả các vấn đề, vì các điều kiện biến đổi không ngừng”. Mặt khác, việc minh chứng cho sự đúng đắn của các kết quả nghiên cứu lý luận phần lớn phải đòi hỏi có thời gian, thậm chí thời gian khá lâu. Vì thế, hoạt động nghiên cứu lý luận cũng đòi hỏi phải được ứng xử khoa học, phù hợp với tính chất của nó. Nói cách khác, môi trường chính trị - xã hội là nhân tố đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển lý luận. Tuy nhiên, nhận thức về lý luận của nhiều cán bộ, cấp ủy chưa ngang tầm với yêu cầu. Thiếu các cơ chế đánh giá thực sự khoa học, khách quan, các quy định pháp lý bảo đảm về mặt khoa học cho các kết quả nghiên cứu, cũng như bảo vệ những người nghiên cứu lý luận. Một số kết quả nghiên cứu khoa học, ý kiến phản biện còn bị đánh giá quá khắt khe, nhiều khi có những quy kết có tính chính trị bất lợi cho các tác giả. Đặc biệt là chưa có cơ chế để kịp thời đánh giá, kết luận và đưa các kết quả nghiên cứu lý luận vào đường lối, chính sách. Ngay trong Báo cáo Chính trị của Đại hội XII cũng đã chỉ ra một số hạn chế về công tác xây dựng Đảng, những yếu tố cơ bản quy định công tác nghiên cứu lý luận: “Chậm đổi mới tư duy về công tác xây dựng Đảng... Nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc, có mặt chưa rõ, chưa thống nhất một số vấn đề quan trọng ở tầm quan điểm, chủ trương. Chưa thật sự phát huy dân chủ trong Đảng...” (3).

 

2. Từ thực tế và các vấn đề đặt ra trên đây, có thể nêu lên một số giải pháp cơ bản nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới.

 

Một là, đổi mới nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chiến lược về công tác lý luận.

 

Việc đổi mới nhận thức về công tác lý luận đặt ra trước hết đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đội ngũ cán bộ chiến lược, những người đứng đầu các cơ quan đảng, nhà nướctrong việc hiểu đúng vai trò, vị trí, tầm quan trọng và tính chất của công tác lý luận trong xây dựng, phát triển đất nước. Đây là điều kiện quyết định không chỉ để có một môi trường tích cực cho việc phát triển lý luận, mà quan trong hơn là nhằm hai mục đích lớn hơn. Thứ nhất, từ nhận thức đúng đắn về lý luận, đội ngũ cán bộ chiến lược của Đảng sẽ ý thức đầy đủ hơn trong việc học tập, nghiên cứu, nâng cao sự hiểu biết có hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng những thành tựu lý luận Mác xít hiện đại. Đến lượt nó, đó chính là cơ sở để củng cố niềm tin, lý tưởng và ý thức chính trị cho cán bộ. Thứ hai, giúp đội ngũ cán bộ chiến lược quan tâm đúng mức đến công tác tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tế, tiếp nhận và vận dụng những thành tưu lý luận mới vào thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

 

Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn.

 

Về nội dung, kết hợp tốt 5 phương hướng nghiên cứu: 1) Tiếp tục đào sâu nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định được những giá trị đúng đắn, những vấn đề phương pháp luận cốt lõi, những vấn đề lịch sử đã vượt qua. 2) Mở rộng việc nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu lý luận của nhân loại, những bài học thành công, thất bại của phong trào công nhân, cộng sản, của chủ nghĩa xã hội hiện thực và những thành tựu lý luận khác của nhân loại, theo phương châm tận dụng tốt nhất những giá trị tích cực của nhân loại phụ vụ cho lợi ích dân tộc, cho mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. 3) Tiếp tục nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ hơn và truyền bá sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân những giá trị sáng tạo to lớn của Người về vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. 4) Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu gắn với tổng kết thực tế, đặc biệt là các mô hình hay, những kinh nghiệm tốt trong việc giải quyết các mối quan hệ lớn, cập nhật và làm rõ những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, phát hiện và phản biện kịp thời những chính sách không còn phù hợp. 5) Nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tế,tiếp tục làm sáng tỏ hơn mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, luận giải và làm rõ những vấn đề thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước đang đặt ra, xây dựng cơ sở khoa học và thực tế phục vụ tốt cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

 

Để thực hiện tốt 5 phương hướng trên, cần thực sự đổi mới tư duy lý luận, đổi mới phương pháp nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, vận dụng những phương pháp, cách tiếp cận hiện đại. Đặc biệt, “các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở” phải “đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc” theo yêu cầu mà Đại hội XII của Đảng đề ra là “khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm” (4). Những phương pháp, phong cách đó là cần thiết đối với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nói chung, đồng thời cũng là điều kiện cần thiết cho việc đổi mới nội dung, phương pháp nghiên cứu, phát triển lý luận nói riêng.

 

Ba là, đổi mới tổ chức hệ thống các cơ quan nghiên cứu và xây dựng, sử dụng đội ngũ cán bộ, chuyên gia lý luận.

 

Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ yêu cầu: “Đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng; đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là những chuyên gia đầu ngành”(5). Trên thực tế, mô hình tổ chức các cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng đã được hình thành trong quá trình đổi mới, đến nay chưa có thay đổi, cơ chế vận hành của hệ thống có nhưng chuyển biến nhất định nhưng nhiều vấn đề chưa rõ ràng, nhất là cơ chế vận hành, sự phân định trách nhiệm, các điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, quan hệ giữa các cơ quan nghiên cứu trong cả nước. Hoạt động nghiên cứu, phát triển lý luận còn tách rời với hoạt động tham mưu về chính sách. Vì thế, việc đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế vận hành của các cơ quan nghiên cứu, phát triển lý luận theo tinh thần Đại hội XII của Đảng là cấp bách.

 

Việc xây dựng, sử dụng đội ngũ cán bộ, chuyên gia lý luận, từ công tác đào tạo ban đầu, đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia, đến chế độ sử dụng, đãi ngộ với cán bộ nghiên cứu lý luận nhất là cán bộ khoa học đầu ngành cần được đổi mới đồng bộ. Cần có chính sách thu hút nhân tài vào các ngành đào tạo, nghiên cứu lý luận chính trị thông qua chính sách đãi ngộ thích đáng và nhiều biện pháp ưu đãi khác. Đối với các chuyên gia đầu ngành, cần có chính sách sử dụng thống nhất, chế độ đãi ngộ thích hợp, khuyến khịch đối với các thành tựu nghiên cứu. Cần có chính sách sử dụng, khai thác hợp lý đối với những cán bộ, chuyên gia lý luận đã quá tuổi lao động nhưng còn có sức khỏe và năng lực làm việc tốt.

 

Bốn là, đổi mới về cơ chế, chính sách, chế độ trong công tác lý luận

 

Cần thiết phải đổi mới chính sách đầu tư, phân bổ nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và điều kiện làm việc cho công tác nghiên cứu lý luận. Về quản lý tài chính đối với hoạt động nghiên cứu lý luận cần chuyển sang chế độ đặt hàng, quyết toán đầu tư theo kết quả nghiên cứu, kiên quyết cắt bỏ những khâu thủ tục hành chính, giấy tờ phức tạp và không có ý nghĩa thực tế. Các kết quả nghiên cứu phải có địa chỉ sử dụng hoặc gắn liền với yêu cầu hoạch định chính sách. Cần có sự chỉ đạo, đánh giá chung, thống nhất trong cả hệ thống để tránh sự chồng chéo, trùng lặp đề tài, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

 

Bên cạnh đó, để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu lý luận cần có chính sách, chế độ đầu tư, đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật như thông tin, tư liệu, thư viện, không gian làm việc cho các cơ quan lý luận, các nhà khoa học, nhất là các chuyên gia đầu ngành./.

________________________________

 

([1]) (2) (3) (4) (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, tr.75, 67, 98, 51,201

GS.TS.Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất