(TG)-Phụ nữ là một nửa nhân loại. Ai trong số chúng ta cũng đều có một người phụ nữ để yêu thương, gửi gắm những cung bậc tình cảm khác nhau. Đó là người mẹ tảo tần, người chị thân yêu, là người em gái dịu dàng, người yêu hay người vợ hiền thục... Những người phụ nữ quanh ta đều là những bông hoa đẹp tỏa hương thơm ngát. Các nhạc sĩ đã không tiếc lời ca ngợi những người phụ nữ ấy. Những ngày tháng 10 này luôn vang lên bao giai điệu đẹp hát về họ. “Bài ca người phụ nữ Việt Nam” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một giai điệu như thế.
Tôi được nghe bài hát này từ khi còn là học sinh cấp 1. Trong một lần theo mẹ đi tập văn nghệ cho Hội diễn chào mừng ngày 8 - 3, thấy mẹ và các cô tập hát một giai điệu rất mượt mà:“Dòng dõi Bà Trưng vốn xưa nay anh hùng. Giáp mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng. Như cánh lúa hiến cho đời bao sức sống, xứng danh đã trao tặng người trung hậu đảm đang...”. Lúc đó tôi chỉ biết đến Bà Trưng, Bà Triệu qua các bài học lịch sử và cảm phục tấm gương các liệt nữ anh hùng thời xưa. Nhưng khi thấy mẹ và các cô hát với niềm tự hào say mê, tôi đã nhẩm theo. Rồi bài hát ngấm vào tôi từ lúc nào không hay. Sau này, khi đã trưởng thành, tôi càng thấm thía cái hay của lời hát.
Bài hát được viết ở thể thức 1 đoạn đơn với 2 lời ca. Giai điệu dễ hát, bình ổn, lời ca dung dị gần gũi khiến ai đã nghe một lần là bị cuốn hút và thuộc ngay. Với lối viết giản dị như một lời kể chuyện tâm tình, chỉ mấy câu ngắn gọn, bài hát đã làm nổi bật hình ảnh người phụ nữ Việt nam trên mọi mặt trận: Trong chiến đấu, chị em thể hiện khí tiết Bà Trưng, Bà Triệu “giáp mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng”. Những thước phim chạy trước mắt ta với chiến công quả cảm của Chị Út Tịch bằng quyết tâm “còn cái lai quần cũng đánh”; chị La Thị Tám đã quên mọi hiểm nguy đếm từng loạt bom rơi để đáng dấu tọa độ giúp cho công binh phá bom chính xác... Không chỉ “chắc tay súng”, các chị còn “vững tay cày”. Trên đồng ruộng, các chị “như cánh lúa hiến cho đời bao sức sống”. Những phụ nữ dân quân khoác “cây súng thép bên mình” và “xốc tới” nhưng vẫn không quên đường cày đảm đang bởi các chị có “tình yêu ngô lúa sắn khoai”. Trong nhà máy công xưởng, phong trào thi đua giành năng suất mới được nở rộ, và có niềm vui nào tả xiết khi nhìn thấy máy móc được đưa vào thay thế cho sức người. Thật tự hào với những chị em phụ nữ của các phong trào “Ba đảm đang”; “Chắc tay súng, vững tay cày”. Ta như gặp lại những cô gái đảm Đan Phượng của Hà Tây quê lụa, “Chị Hai năm tấn” của vùng lúa Thái Bình, “Cô Ba dũng sĩ” của Trà Vinh, những cô gái Bến Tre đồng khởi đã làm nên kỳ tích anh hùng của đội quân tóc dài…
Bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác năm 1970, đúng vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn cam go nhất, miền Băc vừa xây dựng CNXH vừa là hậu phương vững chắc chi viện cho chiến trường miền Nam để “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Ta như thấy hình ảnh của nữ dân quân Ngô Thị Tuyển đã vác hòm đạn nặng hơn trọng lượng cơ thể để tiếp cho mâm pháo. Ta cũng thấy hình ảnh anh hùng lao động Cù Thị Hậu đứng bên máy dệt thoăn thoắt thoi đưa, làm ra nhiều sản phẩm, vượt năng suất. Các chị là những cánh chim không mỏi thực hiện khẩu hiệu “hậu phương thi đua với tiền phương”. Công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc lúc đó, các chị đều là những anh hùng, ban ngày say mê trên đồng ruộng, công xưởng, nhà máy, hầm mỏ, tối đến lại trực chiến bên mâm pháo bảo vệ làng xóm quê hương. Tác giả đã khẳng định họ là những người đã “thêu gấm hoa vào nền non nước Việt Nam”.
Nhiều năm qua đi, những con người của các phong trào ấy đã “con đàn cháu đống”, và tác giả của bài hát cũng thuộc lớp người xưa nay hiếm, nhưng “Bài ca phụ nữ Việt Nam” cùng với bao bài hát khác ca ngợi người phu nữ vẫn vang lên trên mọi miền đất nước, như những đóa hoa đẹp dành tặng chị em.
Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ đã thành công nhất trong việc khắc họa hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong ca khúc của mình. Khi nhắc đến những tác phẩm của ông, không thể không nhắc đến “Bài ca phụ nữ Việt Nam”, bởi bài hát đã khái quát được hình tượng người phụ nữ qua mọi thời đại. Bên cạnh những ca khúc “Dáng Đứng Bến Tre”, “Mẹ yêu con”... của ông, “Bài ca phụ nữ Việt Nam” sẽ mãi là món quà ý nghĩa nhất dành tặng chị em trong mỗi dịp 20-10.
Nguyễn Thị Diệp