Thứ Sáu, 20/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Tư, 11/9/2013 9:1'(GMT+7)

“Mùa hạ cuối cùng”: Giáo dục lớp trẻ bằng niềm tin

Kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1988- 2013), Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam tổ chức “Liên hoan Sân khấu kịch Lưu Quang Vũ” diễn ra từ ngày 9-16/9. Nhà hát Tuổi trẻ tham gia với ba tác phẩm, đó là “Mùa hạ cuối cùng”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và “Lời thề thứ 9”. Trong đó, vở “Mùa hạ cuối cùng” do nghệ sỹ ưu tú Chí Trung, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ làm đạo diễn.

 
 
 


“Mùa hạ cuối cùng” của tác giả Lưu Quang Vũ là vở kịch nói về vấn đề giáo dục con người bằng niềm tin. Tác phẩm là tiếng nói của những học sinh với khao khát đầu đời, mong muốn được trở thành những người có ích cho xã hội.

Câu chuyện nói về Châu, một học sinh giỏi, thông minh và thẳng thắn. Trong kỳ thi cuối năm lớp 12, Châu phát hiện ra mình đã biết trước đề thi. Cậu phản ánh với thầy giáo trong ngày thi học kỳ môn cuối cùng và bày tỏ mong muốn đề thi cần phải được thay đổi. Ban giám hiệu đã có cuộc họp, mọi mâu thuẫn xảy ra, để đảm bảo cho danh dự của nhà trường, đề nghị của Châu không được chấp nhận và cậu bị vào danh sách những học sinh cá biệt. Cuối cùng, Thời –một học sinh được Châu kèm học đã thú nhận tất cả, mẹ Thời đã mua đề thi nhằm giúp con mình vượt qua kì thi tốt nghiệp.

 Với cá tính thẳng thắn, bộc trực, Châu đã không chấp những đề nghị của bố mẹ, thầy cô cũng như nói ra người đã đưa đề thi cho mình. Cậu đã hoang mang trước những sự việc dồn dập xảy đến với mình sau khi báo cáo sự việc với giáo viên. Châu tìm đến với đám bạn nghịch ngợm, uống rượu, đi xem phim rồi làm loạn trong rạp. Để cuối cùng cậu được đưa đến bệnh viện tâm thần để kiểm tra sức khỏe.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã xây dựng những chi tiết đắt giá biểu lộ tâm lý của cậu học sinh cấp ba khi khủng hoảng niềm tin…

 Vở kịch không chỉ đề cập đến sự trung thực của tuổi trẻ, cố tác giả Lưu Quang Vũ đã khéo léo lồng vào đó những tính toán, mục tiêu của người lớn với những giá trị khác nhau. Một bà mẹ mua đề thi để cho con có thể tốt nghiệp cấp ba trước khi lo suất du học nước ngoài, một giáo viên chỉ vì muốn căn chung cư riêng đã đánh cắp đề thi…Ai cũng có những toán tính cho riêng mình và những toan tính đó sẽ như thế nào, diễn biến ra sao khi đứng trước câu hỏi: Thế hệ đi trước có trách nhiệm như thế nào đối với thế hệ đi sau? Sự trung thực, thẳng thắn, niềm tin, lòng tự trọng liệu có còn tồn tại.

Đạo diễn Chí Trung đã đem phong cách riêng biệt của Nhà hát Tuổi trẻ vào trong vở kịch “Mùa hạ cuối cùng”, ở đề tài chính luận nặng về tính giáo dục nhưng vở kịch lại trẻ trung, đầy ắp những tình huống hài hước. Nghệ sỹ Chí Trung đã dàn dựng theo lối một màn, được chia thành 2 phần.

 Ở phần hai, cách làm này của đạo diễn Chí Trung đem lại nhiều tiếng cười cho khán giả. Dấu ấn đậm nét của Chí Trung trong các tình huống hài, lời thoại dí dỏm thể hiện rõ trong phần này. Ngoài việc đưa nhiều tình huống hài vào trong tác phẩm chính kịch, nghệ sỹ Chí Trung cũng áp dụng một số thủ pháp của điện ảnh, múa vào trong tác phẩm, qua đó vở kịch trở nên nhẹ nhàng, dễ xem hơn đối với khán giả.

Bên cạnh đó, điểm thực sự hấp dẫn người xem khi đến với vở kịch cũng đến từ lối diễn thiên về tính hài của các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ. Dàn diễn viên thường đóng các tiểu phẩm hài nổi tiếng như: NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Đức Khuê, Anh Tuấn… với lối diễn tự nhiên, nhập vai như không đã đem đến cho khán giả nhiều sảng khoái. Cứ hình dung ra, nếu vở kịch thiếu đi những tình huống hài hước chắc hẳn sẽ rất nặng nề và mệt mỏi với khán giả bởi tính triết lý mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã chuyển tải trong kịch bản đậm chất giáo dục.

 Mong rằng với cách làm mới những tác phẩm giá trị  này, đạo diễn Chí Trung sẽ mang đến cho khán giả Hà Nội một “Mùa hạ cuối cùng” với nhiều cung bậc cảm xúc và hình ảnh đẹp, mở ra một cuộc thay đổi cho sân khấu kịch miền Bắc đang trên đà phát triển./.

 Tuấn Đạt


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất