Trong đó, phía Việt Nam có các tác giả Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh
Thảo, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy,
Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, Inrasara,
Nguyễn Ngọc Tư, Đặng Thư Cưu.
Sách in ba thứ tiếng Việt, Anh, Thái-lan, do NXB Trường ĐH
Chulalongkorn – Thái-lan thực hiện, là kết quả dự án hợp tác văn học
Thái - Việt được hai hội phối hợp với sự hỗ trợ của Văn phòng văn hoá
nghệ thuật đương đại Thái-lan.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết, với ấn phẩm
khởi đầu này, ban biên soạn cũng không dễ dàng trong việc chọn lựa tác
giả và tác phẩm. Mà giống như cách của các kiến trúc sư, cuốn sách như
một ngôi nhà với mỗi tác phẩm như một cửa sổ mở ra một quang cảnh.
Chủ tịch Hội Nhà văn Thái-lan Chen Songsomphan cho rằng, ngày xưa người
Thái đã sinh sống ở đồng bằng sông Hồng rồi tỏa đi các nơi. Cuộc ra
sách lần này như sự trở lại quan trọng trong cùng một dân tộc, trên một
địa bàn. Đó là sự trở lại bằng con đường của dòng chảy văn học. Và tình
hữu nghị của hai nước sẽ như hoa sen nở trên dòng chảy đó.
Lãnh đạo của hai Hội cùng Văn phòng văn hoá nghệ thuật đương đại
Thái-lan đều thể hiện mong muốn sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động
tuyển chọn, in ấn, giới thiệu ấn phẩm chung của nhà văn hai nước, cũng
như những cuộc tham quan, thực tế sáng tác của các tác giả Thái-lan tại
Việt Nam và ngược lại.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội chia sẻ: Tôi hân hạnh làm
một hạt đất làm nên cuốn sách – “viên gạch” lớn này. Tôi cảm thấy hai
dân tộc Việt Nam và Thái-lan đang có nhiều lý do để trở lại với nhau và
cũng có nhiều lý do để không xa nhau nữa. Hy vọng từ đây, sẽ có thêm
những “viên gạch” thứ hai, thứ ba…, thứ một trăm và nhiều hơn, để chúng
ta cùng xây một lâu đài bền vững cho nhân dân hai nước.