Từ nhỏ, khi theo chị đi tập hát ngoài sân đình, tôi đã được biết một giai điệu rất vui “em trồng hoa hồng bên anh đài chiến công ghi nhớ đời đời…” cùng bao câu chuyện các anh chị phụ trách kể về liệt sĩ Kim Đồng, Vừ A Dính… Lớn thêm chút nữa, tôi tham gia Đội Thiếu niên chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, càng hiểu hơn ý nghĩa của câu hát năm nào. Đến khi trở thành giáo viên nhạc, trực tiếp đánh đàn dạy hát cho học trò, giai điệu bài hát năm xưa vẫn in đậm trong tôi. Từ trái tim, tôi luôn muốn góp phần “truyền lửa” của bài hát đó đến các em. Bài hát mang cái tên rất ý nghĩa: Trồng hoa trên mộ liệt sĩ – một sáng tác của nhạc sĩ Thế Song. Toàn bộ lời bài hát như sau:
“Em trồng hoa hồng bên anh đài chiến công ghi nhớ đời đời. Em được nghe chuyện năm xưa người chiến sĩ giữ gìn non sông. Nếu các anh mến yêu hãy còn hôm nay anh sẽ dạy em nhiều bài hát rất hay. Em tung tăng nhảy múa bên anh người chiến sĩ anh hùng, trông hoa tươi chúng em không quên là nhờ ơn các anh.
Em trồng hoa hồng nở thắm bao chiến công ghi nhớ đời đời. Em được nghe chuyện năm xưa người chiến sĩ giữ gìn non sông. Dẫu các anh đã hy sinh ở nơi đây, nhưng muôn đời anh là người đã đắp xây nên bao trang sử sách vinh quang trên đất nước anh hùng. Trông hoa tươi chúng em không quên là nhờ ơn các anh.”
Bối cảnh bài hát là một buổi chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ của các em nhỏ. Các em vừa hát, vừa nhổ cỏ, trồng hoa, chăm sóc các phần mộ. Rồi lại được tham dự một buổi ngoại khóa đầy ý nghĩa ngay tại nghĩa trang, nghe kể về chiến công xưa của các anh hùng liệt sĩ. Những chiến công hiển hách ấy nở thắm như những bông hồng em trồng hôm nay. Trồng hoa, chăm sóc phần mộ các anh, em liên tưởng đến một chuyện cũng rất ngây thơ trong sáng và gần gũi: nếu các anh còn đến hôm nay, em sẽ được các anh dạy chữ, dạy hát - những bài hát về truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chống ngoại xâm. Hẳn là lúc đó em rất vui, nhảy múa bên anh ca hát líu lo như những chú chim non. Nhưng các anh đã mãi mãi nằm lại nơi đây, để cho dân tộc ta được độc lập, để em được học hành, ca hát vui chơi. Và hôm nay, em đã cùng bạn bè đến chăm sóc phần mộ của các anh, nhổ cỏ, trồng hoa trên mộ. Đài tưởng niệm “Tổ quốc ghi công” được các em gọi là Đài chiến công, hoa luôn nở thắm như những chiến thắng của các anh vang dội năm nào.
Bài hát được ra đời những năm 60 của thế kỷ XX, khi phong trào Trần Quốc Toản đã bắt đầu được phát động. Chỉ với 4 câu nhạc, 2 lời ca ngắn gọn, tác giả đã khéo léo đưa một phong trào đầy ý nghĩa của tuổi thơ vào âm nhạc, để mãi mãi về sau, các thế hệ măng non nối tiếp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Được tiến hành với giai điệu bình ổn, chỉ với tiết tấu móc đơn và nốt đen, ca từ dung dị mộc mạc, nhưng bài hát đã chuyển tải được một lượng thông tin lớn. Nghe bài hát ta như thấy dòng thời gian chạy qua trước mắt, những thước phim về chiến công, về sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ năm xưa. Ta như thấy được anh hùng nhỏ tuổi Lê Văn Tám đã biến mình thành ngọn đuốc sống lao vào kho xăng của địch; anh Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, anh Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai; anh Nguyễn Viết Xuân với khẩu lệnh “nhằm thẳng quân thù mà bắn”… Những anh hùng liệt sĩ ấy đã hòa vào hồn thiêng đất nước, máu của các anh đã nhuộm thắm thêm ngọn cờ Tổ Quốc, để hôm nay trên mộ các anh luôn nở rực những bông hoa tươi thắm. Các anh đã hy sinh nhưng chiến công của các anh muôn đời bất diệt, tên tuổi của các anh là tên của đất nước Việt Nam. Vâng “dẫu các anh đã hy sinh ở nơi đây, nhưng muôn đời anh là người đã đắp xây nên bao trang sử sách vinh quang…”. Câu hát đó khiến ta nghẹn lại, và cũng thật tự hào vì Tổ quốc ta đã có những người con trung hiếu – những người chẳng tiếc máu xương đã quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.
Sự hy sinh ấy cũng dễ hiểu, bởi một dân tộc có nhiều cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, tổn thất chắc chắn sẽ xảy ra. Biết bao bà mẹ ngóng chồng con mỏi mòn mãi không về. Mẹ Thứ ở Quảng Nam hàng ngày đến bữa ăn vẫn lấy đủ 11 cái bát và đôi đũa mời các con về ăn cùng… và còn biết bao bà mẹ khác nữa… Dân tộc Việt nam đã thể hiện lòng biết ơn ấy bằng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Việc chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc thương binh, phụng dưỡng Bà mẹ Việt nam anh hùng, đi tìm đồng đội… đang được toàn xã hội chung tay giúp sức. Các anh chị đã nằm lại nơi đất mẹ, nhưng cây và hoa vẫn xanh tốt quanh năm bên phần mộ. Một cây bằng lăng được trồng tại nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai) theo tâm nguyện của nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hoa (quê ở Thượng Tiết – Đại Hưng – Mỹ Đức - Hà Tây cũ); cây lê ki ma từ miền đất đỏ vượt trùng khơi ra Côn Đảo tỏa mát bên mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương; hai cây bồ kết được trồng trong nghĩa trang Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc… và hôm nay, các em lại trồng hoa hồng trên mộ liệt sĩ. Những liệt sĩ ấy em chỉ biết tên qua tấm bia khắc trên mộ, chỉ biết qua lời kể của người lớn về những chiến công hiển hách, nhưng em rất đỗi tự hào được là người hàng ngày chăm sóc phần mộ của các anh, để mồ anh hoa nở thắm như những chiến công của các anh năm xưa. Bài hát kết thúc mà ta vẫn nghe dư âm đâu đây văng vẳng tiếng hát của các em thiếu niên đang chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, tay nhổ cỏ trồng hoa. Câu kết của bài hát là lời biết ơn sâu sắc của thế hệ trẻ “trông hoa tươi chúng em không quên là nhờ ơn các anh”.
Tháng 7 lại về, toàn dân tộc kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ bằng những việc làm tri ân đền ơn đáp nghĩa rất thiết thực. Cùng với bài hát Huyền thoại mẹ (Trịnh Công Sơn), Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến), Hát dưới thành Quảng Trị (Vũ Trọng Tường)…một chùm ca khúc thiếu nhi là lời tri ân những người con trung hiếu như Đưa chú thương binh qua đường (Trần Đức), Trồng hoa trên mộ liệt sĩ (Thế Song)… lại vang lên, góp vào khúc tráng ca bất tử của dân tộc Việt nam.
Theo dòng thời gian, cùng với những hoạt động nhân ngày 27/7 hàng năm, chăm sóc phần mộ liệt sĩ vẫn là một việc làm thiết thực, được tuổi thơ Việt nam duy trì và trân trọng. Cùng với đó, ca khúc Trồng hoa trên mộ liệt sĩ thực sự trở thành bài ca đi cùng năm tháng, là bài hát sống mãi với tuổi thơ.
Nguyễn Thị Diệp