Thứ Ba, 1/10/2024
Thể thao
Thứ Năm, 12/5/2011 21:26'(GMT+7)

Balotelli và câu chuyện màu da

FIFA đã có hẳn một chiến dịch bảo vệ những cầu thủ da màu.

FIFA đã có hẳn một chiến dịch bảo vệ những cầu thủ da màu.

Nhắc đến câu chuyện phân biệt chủng tộc thì không thể không nhắc tới Balotelli, một người Italy “đen”. Sinh ra tại Palermo, đảo Sicily, “vương quốc” của mafia, trong một gia đình người Ghana nhập cư bất hợp pháp, tuổi thơ của Mario gắn liền với trộm cướp, cờ bạc, ma túy, bạo lực và hơn cả là sự kỳ thị của đám bạn, của xã hội. Lên ba, cha mẹ ruột Mario từ bỏ quyền nuôi con và trao lại đứa trẻ cho vợ chồng Francesco và Silvia Balotelli, cũng từ đó Mario mang họ Balotelli. Mario còn không được mang quốc tịch Italy cho đến khi đủ 18 tuổi, mặc dù cha mẹ hợp pháp của anh là những người Italy gốc. Bất chấp tài năng của Mario, anh vẫn bị kỳ thị chỉ vì mang màu da không giống với những người khác. Người ta gọi anh là “Cậu bé hư”, không sai, Balotelli quả thật rất ngỗ ngược, nhưng liệu có ai đặt câu hỏi ngược lại rằng vì sao anh lại trở thành như vậy?

Câu chuyện về cuộc đời của chàng trai mới bước qua tuổi 21 chẳng phải hiếm thấy trong xã hội Italy cũng như khắp châu Âu.

“Mono mono” (khỉ khỉ), từ này không chỉ xuất hiện ở trên đường phố mà còn len lỏi đến cả trên các khán đài, thậm chí xuống cả sân cỏ ở những trận đấu thuộc hạng lớn nhất thế giới. Câu chuyện về những cầu thủ da màu bị kỳ thị càng ngày càng dày lên mặc những lời kêu gọi chống phân biệt chủng tộc. Chỉ cần lên google, gõ dòng chữ: “Racism, football” ngay lập tức hơn 7 triệu kết quả được tìm thấy, đây chỉ là một ví dụ để minh họa cho nạn kỳ thị.

FIFA đã có hẳn một chiến dịch “Say no to racism” để bảo vệ những cầu thủ da màu. Dòng chữ này xuất hiện khắp nơi ở vị trí trang trọng nhất SVĐ song nó dường như chẳng có mấy tác dụng. Mới đây nhất, một scandal về phân biệt chủng tộc nổ ra tại nước Pháp. Trang Internet Mediapart của nước này đã công bố thông tin về một cuộc họp nội bộ của Cục Kỹ thuật quốc gia (DNT) thuộc Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) diễn ra ngày 8/11/2010.

Theo văn bản, một số nhân vật chức trách của FFF đã có những lời lẽ chứng tỏ rằng tuyển Pháp muốn đặt ra một số lượng cụ thể cầu thủ da màu và gốc Bắc Phi tham gia đội bóng. Chưa hết, tối 5/5, Mediapart lại tiếp tục công bố một bản đồ minh họa về tỷ lệ phần trăm quốc tịch nước ngoài của các tuyển thủ trẻ.

Như vậy, nếu chiếu theo những công bố này thì không khác gì những người của FFF đã công khai phân biệt chủng tộc. Họ đã quên rằng, thế hệ của Desailly, Thuram, Makelele, Zidane, những người da màu, nhập cư, nhưng chính là nền tảng sức mạnh của “Dream Team” áo Lam trong giai đoạn huy hoàng nhất lịch sử bóng đá xứ lục lăng.

Còn ở đâu nữa, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Nga… những câu chuyện về sự phân biệt với những người không phải da trắng trên sân cỏ cũng nhan nhản không kém gì Italy, Pháp.

Vậy đấy, tại xã hội mà họ coi là văn minh nhất nhân loại đang tồn tại những hành động chống lại quan hệ giữa con người với con người. Tệ phân biệt chủng tộc đã trở thành một vết dầu loang không chỉ trong đời sống xã hội văn minh mà nó còn len cả vào thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, nơi ngẫm tưởng chỉ dành cho tính cao thượng, tình đoàn kết.

Leonardo, HLV trưởng của Inter Milan đã phát biểu: “Không phải dễ dàng cho Balotelli lớn lên trong một xã hội như thế”. Phải, ai cũng biết bóng đá có một sức mạnh truyền thông ghê gớm đến mức nào, hình ảnh Buquest gọi Marcelo là “khỉ” hay những lời lẽ mạt sát trên khán đài cứ vang lên và truyền tới hàng tỷ người xem. Bao nhiêu trong số đấy là trẻ em và liệu chúng sẽ hành động giống những “thần tượng” của mình?./.

(Quang Trung/Báo TNVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất