Chủ Nhật, 8/12/2024
Hướng dẫn chỉ đạo
Thứ Ba, 20/2/2018 10:52'(GMT+7)

Bản anh hùng ca bất diệt

Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

 
1. Năm 1998, đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác Hồ - hồi tưởng lại: “Có tiếng pháo nổ ran tiễn Đinh Mùi đón Mậu Thân. Cùng lúc, từ chiếc đài bán dẫn, lời chúc Tết của Bác Hồ vang lên sang sảng: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên!/Toàn thắng ắt về ta! Trong căn phòng vắng chỉ có hai người. Tiếng Bác Hồ ngân vang… Khi đài đọc xong câu cuối của bài thơ “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” tôi bỗng nghe Bác nói khẽ: “Giờ này miền Nam đang nổ súng…”.
 

 

Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Toàn bộ hậu phương an toàn nhất của kẻ địch đều bị tiến công đồng loạt. Thế của hai bên trong chiến tranh bị đảo lộn, hậu phương của địch bỗng chốc trở thành tiền tuyến nóng bỏng. Đúng là ta đã ra những “đòn sấm sét” ngay trong lúc Mỹ - ngụy có hơn một triệu quân, nắm trong tay những phương tiện chiến tranh hiện đại, lại bố trí trong thế phòng thủ liên hoàn vững chắc, mà chúng hoàn toàn bị bất ngờ. Có thể nói, đợt đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, chúng ta đã ra đòn bất ngờ và đánh trúng vào hệ thần kinh trung ương của địch, đánh vào “huyết mạch”, vào “tim óc” và “yết hầu” của chúng.

Các lực lượng vũ trang tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy rất đa dạng, bao gồm lực lượng của toàn Đảng, toàn quân và quần chúng yêu nước ở miền Nam, nòng cốt là lực lượng vũ trang giải phóng với trên 27.000 quân. Mỗi lực lượng có nhiệm vụ riêng, trong đó phải kể đến chiến công của lực lượng mũi nhọn biệt động tại các đô thị, nhất là Sài Gòn, đã gây bất ngờ và nhiều thiệt hại cho địch; tuy vậy đây cũng là lực lượng phải chịu những tổn thất không nhỏ. Trong các đợt Tổng tiến công và nổi dậy, hàng vạn quần chúng yêu nước, đủ các tầng lớp ở đô thị và ven đô đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đấu tranh chính trị, binh vận, diệt ác phá kìm, góp phần vào thắng lợi chung. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 còn là do sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh, sáng tạo của Đảng ta; sự thống nhất của ý chí, sự nghiêm minh của kỷ luật chiến trường đã quyện trong ý thức tự giác, lòng trung thành vô hạn, phẩm chất mẫu mực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp; sự đoàn kết nhất trí giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn của quân và dân hai miền Nam - Bắc. Do xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân - thế trận lòng dân, nên chúng ta đã làm tốt công tác chuẩn bị, giữ được bí mật cho đến giờ nổ súng.

Vì thất bại năng nề, sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược chiến tranh, tiến hành “Việt Nam hóa chiến tranh”. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn phải tuyên bố đơn phương ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của hậu phương lớn miền Bắc và hậu phương tại chỗ ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ nói chung, trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 nói riêng. Điều này càng chứng minh cho sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Đảng Lao động Việt Nam khi xác định: Xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn của cả nước, đồng thời xây dựng các vùng căn cứ ở miền Nam thành hậu phương tại chỗ. Miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc và bè lũ tay sai, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi cùng và động viên dân tộc Việt Nam trong suốt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đó. Đầu năm 1968, tuy đang phải chữa bệnh ở Trung Quốc, nhưng Bác Hồ đã viết “thư gửi đồng chí Lê Duẩn” thể hiện nguyện vọng thiết tha của Người muốn đi thăm miền Nam “trước” chứ không phải là “sau” ngày thắng lợi hoàn toàn. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích anh em. Nhưng rất tiếc nguyện vọng của Bác Hồ đã không thực hiện được vì với Người thì “miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Bác gửi điện cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam khen ngợi “quân và dân ta ở miên Nam đánh rất giỏi, rất đều, rất nhịp nhàng, đánh khắp nơi mà nơi nào cũng thắng to!” và không quên dặn dò: “Càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan. Quân địch như con thú dữ đến bước đường cùng càng giãy giụa điên cuồng, quân và dân ta càng phải tăng cường đoàn kết, kiên trì chiếu đấu, đánh mạnh, đánh liên tục giành những thắng lợi to lớn hơn nữa. Chúng ta có chính nghĩa, đồng bào, chiến sĩ cả nước ta một lòng anh dũng và mưu trí, quyết chiến quyết thắng, lại được cả phe xã hội chủ nghĩa và loài người tiến bộ đồng tình và ủng hộ, chúng ta nhất định toàn thắng”.

Từ khi Bác Hồ đọc lời kêu gọi: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” đến khi kết thúc cả ba đợt tấn công của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy làm cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ bị phá sản hoàn toàn, Người đã báo tin mừng cho đồng bào cả nước: “Ngày 1 tháng 11 năm 1968, Chính phủ Mỹ đã buộc phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Lời của Người như một lời “hịch” đanh thép thúc giục cả dân tộc đoàn kết đánh thắng giặc Mỹ: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”. Giáo sư Trần Bạch Đằng viết: “Chiến thắng chung của dân tộc cũng như chiến công của mỗi người đều có phần tham dự của Bác”, bởi vì lúc nào Người cũng hành quân cùng chiến sĩ, cùng dân tộc Việt Nam.

2. Cách đây 50 năm, vào thời điểm miền Nam Tổng tiến công và nổi dậy 1968 cả Hà Nội rạo rực mừng miền Nam thắng lớn: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua”: Trên các đường phố, người người nối nhau xếp hàng mua báo. Trong mọi nhà, trên nhiều đường phố lớn, người người tập hợp đông đúc quanh các loa truyền thanh, lắng nghe từng tin chiến thắng mới. Khi ánh đèn thành phố vừa bật sáng, tiếng loa thông tin ở nhiều khối dân phố đã vang vang mời bà con họp mặt để nghe thông báo về “thắng trận tin vui khắp nước nhà”, để quyết định những việc làm trước mắt cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Người Hà Nội trong những giờ phút này, hơn lúc nào hết, thấy cả lòng mình tưng bừng phấn khởi vì miền Nam, hết lòng hết sức vì miền Nam, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao cảnh giác quyết góp phần lớn nhất của mình để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Tại các nhà máy: Biến thế điện, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí Hà Nội, anh em công nhân đã tổ chức họp mít tinh lấy thành tích lập được trong thời gian qua chào mừng chiến công oanh liệt của quân và dân miền Nam. Anh chị em đã hoàn thành vượt mức kế hoạch tháng 1 năm 1968, nêu cao quyết tâm bám máy, bám lò đẩy mạnh sản xuất; tất cả đều ra sức thi đua sản xuất giỏi, tổ chức tốt đời sống trong bất kể tình huống nào. Nông dân trong các hợp tác xã cấy nốt và chăm sóc lúa chiêm làm thủy lợi. Các tầng lớp trí thức Thủ đô được khí thế chiến thắng ở miền Nam là nguồn cổ vũ đã đi sâu vào công trình nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học nghệ thuật, đẩy mạnh công tác giáo dục, y tế, góp phần làm Thủ đô xứng đáng là trung tâm văn hóa cả nước. Thanh niên Thủ đô đẩy mạnh phong trào “ba sẵn sàng”, phụ nữ cũng thực hiện quyết tâm của mình với phong trào “ba đảm đang”…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng gửi tới miền Nam thành đồng Tổ quốc và Sài Gòn, Huế anh hùng lời chúc mừng quyết thắng: “Chiến sĩ và đồng bào ta đã thực hiện lời chúc Tết của Bác Hồ kính yêu: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua” bằng những chiến công kỳ diệu tuyệt vời làm cho bọn địch bạt vía kinh hồn!”. Tin vui này “đến giữa lúc Hà Nội đón xuân chiến thắng… Tất cả Hà Nội muốn gửi đến bà con cô bác, anh em đồng chí muôn vàn bông hoa đẹp của Thủ đô đang mừng xuân và mừng chiến thắng để bà con đồng chí găm trên áo, trên súng, hoa chiến thắng hiên ngang của triệu triệu dũng sĩ diệt Mỹ”.

Những bài học kinh nghiệm từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: 

Một là “khéo léo kết hợp thế công trên ba mặt trận: Chính trị, quân sự, ngoại giao bằng phương châm” vừa đánh vừa đàm”.

Hai là “kết hợp nhuần nhuyễn các hoạt động ngoại giao khác nhau để hỗ trợ, giúp đỡ và khuếch đại cho nhau, gây cho địch sức ép từ nhiều phía, dẫn đến lúng túng và bị khuất phục”.

Ba là “kiên trì tiến công địch trên mặt trận ngoại giao, khi có thời cơ cần có những bước tiến công mang tính đột phá, giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968 làm rung chuyển nước Mỹ là một trong những mốc son lịch sử, sự kiện mở đầu cho chuỗi thắng lợi liên tiếp của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Trận Điện Biên Phủ trên không 1972, Hiệp định Paris 1973; đó chính là cuộc Tổng diễn tập lớn cho Đại thắng mùa xuân 1975.

Nối tiếp và phát huy sức mạnh, ý chí và bài học của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy 1968, nửa thế kỷ trôi qua, quân và dân Việt Nam đã dành thắng lợi từng bước, tiến lên dành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến trống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ biên cương và biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế để Việt Nam có thể “vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu” trong thời đại toàn cầu hóa.
- - - - - - - -

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 cái nhìn sau nửa thế kỷ - NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - 2017
2. Bác Hồ và Tết Mậu Thân năm ấy - Vũ Kỳ - Văn Nghệ số Tết Mậu Dần 1998.
 
 
Võ Quốc Hiển/HNM
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất