Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 8/12/2009 21:50'(GMT+7)

Bản chất chế độ dân chủ của chúng ta

Chúng xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; ngợi ca, kích thích chủ nghĩa tự do, thực dụng. Những quan điểm “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” cùng với những luận điệu bóp méo sự thật “Việt Nam vi phạm dân chủ”, “mất dân chủ”, vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam là “trở lực” cho việc thực hiện dân chủ… do các thế lực thù địch bên trong và bên ngoài kết hợp chặt chẽ với nhau liên tiếp tung ra trong suốt hơn hai mươi năm đổi mới, lại rộ lên hiện nay với sắc thái biểu hiện mới.

Cần khẳng định lại rằng, luận điểm “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” chỉ có tính chất mị dân, thực chất là nhằm tước bỏ tính chất xã hội chủ nghĩa của nền dân chủ ở nước ta.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ khác hẳn về bản chất và đối lập về nguyên tắc với dân chủ tư sản. Đó là chế độ dân chủ “gấp triệu lần” hơn bất cứ chế độ dân chủ nào trong lịch sử như V.I.Lênin từng khẳng định. Thực thi dân chủ sai nguyên tắc, vô nguyên tắc đều là trái với lí tưởng của cách mạng, với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Xa rời những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội, thì việc dân chủ hóa sẽ trượt sang dân chủ phi xã hội chủ nghĩa và đồng nghĩa với việc thủ tiêu chủ nghĩa xã hội. Cần nhớ lại một bài học đau xót và thấm thía về sự vi phạm dân chủ và thực thi dân chủ sai nguyên tắc ở Liên Xô trong thời gian cải tổ. Những đơn thuốc “công khai hóa”, “dân chủ hóa”, “đa nguyên chính trị” đưa ra nhằm cải tổ chủ nghĩa xã hội lại tạo “thời cơ”, điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch ráo riết hơn, quyết liệt hơn trong mưu đồ chống phá và dẫn đến thủ tiêu chế độ Xô viết. 

Thực tiễn cho thấy, bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của nền dân chủ nước ta ngày càng thể hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày của quần chúng nhân dân. Kể từ khi khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa  (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), các tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức đứng lên làm chủ, tự mình tổ chức, cai quản và xây dựng xã hội mới. Đó là thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Chế độ dân chủ ở nước ta, xét về bản chất, là một thể chế chính trị mà trong đó quyền lực chính trị - xã hội thuộc về nhân dân; là chế độ bảo đảm quyền làm chủ trên thực tế của nhân dân trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tinh thần; phát huy cao độ tính tích cực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và thông qua Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Quyền làm chủ của nhân dân không chỉ thể hiện trong các văn bản hiến pháp, pháp luật, mà ngày càng được thể hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày.

Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong xã hội ta, mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia quản lí xã hội một cách trực tiếp, hoặc thông qua người đại diện do mình lựa chọn. Trong các cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, tỉ lệ cử tri đi bầu rất cao. Tỉ lệ đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo trong Quốc hội ngày càng cao, nhất là tỉ lệ nữ là đại biểu Quốc hội đứng thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 9/135 nước trên thế giới. Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn của Quốc hội; việc thực hiện đối thoại trực tuyến của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ… với nhân dân; những cuộc tiếp xúc của các đại biểu với cử tri chuẩn bị cho các kì bầu cử Quốc hội đã tạo điều kiện tốt hơn cho người dân thực hiện quyền làm chủ, thực thi quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động của Nhà nước và đề đạt nguyện vọng, ý kiến của mình. Điều đó thể hiện sâu sắc bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ dân chủ ở nước ta.

Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại trong đó có mạng Internet vào việc truyền bá các quan điểm thù địch, sai trái, xuyên tạc, công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong rất nhiều tài liệu tán phát trên mạng chúng vu cáo Đảng và Nhà nước ta vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, mà biểu hiện lộ liễu nhất là mới đây, một số tổ chức và cá nhân đã dựng đứng lên “tình hình vi phạm quyền tự do ngôn luận nghiêm trọng ở Việt Nam”; rồi kêu gọi Việt Nam “thả các blogger bị cầm tù và tôn trọng tự do Internet”.

Những ai xuyên tạc tình hình Việt Nam cần phải thấy rằng, hiện nay báo chí Việt Nam có sự phát triển nhanh về số lượng, loại hình, ấn phẩm, đội ngũ những người làm báo, số lượng người đọc; cơ sở vật chất kĩ thuật, công nghệ, năng lực tài chính, sự tác động và ảnh hưởng xã hội. Báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân; quyền tự do báo chí được bảo đảm bằng pháp luật và thể hiện cụ thể trong thực tiễn.

Ở Việt Nam, quyền tự do báo chí, tự do hội họp theo quy định của pháp luật. Hiện nay cả nước có 18.259 cơ sở của tổ chức xã hội, 1.681 cơ sở thuộc tổ chức xã hội - nghề nghiệp; có hơn 500 cơ quan báo chí, với hơn 700 ấn phẩm báo chí, hơn 2.500 trang thông tin điện tử đang hoạt động.  Những con số này vẫn tiếp tục gia tăng. Hệ thống phát thanh truyền hình phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các xã được phủ sóng truyền hình. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới về Internet. Đó là kết quả biểu hiện rõ ràng và sinh động về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở nước ta. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam có quyền ngăn chặn việc lưu hành trên mạng các thông tin và hình ảnh vi phạm thuần phong mĩ tục, kích động bạo lực, khiêu dâm, truyền bá các tài liệu chống phá đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, vi phạm an ninh quốc gia. Đó hoàn toàn không phải là “hạn chế dân chủ”, ngăn chặn sự “bày tỏ quan điểm ôn hòa trên Internet” như có người cố tình gán ghép. Những luận điệu vu cáo Đảng và Nhà nước ta “vi phạm” tự do ngôn luận, tự do báo chí là những luận điệu vô căn cứ, nhằm dụng ý xấu.

Cần phải thấy rằng, dân chủ bao giờ cũng gắn liền với pháp luật và kỉ luật, kỉ cương. Bất cứ một nền dân chủ nào cũng vậy, dù là dân chủ tư sản hay dân chủ xã hội chủ nghĩa đều tồn tại trong khuôn khổ pháp luật. Dân chủ không có nghĩa là dân chủ vô nguyên tắc, càng không thể là vô chính phủ. Tự do ngôn luận, tự do báo chí không có nghĩa là tự do đảo lộn “chính”, “tà”. Báo chí phải thực sự là “vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Lợi dụng dân chủ, lợi dụng tự do báo chí, tự do Internet để gây mất ổn định chính trị - xã hội, chống lại Tổ quốc và dân tộc là hành động không thể chấp nhận được, là trái với dân chủ.

Dù còn có những hạn chế nhất định trên con đường hoàn thiện, nhưng bản chất chế độ dân chủ ở nước ta là tốt đẹp và ưu việt. Bản chất tốt đẹp và tính ưu việt đó không phải tự nhiên mà có, mà đó là kết quả của biết bao mồ hôi công sức và cả máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam. Chúng ta phải kiên quyết bảo vệ, giữ gìn, nâng cao và phát huy trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

HƯNG HÀ

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất