Hiện nay, mực nước trên các sông, suối ở Tây Nguyên đang ở mức thấp so với nhiều năm, lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20 -70 %, có nơi trên 90%. Nước ở các hồ thủy lợi chỉ đạt trung bình từ 30 -60% dung tích thiết kế. Toàn khu vực Tây Nguyên đã có hơn 7.000ha lúa nước phải ngừng sản xuất. Diện tích lúa vụ Đông Xuân bị hạn gần 5.400 ha, trong đó hơn 1.500 ha diện tích mất trắng và thiệt hại trên 70%. Hơn 35.000 ha cà phê, hồ tiêu … thiếu nước tưới. Dự báo, đến cuối tháng ba nếu trời không mưa, diện tích cây trồng bị hạn hán, thiếu nước sẽ tăng lên 135.000ha. Toàn vùng có gần 17.600 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó Đác Lác 5.300 hộ, Đác Nông 5000 hộ, Gia Lai 3580hộ… Nguy cơ cháy rừng ở Tây Nguyên cũng đang nằm ở các cấp độ nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm, tình trạng này tiếp tục kéo dài trong thời gian đến…
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh trong khu vực đã nêu nhiều giải pháp ứng phó, nhằm giảm tối đa ảnh hưởng của hạn hán đối với sản xuất và đời sống nhân dân. Trong đó, chú trọng các giải pháp phòng chống hạn bền vững, lâu dài như tiến hành rà soát quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, lâm nghiệp, hệ thống cấp nước sinh hoạt; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án công trình, phi công trình phòng chống hạn; nâng cao năng lực dự báo nguồn nước, hạn hán bảo đảm chủ động ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan; thực hiện tốt công tác trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn…Các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ kinh phí để các địa phương kịp thời chống hạn, khôi phục sản xuất nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: Hạn hán ở Tây Nguyên diễn biến phức tạp và còn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sản suất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương, địa phương phải chủ động các giải pháp phòng, chống hạn. Đẩy mạnh công tác truyền thông hướng nhân dân trở thành chủ thể chống hạn; khoanh vùng có nguy cơ hạn cao để có biện pháp phòng, chống hạn hiệu quả; phải nắm chắc tình hình, hỗ trợ kịp thời không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói. Cục Trồng trọt phối hợp với Sở Nông nghiệp các địa phương triển khai ngay các gói hỗ trợ kỹ thuật để giúp người dân sản xuất tốt hơn. Phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam thống nhất kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện cấp nước tưới kịp thời cho sản xuất và sinh hoạt nhân dân vùng hạ du.
Báo
Nhân Dân