(TCTG) - Một lãnh đạo phụ trách công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình của thành phố Hòa Bình trăn trở: "Nhận thức của người dân về dân số đã cao hơn trước, nhiều gia đình nghèo và hộ gia đình người dân tộc Mường, Tày, Dao đã biết dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Nhưng không hiểu sao, tỷ lệ sinh con thứ ba lại rơi vào những gia đình khá giả".
Bỡ ngỡ với chuyện mất cân bằng giới tính
Ở Phường Chăm Mát- theo lời chị Nguyễn Thị Thu Hiền, cán bộ chuyên trách công tác dân số phường thì những năm qua rất ít trường hợp sinh con thứ ba.
Anh Phạm Thế Hùng trú tại số nhà 13, phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) là con trưởng trong nhà. Do áp lực con trưởng phải sinh con trai để có người nối dõi, vợ chồng anh đi bói. Thầy bói bảo, hai vợ chồng có thể có con trai, nhưng phải chờ đến khi người vợ 41 tuổi sinh thì mới hiệu nghiệm. Năm 41 tuổi, vợ anh sinh một cậu con trai. "Cả nhà từ đó mới thoải mái. Mẹ tôi cũng rất toại nguyện". Bạn bè, chòm xóm ùa đến chúc mừng. Hồi trước, thấy tôi xây nhà cao tầng, mấy ông bạn cứ bảo xây nhà tình nghĩa. Nay, họ lại đến vỗ vai: "Thế là từ nay hạ biển nhà tình nghĩa xuống được rồi nhé!", anh Hùng nhớ lại. Để có được cậu con trai, gia đình anh sẵn sàng chịu mất danh hiệu gia đình tiên tiến.
Ông Nguyễn Huy Lâm, Giám đốc trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình thành phố Hòa Bình cho biết, nếu như ngày xưa, chỉ những người nghèo, người dân tộc mới sinh nhiều con thì nay khác rồi. Có khoảng 90% trường hợp sinh con thứ ba rơi vào các gia đình khá giả. "Không phải họ không nhận thức được, nhưng họ vẫn vi phạm".
Mặc dù, theo thống kê, Hòa Bình chưa phải là điểm nóng về trường hợp sinh con thứ ba, nhưng những câu chuyện về dân số ở Hòa Bình, một trong 4 tỉnh miền núi phía Tây Bắc Việt Nam cũng gợi nhiều mối băn khoăn. Rõ ràng, vấn đề không nằm ở chỗ nhận thức mà chính là quan niệm phải có con trai để nối dõi vẫn đang ăn sâu vào suy nghĩ của người dân nơi đây. Anh Phạm Thế Hùng kể: Nhiều người bạn tôi không có con trai và phải cố nhưng không thành.
Bổ trợ cho tâm lý muốn có con trai và cố đẻ cho được "thằng cu" của anh Hùng cùng nhiều người bạn của anh là sự hiện đại của kỹ thuật. Càng ngày, người dân càng có nhiều cách để sinh con trai theo ý và có thể chọn giới tính khi sinh cho con ngay từ lần đầu tiên, để chắc ăn con trai ngay từ lần sinh đầu. Đó là lý do giải thích vì sao số trẻ trai sinh ra nhiều hơn trẻ gái dẫn tới tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh Hòa Bình ngày càng gia tăng.
Khẩu hiệu truyền thông cũ đã hết thời
Hậu quả của việc mất cân bằng giới tính đã được UNFPA cảnh báo trong một công bố mới nhất về hiện tượng nam hóa của dân số Việt Nam. Không những khả năng tìm kiếm bạn đời của nam giới mà còn tạo ra sự khủng hoảng trên thị trường hôn nhân. Nếu không có những can thiệp kịp thời, trong vòng 1 thập kỷ nữa, sẽ dư thừa hàng chục ngàn trẻ em trai, dẫn đến sự đảo lộn cơ cấu giới tính của dân số trưởng thành 20 năm sau đó.
|
"Gái hay trai chỉ hai là đủ", liệu khẩu hiệu này còn có sức thuyết phục. Ảnh: PQ |
Nhưng theo bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Giám đốc Chi cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế Hòa Bình), ở Hòa Bình, người dân chưa đặt lợi ích cộng đồng lên trên. Họ chỉ mong mỏi sao cho gia tộc mình không bị "tuyệt tự". Hệ lụy 20 năm nữa như thế nào, với người ta có vẻ còn xa vời.
Nhận thức của người dân miền núi về vấn đề giảm sinh đã có nhiều cải thiện theo chiều hướng tích cực, nhưng những kiến thức về mất cân bằng giới tính, thực trạng và hệ lụy lại chưa được đến với đồng bào các tỉnh miền núi.
Truyền thông về vấn đề này, vì thế, đòi hỏi phải chuyển biến.
Thực tế, công tác truyền thông chỉ mới tập trung vận động bà con đừng đẻ con thứ 3, chưa có mô hình truyền thông nào phổ biến những kiến thức liên quan về mất cân bằng giới tính.
Với nhận thức của người dân hiện nay, cần một hình thức truyền thông đa dạng và phong phú hơn. Những câu khẩu hiệu đại loại: Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ hoặc Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt … dường như chưa đủ. Bởi thực tế, người dân đã biết sinh nhiều con là khổ, nhưng chưa hiểu hết hệ lụy của việc cứ cố sinh con trai. Các biện pháp được khuyến khích là can thiệp có hiệu quả nhằm giảm bớt sự ưa thích con trai và giảm thiểu tình trạng chẩn đoán giới tính trước sinh ở Việt Nam.
Những nội dung truyền thông cần thay đổi về hình thức và nội dung. Một trong những việc cần làm ngay, đó là xác định chính xác mức độ mất cân bằng ở địa phương mình, trên cơ sở đó có những tác động kịp thời đối với người dân.
Câu chuyện hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hòa Bình chỉ là một mảng màu tương đối đậm trên bức tranh tổng thể về dân số có xu hướng nam hóa ngày càng rõ ở nước ta. Đây được xem là một chỉ báo về bất bình đẳng giới vì vậy, tỷ số giới tính khi sinh cần được đánh giá đúng tầm quan trọng và nhận được sự quan tâm nghiêm túc hơn./.
Hòa Bình là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất của nước ta. Thống kê của Trung tâm dân số và kế hoạch hóa gia đình cho thấy, tỷ lệ này là 119/110 (tức là cứ 119 bé trai mới có 100 bé gái). |
Trọng Minh