Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 6/6/2011 16:2'(GMT+7)

"Đường lưỡi bò" phi lý: Bảo vệ chủ quyền trước kẻ mạnh

Những gì cha ông đã làm để bảo vệ lãnh thổ thì ngày nay chúng ta cũng làm được.

Những gì cha ông đã làm để bảo vệ lãnh thổ thì ngày nay chúng ta cũng làm được.

Kẻ mạnh cố tình tạo ra sự kiện...

Phát triển toàn cầu dù được xem xét ở góc độ nào cũng là phát triển trong mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia với sự gắn kết giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội. Sự mất ổn định kinh tế, chính trị và thậm chí văn hóa-xã hội ở một quốc gia ảnh hưởng xấu đến sự phát triển không chỉ của quốc gia đó mà cả các quốc gia khác, chưa nói đến ảnh hưởng nặng nề mà các cuộc xung đột vũ trang mang lại. Chính trong bối cảnh quốc tế phát triển toàn cầu hiện nay, những hành xử của Trung Quốc ở biển Đông trong thời gian gần đây là hết sức phi lý và trái với xu thế chung của quá trình phát triển toàn cầu và tiềm ẩn một nguy cơ lớn đối với cộng đồng quốc tế. Việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thềm lục địa và thậm chí lãnh hải của Việt Nam, dùng vũ lực ngăn cản và phá hoại việc khai thác tài nguyên biển của nhân dân và doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn trái với pháp luật quốc tế, đi ngược lại những gì Trung Quốc đã tuyên bố và cam kết trước cộng đồng quốc tế. Xét từ góc độ pháp luật quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn không thể biện minh cho những hành động của mình.

Thứ nhất, Trung Quốc không thể viện dẫn đến bất cứ điều nào trong luật biển quốc tế, đặc biệt là trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) để chứng minh các vùng biển mà ngư dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đang đánh cá và khai thác thăm dò địa chất là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Những vùng này hoàn toàn thuộc chủ quyền, là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước luật biển năm 1982 mà Trung Quốc đã phê chuẩn. Các điều khoản, nguyên tắc của Công ước là những căn cứ pháp lý vững để Việt Nam khẳng định chủ quyền khai thác, thăm dò của mình trên các vùng biển mà hải quân và tàu hải giám của Trung Quốc đã xâm phạm, cản trở, phá hoại và đe dọa bằng vũ lực. Trong toàn bộ các điều khoản của Công ước luật biển năm 1982 không có bất cứ điều khoản nào cho phép Trung Quốc xác định chủ quyền của mình đối với những vùng biển này. Ngay cả những qui định tối thiểu nhất của an toàn hàng hải cũng bị các tàu hải giám của Trung Quốc phớt lờ khi không chịu phản hồi các cảnh báo mà tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 2 phát ra.

Thứ hai, Hiến chương Liên hợp quốc vốn được coi là Hiến pháp của Cộng đồng quốc tế không chấp nhận việc dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Điều đáng nói ở đây là tranh chấp này là sản phẩm tự sáng tạo của Trung Quốc với tên gọi Bản đồ Đường lưỡi bò được vạch ra không dựa trên bất cứ cơ sở pháp luật quốc tế nào. Khoản 3 và 4, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc qui định nghĩa vụ của các thành viên giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, từ bỏ đe dọa hoặc dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế chống lại quốc gia khác. Việc Trung Quốc dùng vũ lực cản trở, phá hoại chủ quyền của Việt Nam trong khai thác và thăm dò trên vùng đặc quyền kinh tế của mình là hành động vi phạm nghĩa vụ của một thành viên Liên hợp quốc.

Thứ ba, Trung Quốc là thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, thiết chế có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới. Với trách nhiệm của một thành viên Hội đồng bảo an, Trung Quốc cần thực hiện trách nhiệm pháp lý đúng theo các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Việc de dọa và cách dùng vũ lực trong quan hệ với các nước láng giềng yếu thế hơn, cụ thể là đối với Việt Nam để thiết lập chủ quyền theo bản đồ lưỡi bò của mình là không thể chấp nhận được.

Thứ tư, Trung Quốc đã cùng các nước ASEAN ký Tuyên bố về ứng xử ở biển Đông (DOC). Bằng việc ký Tuyên bố này Trung Quốc đã cam kết giải quyết các vấn đề liên quan đến biển Đông bằng phương pháp hòa bình dựa trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước về luật biển năm 1982. Trung Quốc cần tôn trọng trước tiên tuyên bố của mình đã ký. Việc Trung Quốc dùng vũ lực để cản trở, phá hoại hoạt động thăm dò, khai thác biển vì mục đích hòa bình của Việt Nam trong vùng kinh tế đặc quyền của mình hoàn toàn đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử ở biển Đông.

Và cách ứng xử cần thiết của Việt Nam

Cần nhận thấy rằng Trung Quốc không chỉ có ý đồ vươn tới biển Đông mà muốn khẳng định chủ quyền của mình đối với một số vùng trên biển Hoàng hải. Tuy nhiên, Nhật Bản không phải là phép thử dễ chịu đối với Trung Quốc nên Việt Nam và các nước ASEAN là mục tiêu hướng tới của họ trên con đường bành trướng ra đại dương. Khi kẻ mạnh không tìm ra lý lẽ cần thiết thì dùng đến vũ lực là giải pháp tiếp theo. Thực tế này đã xảy ra không phải là ít trong quan hệ quốc tế và càng không phải là hiếm thấy trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách pháo hạm của các thế kỷ trước không dễ thực thi trong bối cảnh hiện nay. Đáng tiếc là những hành xử này diễn ra trong lúc quan hệ hợp tác Trung -Việt, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước đang phát triển bất chấp những thử thách đã trải qua.

Bối cảnh quốc tế hiện tại tạo cho các quốc gia nhỏ bé, yếu thế những cơ hội để vượt qua sự chèn ép. Lực lượng dân chủ, tiến bộ ở nhiều quốc gia phát triển, nhiều cường quốc không cho phép chính quyền thực hiện những chính sách phản dân chủ, bành trướng và vi phạm chủ quyền của các quốc gia khác. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, khi Liên hợp quốc đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng quốc tế thì việc sử dụng những nguyên tắc, những qui định của Hiến chương Liên hợp quốc, của pháp luật quốc tế để bảo vệ chủ quyền của mình là điều Việt Nam và các quốc gia bên cạnh những láng giềng mạnh, có dã tâm bành trướng cần làm. Trước mắt, cần có những bước đi thích hợp sau:

Thứ nhất, kiên quyết không lùi bước, tiếp tục đẩy mạnh việc thăm dò, khai thác bình thường. Các doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền cần sử dụng những thiết bị công nghệ để định vị các hoạt động thăm dò khai thác mà đang tiến hành, ghi lại những hành vi cản trở, phá hoại từ phía Trung Quốc để làm bằng chứng cho những bảo vệ của chúng ta trước cộng đồng quốc tế và pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh những hoạt động thông tin quốc tế về sự vi phạm của Trung Quốc bằng mọi phương tiện có thể nhằm tạo ra sự hiểu biết đầy đủ của cộng đồng quốc tế đối với những gì đang diễn ra ở biển Đông.

Thứ hai, chủ động cung cấp đầy đủ thông tin cho cộng đồng quốc tế về vấn đề biển Đông, kiến nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc có nghị quyết về những hành vi vi phạm Luật biển quốc tế từ phía Trung Quốc. Với tư cách là thành viên của ASEAN, Việt Nam cần nêu vi phạm của Trung Quốc tại những diễn đàn thích hợp của Hiệp hội để có được ủng hộ của các thành viên khác trong ASEAN trong việc phản đối Trung Quốc vi phạm Công ước luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử ở biển Đông.

Thứ ba, cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ quyền của Việt Nam đối với lãnh hải, quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp, chủ quyền khai thác, thăm dò ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc bảo vệ vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.

Thứ tư, cần có chiến lược biển phù hợp trong đó chú trọng những giải pháp bảo vệ ngư dân trước những sự gây hấn, ức hiếp của ngư dân Trung Quốc. Bảo vệ ngư trường, bảo vệ và phát triển ngành hải sản phải là một trong những giải pháp bảo vệ biển, đảo hiệu quả, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc có những hành xử phi lý, cậy sức mạnh và ngang ngược hiện nay.

Những gì cha ông của chúng ta xưa nay đã làm để bảo vệ được lãnh thổ và chủ quyền đất nước thì ngày nay chúng ta cũng hoàn toàn làm được. Điều quan trọng là phải tạo ra được sự đoàn kết và tỉnh táo của cả một dân tộc./.


GS.TS Lê Hồng Hạnh ­
Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

(Nguồn: Đại đoàn kết)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất