(TCTG) - Trong bộn bề của cuộc sống mưu sinh thời cơ chế thị trường, ai cũng muốn có một nơi để gửi gắm con cái cho yên tâm khi đi làm. Có người chọn đội quân giúp việc: gia sư kèm cặp học hành, ô sin chăm lo cơm nước, xe ôm đưa đón con đi học ... nhưng thật tốn kém và thiếu tin tưỏng. Cũng có nhiều người chọn phương pháp an toàn: Gửi con về với ông bà, hàng tháng chu cấp tiền đầy đủ. Lúc này ông bà phải kiêm luôn vai cha mẹ. Vậy liệu có nên?
Tại một hội thảo dân số mới đây, TS Giang Thanh Long, phó viện trưởng viện Chính sách công và quản lý, đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội cho biết: ở Việt Nam, mô hình gia đình truyền thống gồm nhiều thế hệ đang dần được thay thế bởi gia đình khuyết thế hệ (chỉ có ông bà và cháu). Kết quả một cuộc điều tra do Viện từng thực hiện cho thấy xu hướng này đang tăng rõ rệt. Nếu năm 1992 – 1993 có 0,68% số hộ gia đình chỉ có ông bà và cháu thì tới năm 2008, con số này đã tăng gấp hai lần (khoảng 1,41%). Bên cạnh đó, những gia đình chỉ có vợ chồng người cao tuổi cũng tăng nhanh, từ chưa đầy 10% năm 1992 lên tới gần 21,5% năm 2008.
Thực tế cho thấy: Rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy yên tâm hơn khi gửi con mình cho ông bà chăm sóc. Phần vì đỡ tốn kém hơn so với thuê dịch vụ, lại yên tâm có người bên bố mẹ lúc tuổi già. Với suy nghĩ như vậy, một số người lập nghiệp ở thành phố đã gửi con về quê ở cùng ông bà, hàng tháng chu cấp tiền và hàng tuần về thăm nom. Họ coi thế là “trọn vẹn” nhất cử lưỡng tiện, khi không ở bên bố mẹ thì đã có con cái, lúc ông bà “trái nắng trở trời”, sớm hôm đã có người bầu bạn. Ngược lại, họ cũng được nhờ cậy bởi ông bà chăm sóc cháu thì yên tâm.
Cũng có người tuy ở cùng bố mẹ, nhưng đi làm cả ngày, mọi việc “khoán trắng” cho ông bà từ lo cho cháu cơm nước, giặt giũ, trông nom nhà cửa, học hành, họp phụ huynh... Tối đến bố mẹ mới về, chỉ kịp hỏi con vài câu rồi ai về phòng nấy. Có những đứa trẻ thèm bố mẹ đến mức chỉ mong ốm để được bố mẹ ở nhà chăm sóc (vì sáng bố mẹ đi làm thì chúng chưa dậy, tối bố mẹ về thì đã đi ngủ rồi. Vậy là mặc dù ở cùng một mái nhà nhưng hàng tuần cha mẹ không gặp con). Cũng có gia đình: Ông bà còn khỏe mạnh, về hưu rỗi rãi, muốn dành phần chăm non cháu để con có điều kiện đi làm. Và như vậy vô tình ông bà đã kiêm luôn vai cha mẹ.
Việc để ông bà kiêm vai cha mẹ thật thuận tiện cho người lớn, nhưng lại thiệt thòi nhiều cho trẻ em. Các cụ đã dạy: Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Nhưng việc để ông bà kiêm vai cha mẹ đã khiến cha mẹ chưa thấy được trách nhiệm của mình với con cái, không thấu hiểu nỗi vất vả của sự nuôi dạy con trẻ nên thiếu sự thông cảm cho cha mẹ khi xưa đã chăm bẵm mình. Tình mẫu tử không gì thay thế được. Dù ông bà có chăm cháu đến mấy cũng không thể thay thế được mẹ cháu. Có những đứa trẻ xa mẹ từ bé, thấy thiếu vắng vì nhớ cha mẹ, lón lên tính khí thất thường, hay cáu gắt hoặc buồn chán. Hoặc có những em dẫn đến xa lánh cha mẹ do thiếu sự gần gũi cần thiết hàng ngày. Mặt khác, ông bà và cháu khác xa về thế hệ, tâm sinh lý nên không thể hiểu được những suy nghĩ hàng ngày của trẻ thời nay, nhất là khi trẻ bắt đầu ở tuổi hình thành nhân cách. Hơn nữa, nhiều ông bà còn chăm sóc cháu theo lối cổ (Như ốm thì dùng lá cây, chữa mẹo mà không tin vào thuốc Tây “vì hại người”). Phương pháp dạy dỗ không mới, khiến trẻ không theo kịp các bạn. Việc kèm cặp học hành chưa theo chương trình cải cách, đến lớp cô giáo dạy kiểu khác gây sự hoang mang khi trẻ tiếp thu bài học ở trường. Ấy là chưa kể đến một số trẻ được ông bà cưng chiều sinh ra ích kỷ, không biết cách hoà đồng, khó giao tiếp với bạn bè. Có những trẻ do được ông bà đáp ứng vô điều kiện, hay nằm vạ kêu khóc, đòi hỏi yêu sách này nọ ảnh hưởng đến cá tính sau này. Một số em thường được ông bà bênh nên coi mình là nhất, phớt lờ những lời dạy bảo của cô dì chú bác và những người thân khác. Chúng thường đem ông bà ra làm “bình phong” mỗi khi mắc lỗi, cô chú cũng không dám nói nhiều sợ mất lòng ông bà. Những trẻ em đó dễ mất đi tính tự lập. Chưa kể đến trẻ vắng bố mẹ lâu ngày, tình cảm mẹ con thiếu sự gần gũi chia sẻ như một người bạn tâm tình mỗi khi gặp thắc mắc, đặc biệt về sinh lý .
Vậy có nên để ông bà kiêm vai cha mẹ? Theo tôi các bậc cha mẹ cần xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định. Thứ nhất: Ông bà đã già cần được nghỉ ngơi, tham gia các hình thức sinh hoạt tinh thần khác như câu lạc bộ dưỡng sinh, thơ... sao cho sống vui và khoẻ. Nếu ông bà ở cùng nhà để quây quần bên con cháu: cha mẹ hãy dạy con kính trọng ông bà, chăm sóc hàng ngày những việc nhỏ nhất như cơm nước, thăm hỏi, khoe với ông bà những điểm tốt hàng ngày để ông bà vui. Nếu sợ ông bà nghĩ ngợi là “người thừa”, hãy nhờ ông bà giúp mình nhắc nhở cháu cơm nước, giúp đỡ việc nhà, học theo lịch học bố mẹ đề ra. Không nên để ông bà làm việc nhà thay cháu, cũng quán triệt con không nên ỉ nại vào ông bà để kiếm cớ học rồi đi chơi, dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Nếu ông bà ở khác nhà, hàng tuần hãy đưa con đến thăm hỏi để con biết làm tròn chữ hiếu với ông bà là người đã có công sinh ra và nuôi dạy bố mẹ mình trưởng thành. Mỗi lần như vậy, hãy để trẻ tự tay mang quà biếu, gần gũi ông bà, chăm sóc hỏi han, nhổ tóc sâu, hay sà vào lòng ông đòi kể chuyện, nũng nịu bà khi đòi hát ru...
Cha mẹ chăm sóc gần gũi con là tốt nhất, vừa thể hiện trách nhiệm của mình với con cái, vừa nêu gương hiếu thảo với ông bà. Bên cạnh đó, tự chăm sóc con cái, nhìn thấy trẻ lớn lên, phát triển hàng ngày, tư vấn cho con từng giai đoạn là điều hạnh phúc của mỗi người làm cha mẹ. Có một nhà thơ đã nói lời của một ông bố khi vợ về quê, tuy ông bố đã “Nấu cơm, một tuần 2 lần thay vỏ gối” nhưng vẫn phải thốt lên:
“Thay việc em làm mà không thay nổi
Những tấm lòng rất mẹ ở trong em”.
Tuy không dám phủ nhận vai trò của người già trong gia đình, nhưng để ông bà hoàn toàn kiêm vai cha mẹ là một thiệt thòi cho trẻ em. Theo tôi, chỉ nên học hỏi ông bà những kinh nghiệm nuôi dạy con trẻ, chứ không nên để ông bà kiêm hoàn toàn vai cha mẹ. Để trẻ em lớn lên đầy đủ tình thương yêu gần gũi của cha mẹ, phát triển nhân cách đúng hướng mà vẫn hiếu thảo với ông bà, điều đó phụ thuộc vào sự khéo léo trong đường ăn ý ở của chúng ta .
Diễm Nguyệt