Thứ Bảy, 21/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Ba, 3/2/2015 21:38'(GMT+7)

Bản sắc văn hóa và tôn trọng sự lựa chọn văn hóa

Một ngày tháng 7-2014, đang đi dọc bờ sông Seine, tôi thấy một anh người Pháp, râu ria - rậm rì, ngồi cạnh lối lên cây cầu. Trước mặt anh là giá vẽ, kế bên có chiếc ghế gấp. Tôi tò mò đứng xem, và sau mấy phút, tôi thành khách hàng của họa sĩ. Theo chỉ dẫn của anh, tôi xoay xở trên chiếc ghế cho vừa góc nhìn. Lúc đó, tôi cố giữ vẻ mặt nghiêm trang, nhưng trong đầu thì buồn cười. Phần vì tôi là người ưa hài hước, phần vì tôi tin người phương Ðông thường ngại ngần nếu ngồi giữa chốn đông người qua lại làm mẫu cho người khác vẽ. Nhoằng cái, họa sĩ đã vẽ xong.

Cầm bức ký họa, tôi phá cười. Quả thật, bức họa có đủ các nét diện mạo chính của tôi, nhưng đầu thì như cái thúng, người lại như cái que, mái tóc dài và như rễ tre; riêng miệng, phải nói là bất hủ, nó nhô ra, môi trên to hơn môi dưới lại quặp xuống như mỏ diều hâu! Về Việt Nam, tôi hí hửng khoe bức họa với mấy người bạn, họ ngó qua, không bình luận. Còn mấy đứa con tôi, vốn tinh nghịch, xem xong, chúng tủm tỉm cười. Tôi bảo các con làm cái khung cho bố treo, nhưng nửa năm rồi, bức ký họa vẫn cuộn đặt trên giá sách! Ngẫm kỹ, có lẽ chuyện không đơn giản như tôi nghĩ. Bức tranh như một hình thức tự trào, nên tôi khoái trí. Nhưng thử hỏi, nếu tự nhiên ai đó vẽ tôi như vậy, liệu có gì bảo đảm là tôi sẽ thích thú? Vì ở Việt Nam, chỉ đùa nghịch mà vẽ biếm họa bà hàng xóm có hình hài kỳ dị, rồi treo ở đầu ngõ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra!?

Cách đây gần 600 năm, trong Bình Ngô Ðại Cáo, Nguyễn Trãi từng viết "Phong tục bắc nam cũng khác", là ông bàn về sự khác nhau trong văn hóa. Và đó là sự thật! Một học giả đã khẳng định, bản sắc văn hóa là sự lựa chọn của mỗi cộng đồng trong những điều kiện và hoàn cảnh riêng. Chữ "riêng" trong ngữ cảnh này cho thấy, bản sắc là sản phẩm văn hóa của mỗi cộng đồng cần được tôn trọng, trước hết không phải là giá trị phổ biến ngoài cộng đồng, kể cả khi là giá trị văn hóa được du nhập thì cũng đã được "bản địa" hóa. Ðây là cơ sở để khi so sánh văn hóa giữa các cộng đồng là nhằm tìm thấy sự khác nhau, chứ không nên so sánh tìm sự hơn kém, cao thấp. Thí dụ, không thể nói dân tộc dùng đũa trong bữa ăn là có văn hóa "cao hơn" dân tộc dùng mười ngón tay (như người Việt gọi là "ăn bốc"); cũng không thể coi dân tộc dùng dao, thìa, nĩa trong bữa ăn là có văn hóa "cao hơn" dân tộc dùng đũa, hoặc mười đầu ngón tay. Tương tự như thế, sẽ là bất cận thực tiễn nếu khẳng định cộng đồng lấy gạo làm lương thực chủ yếu là có văn hóa "cao hơn" cộng đồng lấy bột mì làm lương thực chủ yếu, hoặc ngược lại.

Nhìn rộng ra, sự khác nhau thể hiện trên rất nhiều phương diện từ quan niệm, tập quán tới thói quen hằng ngày. Như ở Việt Nam, việc đặt tên con theo tên của họ hàng, người quen biết, đặc biệt theo tên của hàng xóm láng giềng là điều rất tối kỵ; trong khi ở nhiều nước phương Tây, đặt tên con theo tên một người nào đó là một cách thức thể hiện lòng quý trọng. Rồi trong khi ở phương Tây, hành động xoa đầu người khác là bày tỏ tình thân thiện thì ở Việt Nam, người ta bất bình, thậm chí sẽ phản ứng gay gắt nếu bị xoa đầu, vì như vậy là bị coi thường; bởi với người Việt Nam, chỉ có người lớn mới xoa đầu trẻ em (đến mức còn hiểu theo nghĩa bóng, là khi ai đó viết, nói điều gì với hàm ý coi thường, cũng được gọi là "xoa đầu"!). Mấy chục năm trước, tôi chứng kiến một sự kiện xảy ra trên sân Hàng Ðẫy (Hà Nội), khi một đội bóng đến từ châu Âu thi đấu với một đội bóng Việt Nam. Trong khi tranh bóng, một cầu thủ người Âu va vào một cầu thủ người Việt, cầu thủ người Việt ngã ra sân. Cầu thủ người Âu vừa xoa đầu vừa kéo cầu thủ Việt dậy, và lập tức bị một cú đấm. Cầu thủ Việt phải nhận thẻ đỏ rời sân. Về sau, được hỏi tại sao đấm như thế, cầu thủ Việt nói: "Vì nó xoa đầu em"! Và điều này không chỉ có ở Việt Nam, theo khuyến cáo từ bài báo "Nhập gia tùy tục" khi đến đất nước Chùa vàng, du khách tới Thái-lan: "Không xoa đầu người khác, dù đó là trẻ em. Ðối với người Thái, đầu là nơi thiêng liêng nhất... Không được dùng chân để chỉ vật gì hay chạm vào thân thể người khác, vì điều này bị xem là thô lỗ. Khi ngồi chéo chân nhất thiết không được để chân hướng về phía ai đó, đặc biệt là tượng Phật hay ảnh vua...".

Phần lớn điều cấm kỵ (tabu) trong các nền văn hóa dân tộc thường ra đời từ các năm tháng xa xưa, và một quan niệm, một giá trị nào đó phải trải qua thời gian thực hành, truyền bá rất dài trước khi được cộng đồng thừa nhận, để từ đó trở thành quan niệm phong tục, tập quán chung. Cũng thường thì một số quan niệm, giá trị là có nguồn gốc từ một tín ngưỡng, tôn giáo nào đó từ thời nguyên sơ. Ðến hiện tại, dẫu chưa xác định đấu bò tót quan hệ với nền văn hóa cổ Crete, hay để nhớ việc tổ tiên của người Tây Ban Nha sử dụng giống bò này nhằm chống lại kẻ thù thì đấu bò tót vẫn tồn tại như là "quốc túy" của người Tây Ban Nha. Ở Việt Nam, lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên được thực hành đến hôm nay chính là hình thức hiến tế cầu mong no đủ, mừng chiến thắng, mừng mùa màng bội thu, tưởng nhớ công ơn thần linh,... Với những hoạt động này, nếu lấy quan niệm của người đương đại để đánh giá, phê phán sẽ khó có sự đồng cảm. Và sẽ khó chia sẻ với hàng vạn người vui sướng hò reo khi chứng kiến những đấu sĩ picador, banderillero, matador dũng cảm và khéo léo khi đối mặt chú bò hung dữ; càng khó chia sẻ với lòng thành kính, niềm vui của bao nhiêu người dự lễ đâm trâu. Xét đến cùng, vấn đề vẫn là nhu cầu, một quan niệm hay một giá trị văn hóa sẽ mai một, biến mất khi nhu cầu về nó không còn. Như câu tục ngữ "ăn trông nồi, ngồi trông hướng" chẳng hạn. Thời còn thiếu thốn, nồi cơm chưa thể làm cho cả nhà đủ no, nên "ăn trông nồi" là nhắc nhở việc nhường nhịn giữa con cháu với ông bà và bố mẹ, anh chị với các em, chủ với khách...; và khi ngồi cũng phải chọn nơi đúng vị trí, vai trò của mình, đặc biệt là không được ngồi quay lưng về hướng bàn thờ,... Giờ thì mọi việc đã khác, nồi cơm của phần lớn gia đình Việt Nam đã đủ đầy, nhường nhịn không phải là điều cần thiết nữa, còn sinh hoạt xã hội đã dân chủ hơn, chuẩn mực sinh hoạt cũng cởi mở hơn, nên trên thực tế, câu tục ngữ "ăn trông nồi, ngồi trông hướng" cũng ít được nhắc tới.

Ngày nọ, vào một nhà thờ có tuổi đời đã mấy trăm năm ở một nước châu Âu, trong không gian tĩnh lặng, nhìn các tín đồ với trang phục chỉnh tề, vẻ thành kính... tôi nghĩ đến không khí trang nghiêm trong ngày lễ ở Việt Nam, và liên tưởng tới các du khách nước ngoài với quần soóc, áo may ô, kính đen, khoác ba-lô thản nhiên đi lại tại một số ngôi đình, chùa, đền, miếu ở đất nước mình. Liệu họ có biết với người Việt Nam, đó là điều tối kỵ? Và bản tin trên vov.vn ngày 1-2 cho biết: Ngày 29-1, giới chức Cam-pu-chia bắt giữ ba du khách người Pháp khi đang chụp ảnh nude trong khu đền Ăng-co. Bà Châu Xun Ke-ri-a - phát ngôn của cơ quan quản lý khu đền nói: "Ngôi đền là nơi thờ tự, hành vi của họ là không chấp nhận được"; còn ông Kiết Bun-than, quan chức cảnh sát cấp cao về di sản văn hóa ở Xiêm Riệp, xác nhận quốc tịch của ba người bị bắt và khẳng định: "Hành động của họ xúc phạm văn hóa của chúng tôi. Không ai được phép chụp ảnh khỏa thân tại các ngôi đền cổ xưa". Viết như vậy, nhưng quả thực, tôi vẫn thấy ngượng khi ra nước ngoài gặp các du khách, trong đó có người Việt, chen lấn xô đẩy, nói năng cười đùa ầm ĩ trên xe buýt, trên tàu điện ngầm, rình lúc không có xe chạy ngang là xuống đường vượt đèn đỏ, không quan tâm đến ánh nhìn khó chịu của những người khác đang đứng đợi chung quanh. Và còn ngượng hơn khi cùng hàng nghìn người xếp hàng theo hình chữ chi dài dằng dặc trên khoảng sân rộng trước lâu đài Véc-xây, chứng kiến cảnh mọi người phản đối gay gắt mấy du khách Việt Nam láu cá định chen ngang, để rồi nhân viên trật tự buộc họ phải xếp xuống cuối hàng. Với những việc như thế, vấn đề không chỉ là văn hóa nữa, mà còn là thái độ văn minh. Nếu thấy khó chịu khi gặp người nước ngoài với quần soóc , áo may ô, kính đen, khoác ba-lô thản nhiên đi lại ở nơi từ thời tổ tiên đã coi là chốn linh thiêng, thì nhiều người trong chúng ta cũng cần tập thói quen hành xử văn minh trên chính đất nước mình. Vì ngay tại Việt Nam này, việc chen ngang, xô đẩy, vượt đèn đỏ,... đâu có phải là việc làm được mọi người đồng tình, mà cũng là vi phạm luật pháp.

Với tranh biếm họa, đó là một yếu tố làm nên bản sắc văn hóa của nước Pháp và đưa tới nhiều điều thú vị. Nhưng như người xưa đã bảo "thái quá bất cập", hay chúng ta cho rằng, việc gì cũng có giới hạn. Trong hành xử văn hóa nhân loại, chí ít không nên vin vào bản sắc văn hóa của mình, vào quyền của mình, để làm ảnh hưởng văn hóa của dân tộc khác và quyền của người khác. Không được lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để có hành vi bạo lực, thì cũng không được sử dụng quyền của mình để xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo, như Giáo hoàng Phran-xít đã nói: "Người ta không thể kích động, không thể xúc phạm tín ngưỡng của người khác, không thể đem tín ngưỡng của người khác ra làm trò cười. Phải có giới hạn. Tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng là hai quyền cơ bản của con người. Ðiều đó không đồng nghĩa với việc xúc phạm tôn giáo của nhau". Những cộng đồng người lành mạnh và hướng thiện không bao giờ mong muốn có chiến tranh và khẳng định khủng bố là tội ác. Ðể không còn chiến tranh, không còn khủng bố, cần tìm hiểu nguồn gốc chính yếu đã dẫn đến các hành vi phi nhân tính này, từ đó nhân loại có hành động thiết thực vì một nền hòa bình bền vững; không thể vì một số nhu cầu, ý muốn hạn hẹp mà làm cho tình trạng trầm trọng hơn. Vì dù thế nào thì một khi các mối họa đe dọa sự tồn vong của loài người vẫn còn hiện hữu, loài người vẫn cần tới những ứng xử mang tính văn hóa là tôn trọng lẫn nhau, phối hợp cùng nhau thì mới có cơ hội giải quyết.

Nguyễn Hòa/Báo Nhân Dân



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất