Thứ Sáu, 29/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 17/11/2016 14:53'(GMT+7)

Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về công tác phổ cập giáo dục

Đồng chí Bùi Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham gia buổi làm việc với Đoàn.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bùi Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ (PCGD-XMC) luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể toàn tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều giải pháp cụ thể; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt và vượt mức đề ra so với Chỉ thị 10; Công tác PCGD-XMC trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực...

Cụ thể: Về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: năm 2012, có 67/152 xã, phường, thị trấn và 2/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi (PCGDMNT5T). Đến nay, có 152/152 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn, tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGDMNT5T; 60 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 29,9%. 

Về phổ cập giáo dục tiểu học: năm 2013, toàn tỉnh có 152/152 xã và 8/9 huyện đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 1. Đến nay, 9/9 huyện đạt chuẩn mức độ 2, đạt 100%; 6/9 huyện đạt chuẩn mức độ 3, đạt 66,7%. 151/152 xã đạt chuẩn mức độ 2, đạt 99,34%; 118/152 xã đạt chuẩn mức độ 3, đạt 77,63%; có 153 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 62,3%.

Về phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Thừa Thiên Huế được công nhận đạt chuẩn PCGDTHCS vào năm 2004. Từ đó đến nay, luôn duy trì và 9/9 huyện đạt chuẩn PCGDTHCS, trong đó, 152/152 xã đạt chuẩn PCGDTHCS (đạt 100%). Hiện nay, 1/9 huyện đạt chuẩn mức độ 2, đạt 11,1%; 86/152 xã đạt chuẩn mức độ 2, đạt 56,58%; 13/152 xã đạt chuẩn mức độ 3, đạt 8,55%. Có 55 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 41,9%.

Có 9/9 huyện đạt chuẩn XMC, tỷ lệ 100%; tỷ lệ tái mù chữ ở người lớn trên địa bàn tỉnh rất ít, chủ yếu tập trung ở một số đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác phân luồng học sinh sau trung học luôn được chú trọng; được xem là nhiệm vụ thường xuyên. Các cấp, các ngành đã tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ, qua đó, công tác phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS, THPT đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS qua các năm từ 2011-2016 là 75% vào học THPT; 4% vào học bổ túc THPT; 3% vào học TCCN, trung cấp nghề; 18% tham gia lao động sản xuất. Tỷ lệ phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT qua các năm từ 2011-2016 là 70% vào học đại học, cao đẳng; 18% vào học TCCN, cao đẳng nghề và trung cấp nghề; 12% tham gia lao động sản xuất.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCGD - XMC vẫn còn có những khó khăn: Công tác phân luồng học sinh sau THCS vẫn còn hạn chế; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia nhìn chung vẫn còn thấp, nhất là đối với bậc mầm non; Số lượng, cơ cấu và chất lượng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong công tác PCGD-XMC vẫn chưa thực sự đồng đều giữa các vùng, miền...

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 10, như: chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác phân luồng học sinh sau THCS; các chính sách ưu đãi đối với công tác đào tạo nghề cũng như sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất; các chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa... Các kiến nghị, đề xuất của tỉnh sẽ được Đoàn tiếp thu và báo cáo Trung ương để có biện pháp tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.

Sau buổi làm việc với tỉnh, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiếp tục làm việc với Thành uỷ Huế, Huyện uỷ Phú Vang để khảo sát, nắm rõ hơn công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn./.

Bích Ngọc
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất